+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác với chiêu móc túi chủ nhà của thợ lắp, sửa đồ điện gia dụng

    • DSPL
    ĐS&PL Để móc túi chủ nhà, thợ làm về điện máy, điện lạnh như sửa chữa máy giặt, bình nóng lạnh... có những mánh khóe vô cùng tinh vi mà chỉ người trong nghề mới biết.

    Để móc túi chủ nhà, thợ làm về điện máy, điện lạnh như sửa chữa máy giặt, bình nóng lạnh... có những  mánh khóe vô cùng tinh vi mà chỉ người trong nghề mới biết.

    Thợ lắp, sửa điều hòa gia đình

    Anh Kiên, một thợ chuyên lắp đặt đồ điện lạnh nay đã giải nghệ cho biết: "Các chuyện ăn gian vật liệu, thiết bị này quả thực mấy năm nay rất phổ biến. Nhiều thợ không thỏa mãn với mức thu nhập của Công ty, siêu thị, tiền thưởng thêm của khách...nên họ cũng làm đủ mọi cách để tăng thu nhập. Ăn gian vật liệu, báo giá quá cao, cố tình chây ì, kêu khổ, kêu mệt...để đòi chủ nhà thưởng thêm, chẳng việc gì họ không làm".

    Tăng chiều dài dây đồng là cách thợ lắp điều hóa lấy thêm được tiền của khách.

    Chẳng hạn như trong trường hợp gia đình mua điều hòa mới về lắp đặt mà không có sẵn dây đồng dẫn gas thì thợ điều hòa sẽ mua và lắp đặt cẩn thận. Nhưng sau khi tính tiền số mét dây đồng đã lắp đặt thì độ dài chỉ có 4m nhưng thợ điều hòa lại tính thành 5m và như thế ăn gian được gần 200.000 đồng. Thế nhưng với một số gia đình đo dây đồng cẩn thận, nhiều thợ điều hoà lại ăn chênh lệch ở giá của dây đồng, mua dây đồng giá thấp nhưng khi lắp đặt lại nói giá cao.

    Ngoài ra còn một vài chiêu trò khác như "quỵt" quà khuyến mãi của khách. Nhiều người dân đặt mua điều hòa qua điện thoại hay qua mạng nên không để ý, biết tới những chương trình khuyến mãi như tặng giá đỡ; kèm các phục kiệm đi kèm như vít nở hay tặng quạt gió…nên nhiều người đã không giao cho khách mà giữ lại để bán đi kiếm lời.

    Một mánh khóe khác là ăn gian trong lúc bơm gas. Thợ sửa chữa điều hòa sau khi nạp gas xong thường dùng mỏ hàn lại dây đồng một cách cẩu thả nên chỉ trong một thời gian, máy lại bị rò rỉ gas hoặc bơm gas thiếu, ít hơn khiến công suất hoạt động kém hiệu quả, làm mát yếu. Do đó, các gia đình lại phải gọi thợ đến nạp gas.

    “Cách vặt tiền thì không thiếu, ví dụ điều hoà không mát, thợ đến kiểm tra thấy thiếu gas thì nạp nhưng có thể báo khách là hỏng tụ, chết bo mạch, dây hở hoặc cháy lốc,…”, anh Kiên nói.

    Thợ sửa máy giặt, tủ lạnh

    Thợ sửa đồ điện gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, điều hòa luôn có cách móc thêm tiền trong túi gia chủ.

    Một người thợ sửa chữa điện lạnh lâu năm, Anh N. (Thanh Xuân, HN) đã thẳng thắn bày tỏ về những mánh khóe mà những người trong ngành có thể làm. Cụ thể như là:

    - Công bố sai lỗi sự cố, nâng mức độ nguy hiểm: Kể cả những lỗi đơn giản nhất, thợ sửa máy giặt/ tủ lạnh vẫn cố gắng tỏ ra vẻ khó khăn. Phức tạp hóa sự cố để tăng chi phí là chiêu trò khá phổ biến. Hoặc đề nghị khách hàng thay mâm máy giặt, thay nguồn, thay công tắc, đầu dò nhiệt… khi chưa thật sự cần thiết. Hoặc phóng đại tình trạng thiết bị, yêu cầu phí sửa chữa cao hơn bình thường.

    - Thay thế linh kiện máy kém chất lượng với giá của hàng chính hãng: Thay thế linh kiện đồ điện gia dụng là một hoạt động cần thiết khi các phần đó trong máy đã hư hỏng. Muốn máy móc khôi phục hoạt động bình thường, chắc chắn chúng ta cần phải xử lý. Tuy nhiên, yêu cầu để đảm bảo sự tương thích tối đa là sử dụng linh kiện chính hãng. Có như vậy, mới đảm bảo quá trình vận hành ổn định, an toàn, lâu dài.

    Song thực tế, nhiều địa chỉ bảo hành đồ điện sẵn sàng nhập các linh kiện nhái của Trung Quốc. Sau đó, thay cho khách hàng nhưng vẫn báo là hàng chính hãng. Nếu khách hàng không nhận thức được, rất dễ bị lừa tiền mất tật mang.

    - Đề nghị mang thiết bị về trung tâm sửa chữa: Nhiều trường hợp, thợ sửa còn kiến nghị do tình trạng máy bị hỏng quá nghiêm trọng. Nên yêu cầu mang máy về trung tâm sửa chữa. Họ tận dụng điều đó để đánh tráo các linh kiện quan trọng. Thay vào đó, lắp lại những linh kiện rẻ tiền. Nếu bạn không nắm được thông tin cụ thể, bạn cũng có thể rơi vào hoàn cảnh này.

    - Cố ý sửa chữa cầm chừng: Đối với chúng ta sự cố máy giặt, tủ lạnh là điều không mong đợi. Tuy nhiên, với thợ sửa chữa thì đó lại là cần câu cơm của họ. Máy sửa càng nhiều thì mới càng tốt, như vậy họ mới bận rộn, mới có thu nhập. Chính vì lẽ đó, nhiều trường hợp thợ sửa chữa chỉ khắc phục sự cố tạm thời cho bạn. Nghĩa là, bạn có thể tiếp tục sử dụng máy. Tuy nhiên, một thời gian ngắn ( vài ba tháng) sau đó lại hỏng. Như vậy, bạn sẽ lại cần tìm đến họ, tạo công ăn việc làm cho họ. Đây cũng là một mánh khóe gian lận của những thợ hỗ trợ dịch vụ thiếu cái "Tâm" làm nghề.

    Lợi dụng sự nóng ruột của chủ nhà khi có đồ điện bị hỏng, thợ sửa chữa tha hồ "làm văn".

    - Bán phụ kiện thay thế với giá cao hơn bình thường: Anh Đ. ở Cầu Giấy - Hà nội - cho hay do máy giặt lồng đứng của anh có phần túi lọc nên thường xuyên bị rách và cần phải thay mới. Thợ chữa máy giặt vẫn lấy anh giá "hữu nghị" là 250K/chiếc, và vì không phải lúc nào cũng có hàng nên anh thường phải mua một lúc 2-3 cái. Thế nhưng vừa rồi gặp anh bạn học giờ làm nghề sửa chữa đồ điện, anh nhờ mua giúp thì được báo giá có... 60K/chiếc.

    Đó là chưa kể những website lừa đảo cố tình nhái tên của các đơn vị làm ăn uy tín để gạt khách hàng. Rất nhiều người trúng chiêu này và sau khi kiện lên tận trung tâm mới biết mình bị lừa đau đớn.

    Vì vậy, khi mua đồ điện gia dụng hoặc gọi thợ sửa chữa, các gia đình nên cẩn thận chọn những cơ sở uy tín hoặc các trung tâm điện máy lớn với đội ngũ thợ lành nghề, lắp đặt miễn phí, chế độ khuyến mại/bảo hành rõ ràng để giảm thiểu được những gian lận lặt vặt nhưng dễ bực mình cho gia chủ như đã nêu trên.

    Minh Minh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-giac-voi-chieu-moc-tui-chu-nha-cua-tho-lap-sua-do-dien-gia-dung-a225529.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan