Câu chuyện ly kỳ: Ngã xuống biển, may vớ được túi ni lông thoát chết sau 3 ngày lênh đênh


Thứ 7, 23/09/2017 | 08:15


Cùng sự kiện

Bị sóng lớn đánh xuống biển, cùng lênh đênh dưới mưa lạnh trong biển rộng, 3 ngư dân cùng quê Kiên Giang sống sót được không chỉ nhờ may mắn kỳ lạ

Cùng bất ngờ bị sóng lớn đánh xuống biển, cùng lênh đênh dưới mưa lạnh trong biển rộng, 3 ngư dân cùng quê Kiên Giang sống sót được không chỉ nhờ may mắn kỳ lạ mà còn nhờ nỗ lực phi thường.

Như “chết đuối vớ được cọc”

Trong chuyến đi biển thượng tuần tháng Chín vừa qua, một thanh niên không may trượt chân ngã xuống biển nhưng không ai hay biết. Trước khi được một tàu cá cứu sống, chàng trai đã trải qua 3 ngày lênh đênh trên biển... Chàng trai sống sót một cách kỳ diệu đó là Danh Việt, 22 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang.

Danh Việt tại trạm kiểm sát biên phòng Tịnh Kỳ.

Giờ đã qua cơn hoạn nạn, Việt nhớ lại: “Trong chuyến ra khơi cùng cha và các ngư dân trên tàu từ vùng biển vịnh Bắc Bộ về hướng Nam, tôi không may bị trượt chân ngã xuống nước. Do mỗi người trên tàu đảm nhận một công việc khác nhau nên khi tôi bị ngã, không một thành viên nào hay biết. Mặc dù ngay khi bị rơi xuống nước, tôi đã gào thét nhưng mọi nỗ lực của tôi đều vô vọng. Tiếng động cơ tàu, tiếng sóng lấn át hoàn toàn tiếng gào của tôi. Cứ thế, con tàu cùng những người thân băng băng trên mặt nước, bỏ lại tôi trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng”.

Nở nụ cười, Việt kể tiếp: “Người đời có câu sướng như chết đuối vớ được cọc. Bây giờ, tôi đã thấm thía trọn nghĩa câu này. Sau hơn một giờ phải gồng mình vật lộn với những con sóng nơi biển khơi, sức lực tôi cạn kiệt dần. Tôi nghĩ mình sẽ chết, sẽ bị vùi xác ngoài đại dương làm mồi cho cá. Thật may mắn, khi người đã lả đi vì mệt, định phó mặc cho số phận, tôi may mắn bấu víu được một túi ni lông từ đâu trôi dạt đến”.

Phát hiện chiếc túi ni lông trôi dạt trên biển, anh Việt như thấy được cơ hội sống, dù rất mong manh. Anh dốc hết sức lực còn lại bơi đến, bám vào chiếc túi. Cầm chắc được túi ni lông trong tay, như một thủy thủ được huấn luyện bài bản, anh mượn sức gió để thổi căng chiếc bao ni lông rồi cột thật chặt lại làm chiếc phao cứu sinh. Cứ thế, người và phao dựa dẫm vào nhau lênh đênh ngoài biển khơi giữa muôn trùng sóng nước.

Nhớ về 3 ngày lênh đênh trên biển, anh Việt chia sẻ: “3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, tôi luôn đối mặt với cái chết. Ban ngày, trời nắng như thiêu đốt, đêm thì tối mịt. Có lúc lại mưa như trút nước, gió gầm thét khiến tôi run lên bần bật vì lạnh. Hơn thế, đói, khát liên tục hành hạ khiến người tôi lả đi. Thế nhưng, tôi vẫn nuôi hy vọng, vẫn hướng mắt về tứ phía, mong ngóng bóng dáng một con tàu nào đó đi ngang qua. Có lúc, tôi cảm thấy như không còn đủ sức, đủ niềm tin. Tôi thả người cùng chiếc túi ni lông, mặc định để gió biển đưa đẩy”.

Buổi sáng ngày thứ 3, anh mừng đến rơi nước mắt khi thấy thoáng từ xa bóng dáng của một chiếc tàu đánh cá. Đem hết sức lực còn lại, anh gào, ra hiệu mong người trên tàu nhìn thấy. Nhưng do khoảng cách quá xa, tiếng sóng, tiếng mưa át đi nên người trên tàu không nghe tiếng của anh.

Lúc này, anh Việt dùng chút sức lực còn lại bơi đến gần con tàu của ông Võ Kê (ngụ xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) nhờ trợ giúp. Cuối cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt được mọi người nghe thấy, vớt anh lên tàu đưa về đất liền an toàn sau 3 ngày lênh đênh giữa biển khơi.

Ngay sau khi đưa anh Việt lên tàu về đất liền, ông Kê dẫn anh đến trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (thuộc đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, TP.Quảng Ngãi). Tại đây, Việt khóc hạnh phúc.

“Trong gần chục năm bám biển, tôi chưa bao giờ phải đối mặt với tình cảnh oái oăm như thế này. Lúc gặp nạn, cha tôi cũng ở trên tàu nhưng do mải mê với công việc, ông cũng không biết tôi bị rơi xuống nước từ khi nào. Đến khi tìm mãi không thấy tôi, ông đinh ninh là tôi đã bỏ mạng và đau đớn thông báo với gia đình là tôi đã chết”, anh Việt ngậm ngùi.

Không nói nhiều về sự cố gắng mãnh liệt của mình, chàng trai 22 tuổi xem việc được trở về như một sự may mắn kỳ diệu: “Nếu không có chiếc túi ni lông làm phao cứu sinh, có lẽ tôi đã bỏ mạng ngoài biển, làm mồi cho cá thật rồi. Thật may mắn tôi vẫn được sống, vẫn được trở về để đoàn viên với gia đình, nhất là còn có được cơ hội gặp lại người vợ mới cưới cách đây ít lâu”.

Ôm can rỗng, lênh đênh trên biển lạnh

Đến nay, ngư dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá vẫn còn kể chuyện cứu được 2 ngư dân trôi trên biển khi mà họ chỉ cách tử thần trong gang tấc.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND kể với PV báo Đời sống và Pháp luật: Trưa 16/9, trên đường trú ẩn bão số 10, qua Đảo Nẹ, các thuyền viên trên tàu của ông Đồng Văn Chiến bất ngờ phát hiện hai bóng đen nhấp nhô giữa sóng lớn, nhìn như bóng người.

Dù vội tránh bão, họ vẫn đưa thuyền tới gần và nhận ra đó là 2 người đang ôm chung một chiếc can nhựa trôi nổi trên biển. Lập tức, các thuyền viên trên tàu của ông Chiến vớt họ lên. Hai người trôi dạt trên biển là anh Danh Bành (SN 1991) và anh Lê Văn Luông (SN 1985), cùng trú tại thôn Định An, xã Gò Gao, tỉnh Kiên Giang.

Theo lời kể của anh Luông và anh Bành, trước khi gặp sự cố, 2 anh cùng làm cho tàu đánh bắt hải sản của người chú. Đang ra khơi thì nghe tin bão số 10. Đến quá trưa 15/9, trong lúc đang quay vào bờ tránh trú bão trên vùng biển Ninh Bình - Nam Định thì tàu bất ngờ gặp nạn và bị sóng đánh chìm. Lúc đó, trên tàu có 5 thuyền viên.

“Sự việc xảy ra quá bất ngờ, chúng tôi chỉ kịp ôm vội một cái can, sau đó là quá trình lênh đênh trên biển lạnh”, anh Bành kể.

“Khi tàu cập bờ, chúng tôi được đưa tới đồn Biên phòng Đa Lộc, huyện Hậu Lộc chăm sóc. Các y sĩ ở đây nhận định, nếu cứu chậm 30 phút nữa, thì cả hai đã chết”, anh Luông xúc động.

Sau khi được cán bộ chiến sĩ của Đồn sơ cứu và chăm sóc, hiện sức khỏe của anh Luông và anh Bành đã dần ổn định. Người thân của 2 anh đã nhận được thông tin và đang trên đường từ Kiên Giang ra đón các nạn nhân về.

Tình người xứ biển

Sau khi nghe được câu chuyện sống sót kỳ diệu của anh Việt, hàng chục người dân đã tìm đến đồn biên phòng gặp gỡ, hỏi thăm và chia vui với anh. Tại đây, hầu hết gia đình cũng làm nghề bám biển mưu sinh nên họ đồng cảm. Sau khi gặp anh Việt, bà con đã tự nguyện quyên góp được số tiền 7 triệu đồng để giúp anh Việt có chi phí về quê đoàn tụ với gia đình.

Trao đổi với PV, lãnh đạo đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết đơn vị này đã tiếp nhận anh Danh Việt (22 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) từ ngư dân Võ Kê (ngụ xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi). Hiện đồn Biên phòng đang liên hệ với cơ quan chức năng để hỗ trợ anh Danh Việt về với gia đình. Bên cạnh đó, đồn Biên phòng cũng cử bác sĩ quân y chăm sóc sức khỏe cho anh Danh Việt. Đặc biệt, người dân địa phương đã quyên góp tiền hỗ trợ để anh Việt sớm về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Hải Nam - Phạm Thọ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-ly-ky-nga-xuong-bien-may-vo-duoc-tui-ni-long-thoat-chet-sau-3-ngay-lenh-denh-a202770.html