Cao thủ tiết lộ tuyệt kỹ Lôi long đao “Bắc sát kình phong, Nam lôi thanh thế"


Thứ 7, 16/07/2016 | 18:03


(ĐSPL) - Lương y Nguyễn Đông Hải nguyên là một sư tăng, một võ sư, nhưng ít người biết ông hiện giữ những bài võ thuật gần như độc nhất vô nhị.

(ĐSPL) - Lương y Nguyễn Đông Hải nguyên là một sư tăng, một võ sư, nhưng ít người biết ông hiện giữ những bài võ thuật gần như độc nhất vô nhị. Những năm còn theo nghiệp võ, ông đã truyền được phần nào những tuyệt kỹ này cho các võ sinh, góp phần tạo thêm cái mới cho võ Bình Định.

Công nhẹ như lá, thủ vững như đá...

Cũng vì duyên số cuộc đời nên sau khi đã trở thành một cao thủ trong làng võ, võ sư Nguyễn Đông Hải đã hoàn tục sống thanh nhàn với nghề đông y và thầy phong thủy ở làng Vĩnh Phú (xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Sau nhiều cuộc gọi, cuối cùng võ sư Hải (52 tuổi) mới đồng ý gặp PV để chia sẻ những chuyện ly kỳ nghiệp võ...

Bên tách trà, võ sư Hải trầm ngâm kể về nghiệp võ của mình. Xuất gia từ năm 12 tuổi, ngoài Phật pháp, sư tiểu Vạn Thanh (pháp danh của Đông Hải) còn được thiền sư Tịnh Quang ở chùa Lộc Sơn (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) truyền cho võ thuật. Thấy đệ tử Vạn Thanh giỏi cả trong việc học kinh sách và võ thuật, thầy đã cho Vạn Thanh chép lại toàn văn bộ võ thư mà thầy may mắn có được trên đường tu học. Có sách quý, lại được thầy chỉ bày tận tụy, sư Vạn Thanh dốc lòng học tập, nghiền ngẫm.

Võ sư Hải chép lại một đoạn bài “Độc thần kiếm” trong “Tây Sơn bí kíp”.

Sau đó, ông được sư thầy cho đến chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để tu tập, cũng vừa lúc sân võ chùa Long Phước được phép mở. Năm 21 tuổi, võ sư Hải đã được đứng lớp dạy võ cho nhiều môn sinh. Đến năm 40 tuổi, đang trên đỉnh cao của võ thuật, nhưng vì nhiều lý do nên võ sư Hải đành rời xa nghiệp võ.

Khi nghe chúng tôi hỏi về tuyệt kỹ “Lôi long đao”, giọng võ sư Hải trở nên hào sảng: “Hiếm có bài đại đao nào uyển ảo, tinh thâm như Lôi long đao. Ngọn đao hư thực, sấm sét và mềm mại, chỉ có thể gọi bằng báu vật...”.

Theo võ sư Hải, tuyệt kỹ “Lôi long đao” do đô đốc Võ Văn Dũng nghiên cứu chiêu pháp rồi soạn ra vào mùa thu năm 1768 tại huyện Tây Sơn (Bình Định). “Sau này, bài “Lôi long đao” được tìm thấy trong cuốn “Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao” của Nguyễn Trung Như, một danh tướng nhà Tây Sơn, chép lại. Trải qua nhiều thế kỷ, cuốn cổ thư võ học này được lưu giữ tại chùa Lộc Sơn. Sau này, cố thượng tọa Thích Tịnh Quang truyền dạy lại cho tôi. Rồi tôi đã dạy lại cho học trò xuất sắc nhất của mình là võ sư Trần Duy Linh. Và cũng chính bài đao này đã mang lại cho võ sư Linh nhiều huy chương vàng giải võ cổ truyền toàn quốc”, võ sư Hải cho biết.

Võ sư Hải tiết lộ, bài “Lôi long đao” gồm 66 thức với chỉ tám câu thiệu nhưng đã chuyển tải hết tinh thần sức mạnh và sự linh hoạt của bài võ. Bài võ có lúc rào rạt thị oai đối phương như “Bắc sát kình phong, Nam lôi thanh thế”, có khi ảo diệu khiến đối phương trở tay không kịp với chiêu thức “Thần đao đoạn kiếm, Kiếm đoạn thương thần”.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn, võ sư Đông Hải giải thích, trong chiến đấu, ngọn kiếm, đường thương rất linh hoạt. Hai loại binh khí này có lúc theo đường thẳng của binh khí đối phương mà xuyên vào, lúc khác lại di chuyển nhiều hướng khác nhau để tấn công. Tuy nhiên, chiêu thức của “Lôi long đao” là chế ngự ngay từ đôi tay của đối phương dùng thương, kiếm. Nói cách khác là người dụng đao không dùng lưỡi đao để chế ngự mũi kiếm, đường thương mà sẽ trảm phạt đôi tay của người cầm thương, kiếm. Võ sư Hải nói thêm: “Lôi long đao còn là sự vận dụng lối đánh bốn phương với tám hướng đánh nên rất khó có cơ hội cho những loại binh khí khác. Ngoài ra, công phu của “Lôi long đao” nhiều lúc còn mượn sức đối phương để hạ thủ đối phương một cách nhanh chóng. Đó là những động tác chém dụ để tạo điều kiện cho đối thủ gạt đỡ rồi nhân lúc đối thủ phản công thì chỉ việc đẩy nhẹ đường đao về phía trước là đoạt mạng. Điểm đặc biệt của bài “Lôi long đao” là công nhẹ như lá, thủ vững như đá...”.

Tuyệt kỹ “Tây Sơn bí kíp”

Có lẽ trải qua nhiều bước ngoặt cuộc đời nên dẫu đã sống thanh nhàn nhưng nét mặt võ sư Hải thoáng trông ẩn chứa nhiều trầm tư. Võ sư nói về mình rất ít, ông dành phần lớn thời gian để nói về võ thuật. Sau bài “Lôi long đao”, ông cao hứng “bật mí” cho chúng tôi về quyển bí kíp võ thuật mà ông đang nắm giữ.

Võ sư Hải giải thích: “Tây Sơn bí kíp là cách gọi sau này, chứ đúng ra là Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao, viết về nghiệp võ của 20 danh tướng nhà Tây Sơn, trong đó có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Người ghi chép tài liệu này sau khi phong trào Tây Sơn tan rã là võ sư Nguyễn Trung Như, một tướng Tây Sơn người làng An Thái, (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Bí kíp vốn là gia truyền, khó chia sẻ, nhưng có lẽ sống cùng thời và quý mến tâm thức thao lược của nhau, trọng tình hữu hảo nên Nguyễn Trung Như mới tinh tường những tuyệt kỹ võ học của các bậc anh hùng”.

Theo võ sư Hải, Tây Sơn tam kiệt văn võ song toàn, tuy mỗi người có một sở trường võ học khác nhau nhưng đều đạt đến độ thượng thừa trong việc phô diễn quyền thuật và sử dụng binh khí. Độc thần kiếm của Nguyễn Nhạc chỉ cần lách qua lách lại là lớp lớp kẻ thù rơi đầu. Ô long đao của Quang Trung - Nguyễn Huệ uy vũ tựa cuồng phong bão tố và được tôn sùng là “tướng nhà trời”. Nhưng sở trường miên quyền của Nguyễn Lữ được xem là bí hiểm nhất vì chỉ cần đánh nhẹ thì đối thủ có thể mất mạng ngay lập tức.

Võ sư Hải trò chuyện cùng PV.

Lúc đấu một mất một còn, võ Tây Sơn ngày xưa có cả chiêu điểm huyệt như trong phim kiếm hiệp của Tàu. Người biết vận dụng chiêu thức này không nhiều lắm, tương truyền chỉ có Nguyễn Lữ mới tinh thông. “Trong sách ghi lại, Nguyễn Lữ đánh quyền thì ai cũng khiếp sợ. Ông đánh vào các huyệt đạo và nhơn thần (điểm khí huyết gặp nhau tính giờ theo 12 con giáp). Đánh trúng vào các tử huyệt sẽ làm đứt mạch khí huyết lưu thông dẫn đến tử vong trong nháy mắt”, võ sư Hải cho biết.

Trò chuyện với võ sư Hải, chúng tôi mới hiểu được vì sao nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi ông tuyên bố “về vườn”. Dù không còn theo nghiệp võ nhưng lúc nào học trò tìm đến trao đổi về vấn đề võ thuật, ông vẫn nhiệt tình. “Cái hay của phần võ thuật trong Tây Sơn bí kíp thì đã thấy. Nhưng cái hay vẫn còn ở mục binh thư đồ trận. Tôi đã có lần đề nghị với một vị lãnh đạo ở sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định thử dàn một trận đồ theo sách để phục dựng cái hay của binh thư này. Nhưng đây là việc làm rất công phu, khổ nhọc nên đến nay vẫn chưa làm được”, võ sư Hải tâm sự trước khi chia tay chúng tôi.

Để tinh hoa không mai một

Võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao Võ thuật cổ truyền Bình Định (học trò xuất sắc của võ sư Hải) cho biết: “Bài “Lôi long đao” của Võ Văn Dũng đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam với một quy trình bài bản gồm các mục: Xuất xứ, ý nghĩa, lời thiệu, số lượng kỹ thuật, thời gian thực hiện, điểm dừng kỹ thuật, đồ hình diễn quyền và diễn quyền cụ thể có minh họa. Ngày xưa, làm trai thời loạn thì dùng đao chém càng nhiều kẻ thù càng tốt để bảo vệ đất nước. Còn bây giờ, việc dạy và học những bài thảo của tổ tiên là cái đạo phải giữ để không làm mai một tinh hoa của tổ tiên”. 

DƯƠNG KHA

[mecloud]mMyJQb6qm9[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cao-thu-tiet-lo-tuyet-ky-loi-long-dao-bac-sat-kinh-phong-nam-loi-thanh-the-a139814.html