Cảnh giác nguy cơ đột quỵ hậu COVID-19


Thứ 3, 19/04/2022 | 13:30


Cùng sự kiện

Tuy đã khỏi COVID-19 nhưng hàng triệu người vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề về sức khỏe, trong đó có nguy cơ đột quỵ.

Yếu tố nào gây đột quỵ hậu COVID-19?

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời các chuyên gia tim mạch cho biết di chứng cục máu đông là nguyên nhân chính của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi ở bệnh nhân dù đã điều trị khỏi COVID-19.

Bệnh tim mạch là thuật ngữ chung chỉ tình trạng các bệnh về tim khác nhau, huyết khối và đột quỵ. Rối loạn nhịp tim hoặc tim đập bất thường là một trong những triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến. Có khoảng 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm 2 tháng sau khi mắc COVID-19.

Một số người thậm chí bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi COVID-19 do di chứng cục máu đông, mặc dù trước đó họ không bị bệnh tim mãn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân – béo phì, tăng huyết áp.

Hồi đầu tháng 3/2022, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã chỉ ra những tác động lớn của COVID-19 đối với sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu xem xét dữ liệu của hàng triệu hồ sơ sức khỏe của bộ Cựu Chiến binh Mỹ.

Các chuyên gia cho biết COVID-19 tác động lên các mạch máu, gây tổn thương cơ sau khi F0 bị bệnh nặng. Không chỉ vậy, 30 ngày sau đó, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao bị rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim và bệnh huyết khối tắc mạch.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Cảnh giác nguy cơ đột quỵ hậu COVID-19
Di chứng cục máu đông là nguyên nhân chính của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi ở bệnh nhân dù đã điều trị khỏi COVID-19. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tim đáng kể sau một năm nhiễm virus SARS-CoV-2. Căn bệnh này khiến tỷ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ, tử vong cao hơn ở các F0 khỏi bệnh.

Ngay cả những người trước đó khỏe mạnh, mắc COVID-19 thể nhẹ vẫn có khả năng gặp phải di chứng về tim sau khi khỏi bệnh. Giới chuyên gia nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu và thời gian để đo lường toàn bộ ảnh hưởng của COVID-19 đối với tim – cơ quan quan trong thứ hai trong cơ thể, sau não.

“Nhiễm SARS-CoV-2 có thể dẫn tới những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, tử vong. Tim không thể tái tạo hoặc dễ dàng hồi phục sau tổn thương. Đây là những hậu quả ảnh hưởng đến người bệnh suốt đời”, nghiên cứu nêu.

Nguyên nhân hình thành cục máu đông hậu COVID-19

Một lượng lớn bệnh nhân gặp phải di chứng hình thành cục máu đông, lý do được xác định là vì phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau COVID-19. Điều này đã giúp lý giải nguyên nhân một số người từng mắc COVID-19 gặp các triệu chứng tim mạch.

Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người khỏi COVID-19 trong vòng 1 tháng, các chuyên gia phát hiện có một số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương, được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn. Loại tế bào này lưu thông trong dòng máu nhiều gấp đôi người không mắc COVID-19 (người khỏe mạnh). Nhiều tế bào mạch máu bị tổn thương này cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân hậu COVID-19 mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Các chuyên gia cũng phát hiện trong cơ thể người đã khỏi COVID-19 có rất nhiều protein gây viêm được gọi là cytokine (cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch). Ngoài ra, họ tìm thấy số lượng lớn tế bào miễn dịch cao bất thường có tên là tế bào T, giúp tiêu diệt virus dù trên thực tế, ở người khỏi COVID-19, virus SARS-COV-2 đã không còn.

Sự xuất hiện cytokin và tế bào lympho T, được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Chúng góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số bệnh nhân hậu COVID-19 và tổn thương thành mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Có nên tầm soát đột quỵ hậu COVID-19 không?

VnExpress dẫn thông tin từ giới chuyên gia cho hay bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo, nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp. Vì thế, những bệnh nhân này không cần thiết phải tầm soát đột quỵ một cách thường quy.

Trong khi đó, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác kèm theo (tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì...), việc tầm soát đột quỵ tập trung kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.

Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ hậu COVID-19 như thế nào?

Bệnh nhân sau mắc COVID-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đang đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì...

Đến nay, phòng ngừa đột quỵ tiên phát trên bệnh nhân hậu COVID-19 chỉ là kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Các bác sĩ chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu trong phòng ngừa đột quỵ tiên phát.

Đối với bệnh nhân từng bị đột quỵ và đã mắc COVID-19, các bác sĩ khuyên duy trì sử dụng thuốc kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu, tùy thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì hậu COVID-19.

Nguy cơ hình thành cục máu đông hậu COVID-19 ở bệnh nhân tim mạch mạn tính cao hơn. Tuy nhiên, người không bị bệnh tim nhưng mắc COVID-19 cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. Việc chăm sóc sức khỏe đúng cách sau khi khỏi COVID-19 rất quan trọng trong việc ngăn ngừa đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi và những biến chứng ở các cơ quan khác do cục máu đông gây ra.

Người từng mắc COVID-19 nên tuân thủ lối sống lành mạnh sau khi hết giai đoạn cấp tính nhằm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như các triệu chứng tim mạch khác.

Cụ thể, tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày. Nếu đặc thù công việc phải ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ.

Đồng thời, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn nhẹ, đủ chất (thịt, cá, rau, củ, quả). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (2-2,5 lít). Nếu có điều kiện nên uống thêm nước trái cây ép (dưa hấu, xoài, đu đủ, cam…).

Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc khoảng 7 – 8 tiếng/ngày, không được thức khuya, không nên làm việc nặng. Tái khám sau mắc COVID-19 hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ là một việc cần thiết để phát hiện kịp thời tình trạng huyết khối hoặc các rối loạn sức khỏe khác nếu có.

Người béo phì hoặc thừa cân cần giảm cân theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Các nghiên cứu đã chứng minh giảm trọng lượng dư thừa sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, tức giảm nguy cơ đột quỵ.

Trong khi đó, người nghiện thuốc là cần bỏ ngay thói xấu này vì nicotin trong thuốc lá có thể làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu, dẫn tới hình thành cục máu đông, đặc biệt là những người vừa bị COVID-19.

Đinh Kim (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-giac-nguy-co-dot-quy-hau-covid-19-a534653.html