+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo nạn “tự xử” và lỗ hổng pháp lý khiến “cẩu tặc nhờn luật”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Do các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính, cảnh cáo rồi thả về khiến người dân bức xúc và hành xử theo kiểu “luật rừng” khi phát hiện hành vi trộm chó.

    (ĐSPL) - Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hệ lụy chết người từ những vụ trộm chó một phần do sự thiếu kiến thức về pháp luật của người dân. Mặt khác, do các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính, cảnh cáo rồi thả về khiến người dân bức xúc và hành xử theo kiểu “luật rừng” khi phát hiện hành vi trộm chó.

    Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích: Pháp luật hình sự hiện hành quy định tài sản trộm cắp phải có giá trị trên 2 triệu đồng mới xử lý hình sự, dưới mức trên thì chỉ xử phạt hành chính. Chính vì chế tài như thế đã tạo tâm lý cho những người đi ăn trộm “nhờn luật”. Khi được thả rồi, họ còn thách thức cả cộng đồng rằng: “Tôi đi ăn trộm đấy, nhưng có bị làm sao đâu!”. Còn người dân, khi tài sản bị mất mà kẻ lấy trộm lại không bị xử lý thích đáng thì bức xúc, dẫn đến việc hành xử manh động. 

    Bởi thế, khi phát hiện trộm chó, người dân thường “tự xử” vì họ nghĩ nếu có báo chính quyền thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trong quá trình “tự xử”, phần do tâm lý đám đông, phần do sự ức chế đã lên đến đỉnh điểm, nên nhiều người đã quá tay, gây thương tích, thậm chí là đánh chết người có hành vi trộm cắp.

    Cảnh báo nạn “tự xử” và lỗ hổng pháp lý khiến “cẩu tặc nhờn luật”
    Hai con chó vừa bị đánh bả tại Đồng Nai sáng 1/7 vẫn còn nằm trên chiếc xe gắn máy của đối tượng khi bị người dân vây đánh.

    “Thật ra, khi cộng đồng dân cư tự xử một người đi ăn trộm, họ cũng chỉ nghĩ rằng đánh một trận thật đau, để những người đi ăn trộm sợ, lần sau không dám đi ăn trộm nữa thôi. Nhưng trong một đám đông, họ cứ bảo nhau, cứ hô hào mỗi người đánh một cái. Đánh quá tay thì chết. Đánh chết người thì tất yếu là phải đi tù. Thế là từ chỗ là nạn nhân, người dân bị mất trộm lại trở thành tội phạm”, chuyên gia Nguyễn An Chất nói thêm.

    Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, một vị Trưởng công an xã cho rằng: “Lực lượng công an xã cũng đã tuần tra, để bắt những đối tượng trộm cắp này nhưng hơi khó, bởi một phần do lực lượng mỏng, đối tượng lại manh động và rất hung hãn, trong khi phương tiện công cụ hỗ trợ của công an xã lại hạn chế. Do vậy, chúng tôi cần được trang bị thêm những công cụ hỗ trợ khác nhau để đối phó với những tội phạm”.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nan-tu-xu-va-lo-hong-phap-ly-khien-cau-tac-nhon-luat-a42710.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan