+Aa-
    Zalo

    Cảnh "nhạy cảm" trên truyền hình: Đừng để sống sượng thành phổ biến!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Mấy ngày vừa qua, bộ phim Tuổi thanh xuân (phần 2) đang gây tranh cãi trong dư luận vì một cảnh quay được cho là không phù hợp với khán giả truyền hình.

    (ĐSPL) - Mấy ngày vừa qua, bộ phim Tuổi thanh xuân (phần 2) đang gây tranh cãi trong dư luận vì một cảnh quay được cho là không phù hợp với khán giả truyền hình, đặc biệt là khán giả dưới 18 tuổi. Cảnh quay thiếu gia tên Phong (diễn viên Mạnh Trường đóng) trong một cuộc ăn chơi trác táng trên du thuyền ở vịnh Hạ Long đã dùng lưng trần phụ nữ làm bàn trà, rồi các cặp đồng tính hôn hít sờ soạng nhau sống sượng... khiến cho khán giả “nhức mắt”...

    Một cảnh trong phim "Tuổi thanh xuân" 2.

    Đây cũng chẳng phải là trường hợp hi hữu khi trước đây, bộ phim truyền hình Hoa nắng từng xuất hiện cảnh nhân vật nam liếm rượu trên cơ thể một cô gái đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Đó là chưa kể tới chuyện thời gian gần đây, nhiều loạt phim liên quan tới chủ đề ngoại tình cũng được phát sóng với những hình ảnh diễn tả các mối quan hệ phức tạp của người lớn, những mối tình tay ba, những cuộc cãi vã giữa vợ chồng... hoàn toàn không phù hợp với trẻ vị thành niên, cũng công khai lên sóng. Tất nhiên đi kèm với nội dung như vậy là những hình ảnh không phù hợp, thậm chí tác động xấu đối với đối tượng người xem là trẻ nhỏ.

    Nói vậy để thấy, vấn đề kiểm soát cảnh “nóng”, cảnh bạo lực, phản cảm... trên một số phim truyền hình hiện nay vẫn còn nhiều điều cần phải mổ xẻ. Và dù hiện nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào của các nhà xã hội học, tâm lý học đánh giá đầy đủ về tác động của những cảnh quay đó tới người xem nhưng chắc hẳn, cả cơ quan quản lý lẫn các bậc phụ huynh đều cảm thấy chúng “có vấn đề”.

    Chẳng vậy mà mới đây bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa ra dự thảo Thông tư nhằm quy định phân loại phim theo độ tuổi. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm tất cả thể loại phim được sản xuất, phát hành và phổ biến tại các rạp chiếu phim, các điểm chiếu phim công cộng, trên vô tuyến truyền hình, trên Internet và các phương tiện truyền thông khác, trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là sắp tới đây, các bộ phim sẽ được phân loại theo từng độ tuổi để phù hợp với đối tượng người xem cụ thể.

    Tất nhiên đây là một chủ trương rất hay và phù hợp với xu hướng phát triển phim ảnh trên thế giới, nhưng giữa ý tưởng và thực tế vẫn còn những khoảng cách không dễ lấp đầy. Trong khi chúng ta chờ đợi một văn bản quy định cụ thể vấn đề này thì hàng ngày, hàng giờ khán giả vẫn phải chịu đựng những cảnh phim, tình huống phim không phù hợp. Vả lại khả năng “lách luật”. Vậy ai dám đảm bảo các đạo diễn, nhà đài sẽ không “lách luật” khi quy định phân loại phim đi vào thực tế?

    Ở những nước phương Tây, người ta luôn đưa ra những khuyến nghị phù hợp với từng đối tượng người xem. Nghĩa là khán giả ở độ tuổi nào sẽ có những kênh truyền hình phù hợp với từng lứa tuổi đó. Nhưng ở Việt Nam, do tính chất khu biệt đối với người xem không rõ ràng nên mức độ phổ quát ở từng nội dung phát sóng sẽ cao hơn. Nghĩa là nội dung bộ phim đó không chỉ phù hợp với cả người lớn tuổi mà còn phù hợp với cả trẻ em nữa (đặc biệt là những bộ phim phát sóng trên khung giờ vàng).

    Vậy nên thay vì ngồi chờ những quy định cứng, thì bản thân từng đạo diễn, từng nhà đài phải kiểm soát được những nội dung “nhạy cảm” đó. Bởi lẽ mọi vấn đề đều xuất phát từ chủ thể chứ không thể trông chờ vào những yếu tố khách quan. Cơ quan quản lý có thể phạt nhà đài vì phát bộ phim chứa những cảnh không phù hợp, nhưng tác động của nó tới người xem thì không thể thu hồi lại được. Vì thế chúng ta cần phải ngăn chặn những hiện tượng này khi chúng mới dừng ở mức cá biệt.

    PHẠM VĂN

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]bJGNQTCGft[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-nhay-cam-tren-truyen-hinh-dung-de-song-suong-thanh-pho-bien-a170909.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan