+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng trong nước mắm có độ đạm cao

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Ngày 12/10, theo kết quả điều tra riêng công bố trên một tờ báo lớn, trên 106 mẫu nước mắm được bày bán khắp 13 tỉnh thành Việt Nam, có tới 83 mẫu chứa hàm lượng

    (ĐSPL) - Ngày 12/10, theo kết quả điều tra riêng công bố trên một tờ báo lớn, trên 106 mẫu nước mắm được bày bán khắp 13 tỉnh thành Việt Nam, có tới 83 mẫu chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng an toàn.

    Đây là một chất độc được cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là chất gây ung thư nhóm 1, độc gấp 4 lần thủy ngân.

    Hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng trong nước mắm siêu đạm

    Dựa theo kết quả khảo sát mà báo Thanh Niên thực hiện, có tới 83/106 mẫu nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt mức quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, có 75/83 mẫu (các mẫu có độ đạm được ghi trên nhãn >= 25 độ) lại có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng an toàn gấp 3, 4 lần chiếm 90,4 %.

    Không chỉ chứa chất gây ung thư là thạch tín, những sản phẩm được đem đi khảo sát có độ đạm thấp hơn rất nhiều con số được thông tin trên nhãn sản phẩm. Cụ thể, 25/106 sản phẩm có mức chênh lệch rất lớn, ví dụ trên nhãn ghi độ đạm là 30 thì thực tế xét nghiệm độ đạm chỉ ở mức 16. Với con số là 60, thực tế xét nghiệm chỉ ở mức 40. Thậm chí, với sản phẩm mua tại siêu thị tại trung tâm TP.HCM, trên nhãn ghi nồng độ đạm 60 nhưng kết quả xét nghiệm chỉ có 39,8, và tại Hà Nội ghi nồng độ đạm 43 nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 27,3.

    Như vậy, các sản phẩm nước mắm trên thị trường không chỉ lỏng lẻo về khâu giám định chất lượng khi để lọt những sản phẩm chứa hàm lượng thạch tín cao vượt ngưỡng mà các nhà sản xuất còn thiếu trung thực về tỷ lệ các thành phần ghi trên bao bì.

    Một chuyên gia về nước mắm nhận định: “Nhiều thương hiệu nước mắm đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích độ đạm cao nên công bố trên nhãn chỉ số độ đạm rất cao. Thực chất khi kiểm tra thì độ đạm thấp hơn nhiều so với con số công bố. Điều này có thể nói, đây là hình thức gian lận thương mại, dối trá trong làm ăn, đánh lừa khách hàng”. Người tiêu dùng không chỉ là nạn nhân khi bị các nhà sản xuất ‘móc túi’ vì phải bỏ tiền mua sản phẩm kém chất lượng với giá cao mà còn có nguy cơ nhiễm thạch tín trong các loại nước mắm siêu đạm này.

    Thạch tín – nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư

    Viện Hàn lâm khoa học Mỹ đã cảnh báo, chất thạch tín trong thực phẩm dù nhỏ cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia (Royal Geographical Society - RGS) ở thủ đô Luân Đôn – Anh vào năm 2007, các nhà khoa học đã cảnh báo ngộ độc thạch tín sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho số người bị ung thư gia tăng trong tương lai. Đặc biệt là các nước khu vực Nam và Đông Á - chiếm hơn một nửa số trường hợp bị ung thư vì thạch tín do hàng ngày họ đã tiêu thụ một lượng lớn các thực phẩm từ các nguồn nước nhiễm thạch tín.

    Không chỉ có mặt trong danh sách gây ra bệnh ung thư về da và phổi, thạch tín còn là tác nhân gây ung thư bàng quang, ung thư thận và ung thư gan. Theo các nhà nghiên cứu, trung bình những bệnh này sẽ khởi phát sau 10-20 năm sử dụng liên tục nước nhiễm thạch tín. Thêm vào đó, những bệnh không ung thư do uống nước có thạch tín gây ra là: tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi, các bệnh về tim mạch, tổn thương da. Ngoài ra, thạch tín có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ nếu người mẹ uống nước nhiễm asen.

    Quy chuẩn nào cho nước mắm Việt?

    Trên thế giới, ngộ độc thạch tín dẫn đến tử vong đã xảy ra rất nhiều, từ hàng chục thế kỷ trước. Cụ thể, tại vùng thung lũng Camarones ở phía Bắc Chile,  nhà khoa học Bernardo Arriaza cùng các đồng nghiệp đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của những xác ướp cổ đại trong vùng. Qua phân tích mẫu tóc của 46 xác ướp cổ được tìm thấy tại 5 địa điểm khác nhau trong thung lũng, cho kết quả 90% tóc của xác ướp – có niên đại từ 600 tới 7.000 năm – có nồng độ thạch tín lớn hơn 1 mg trong mỗi gram tóc. Đây là nồng độ đủ lớn để gây nên nhiều bệnh.

    Ông kết luận những người Chile cổ đại đã bị nhiễm độc thạch tín do uống nước trong thung lũng Camarones qua nhiều năm. Do thạch tín là chất không mùi, không vị nên những người ở vùng Chinchorro không thể biết họ bị nhiễm độc. Cho tới ngày nay, nước uống trong thung lũng Camarones vẫn chứa hàm lượng thạch tín cao gấp vài trăm lần so với tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Vì thế mà người dân ở đây phải lấy nước từ nơi khác để uống.

    Ở Bradford – Anh, vào tháng 10/1858, William Hardaker đã vô tình sử dụng thạch tín thay vì đường để sản xuất kẹo và gây ra vụ ngộ độc thạch tín khiến 200 người bị ngộ độc và 20 người chết tại chỗ. Chưa hết, ở Bangdalesh, có tới 77 triệu người bị ngộ độc, khiến Tổ chức Y tế Thế giới mô tả thực trạng này là “một thảm hoạ ngộ độc tập thể lớn nhất thế giới”.

    Như vậy, với lượng tiêu thụ nước mắm khoảng hơn 300 triệu lít mỗi năm, 95%  hộ gia đình Việt Nam đang đối mặt với hiểm họa ung thư rình rập khi hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng  từ những chai nước mắm đạm cao. Thiết nghĩ ngoài việc đảm bảo quy định VSATTP khi sản xuất nước mắm thì sự minh bạch, trung thực các thành phần trên nhãn hàng, một quy chuẩn cho nước mắm Việt là điều cần thiết để người tiêu dùng Việt Nam có quyền được lựa chọn vì sức khỏe của chính họ.

    THANH AN
    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-ham-luong-thach-tin-vuot-nguong-trong-nuoc-mam-co-do-dam-cao-a166015.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.