+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo tình trạng lâm tặc phá đá “săn” Hoàng Đàn

    • DSPL
    ĐS&PL Từ cuối tháng 9/2014, trở lại đây, lâm tặc đã dùng mìn phá đá để lấy rễ Hoàng Đàn. Đây là hiện tượng mới ở khu vực rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện hữu Lũng (Lạng Sơn).
    Hoàng Đàn là loài cây quý hiếm thuộc nhóm 1A, sinh sống trên các đỉnh núi đá cao, gốc, rễ bám chặt vào những khe đá cheo leo. Cũng vì quý hiếm nên người ta tìm mọi cách để có thể khai thác Hoàng Đàn, gốc rễ cũng không chừa.
    Nếu như trước kia chỉ là khai thác thủ công thì từ cuối tháng 9/2014 trở lại đây, lâm tặc đã dùng mìn phá đá để lấy rễ Hoàng Đàn. Đây là hiện tượng mới ở khu vực rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện hữu Lũng (Lạng Sơn).
    Anh Triệu Xuân Trường, trưởng trạm bảo vệ rừng thôn Diễn (một trong ba trạm bảo vệ rừng trực thuộc ban quản lý rừng đặc dụng) chỉ tay và bảo: "Anh xem, kia là một trong những khu vực mới bị nổ mìn lấy rễ Hoàng Đàn". Nhìn về phía tay anh chỉ, chúng tôi thấy cả vách đá dựng đứng, trắng ởn đã bị khoét thành một hố sâu hoắm. Theo cán bộ ban quản lý, từ cuối tháng 9/2014, vào ngày cao điểm, thông qua tiếng nổ, ban xác định có khoảng 7 vụ nổ mìn, chủ yếu xảy ra ở khu vực phía Đông này, nơi trước kia tập trung nhiều Hoàng Đàn. Ước chừng khu vực nổ mìn cách chúng tôi chỉ tầm 300m theo đường chim bay, nhưng những người dẫn đường cho biết, muốn tới được vị trí ấy, người thạo đường phải mất thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa.
    Cán bộ đặc dụng Hữu Liên kết hợp với dân sở tại tuần tra bảo vệ rừng.
    Được biết, gỗ Hoàng Đàn có thể làm thuốc, làm hương liệu, mùi thơm giống như trầm hương, được ví là có hương thơm “trăm năm không phai”. Mặc dù chưa nghiên cứu hết, nhưng chỉ chừng ấy cũng khiến cho Hoàng Đàn bị săn lùng gắt gao, khai thác triệt để. Những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Đàn, tập trung chủ yếu ở khu vực rừng Hữu Liên đã cơ bản cạn kiệt. Cũng bởi đặc tính của mình mà việc bảo tồn, nhân giống Hoàng Đàn rất khó khăn đối với các nhà khoa học.
    Trở lại hiện tượng nổ mìn ở rừng đặc dụng Hữu Liên, ông Nguyễn Hữu Hưng, trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 25/9/2014, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu hiện trường có thể khẳng định các đối tượng nổ mìn để khai thác rễ và gốc cây Hoàng Đàn còn sót lại. Theo ông Hưng, hiện nay gốc và rễ Hoàng Đàn (kể cả gốc, rễ vụn) được thu mua với giá rất cao, lên đến khoảng 10 triệu đồng/kg. Hiện tượng nổ mìn được xác định là rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học của rừng đặc dụng mà còn nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
    Ngay khi phát hiện hiện tượng này, cán bộ ban quản lý cùng với các lực lượng chức năng của huyện, cấp ủy, chính quyền xã đã vào cuộc. Một mặt tuyên truyền mạnh đến người dân sở tại, mặt khác tăng cường các biện pháp tuần tra, bảo vệ; đồng thời chốt chặn tại các cửa rừng để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển thuốc nổ và dụng cụ hỗ trợ vào rừng... Trước các biện pháp quyết liệt đó, hiện tượng có giảm nhưng không thể triệt để. Không triệt để bởi lẽ, ngay cả những hiện trường gần nhất như chúng tôi chứng kiến, thì từ khi phát hiện cho đến lúc tới nơi cũng mất cả tiếng đồng hồ. Những khu vực khác địa hình còn hiểm trở hơn nhiều. Và, nguyên nhân cơ bản là lợi nhuận quá cao có thế khiến các đối tượng mạo hiểm cả mạng sống để “săn” gốc, rễ Hoàng Đàn. Theo lãnh đạo ban quản lý rừng đặc dụng, trong vòng 1 tuần qua, cơ quan chức năng vẫn ghi nhận có 2 vụ nổ mìn xảy ra.
    Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm: Hiện nay, ban cũng đã bước đầu nhận diện được một số đối tượng nổ mìn, trong đó xác định chủ yếu là người dân sở tại. Vấn đề đặt ra hiện nay là phối hợp cùng với công an huyện xử lý nghiêm các đối tượng này, đồng thời tìm hiểu cặn kẽ, phát hiện các đầu nậu thu mua, đã hình thành đường dây hay chưa... để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dài hơi.
    Theo khảo sát của lực lượng chức năng, hiện nay, trong khu vực rừng đặc dụng Hữu Liên không còn quần thể Hoàng Đàn sống tập trung. Năm 2013, ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên điều tra, chỉ còn 27 cây Hoàng Đàn nằm rải rác trong rừng. Thế nhưng, đến nay, con số này đã giảm xuống còn 17 cây (số còn lại bị chết, sâu bệnh). Ngoài ra, nhân dân trong vùng tự ươm, nhân giống khoảng 200 cây (cây nhỏ). Hiện nay, tất cả những cây Hoàng Đàn này đều được đánh số, định vị để tiện theo dõi, quản lý. Thế nhưng, với giá thu mua rất cao, những thực thể Hoàng Đàn còn sót lại này vẫn đang bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-tinh-trang-lam-tac-pha-da-san-hoang-dan-a69787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan