+Aa-
    Zalo

    “Cây đũa thần” để giải quyết nạn “ngâm” hồ sơ tại TP HCM?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đối với những cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ của dân, tổ chức trễ hẹn nhiều lần mà không có lý do chính đáng sẽ bị luân chuyển công tác.

    (ĐSPL) - Tại quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông vừa được UBND TP.HCM ban hành mới đây, một trong những điểm rất đáng chú ý là, đối với những cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ của dân, tổ chức trễ hẹn nhiều lần mà không có lý do chính đáng sẽ bị luân chuyển công tác. Đây được coi là biện pháp nhằm giải quyết tình trạng “ngâm” hồ sơ ở TP.HCM hiện nay.

    Tỉ lệ hồ sơ bị “ngâm”, trễ hẹn cao

    Thực tế từ nhiều năm qua ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tình trạng “ngâm” hồ sơ  giải quyết các thủ tục hành chính (chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng...) đã trở thành điều quen thuộc với nhiều người dân. Dù cho, chúng ta đã cố gắng cải thiện khả năng giải quyết thủ tục hành chính bằng cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhưng theo báo cáo của một số tỉnh thì tình trạng “ngâm” hồ sơ vẫn chiếm tỉ lệ rất cao.

    Công tác giải quyết hành chính tại một UBND phường trên địa bàn TP.HCM.

    Theo ông Nguyễn Văn Thuộc, Phó giám đốc sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai thì tính đến 15/10/2014, tỉ lệ trễ hẹn hồ sơ tương đối lớn. Báo cáo tổng hợp của các huyện trong tỉnh từ đầu năm 2014 tới tháng 10/2014 thì số hồ sơ trễ hẹn từ 30 đến 40\%. Trong đó, có một số huyện có tỉ lệ trễ hẹn đáng báo động như thị xã Long Khánh lên đến 94\%; huyện Xuân Lộc 52\%; Tân Phú 96\%; TP. Biên Hòa hơn 56\%...

    Trong khi đó ông Võ Công Chánh (Giám đốc sở Nội vụ TP. Đà Nẵng) cho biết, vào ngày 17/4/2015 thì hiện tại một số lĩnh vực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lý lịch tư pháp vẫn còn trễ hẹn nhiều. Riêng, lĩnh vực đất đai có tới 110 hồ sơ do cán bộ, công chức sở Tài nguyên & Môi trường giải quyết chậm trễ.

    Tại hội nghị Tổng kết cải cách hành chính năm 2014 trên địa bàn TP.HCM, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc sở Nội vụ thành phố nhận định: “Vẫn còn tình trạng người dân nộp hồ sơ nhiều lần nhưng không được giải quyết tại một số sở, ngành, quận, huyện”.

    Chính vì thế, UBND TP.HCM đã ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Và, một trong những quy định mang tính chế tài của quy chế trên là yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phải có hình thức xử lý nghiêm như: Kiểm điểm, luân chuyển công tác đối với những cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hẹn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.

    Trước thông tin trên, nhiều người dân tại TP.HCM tỏ ra rất ủng hộ chủ trương này. Một người dân phường Tân Định (Q.1, TP.HCM) nói:  “Nếu kiến nghị được áp dụng rộng rãi vào thực tế thì sẽ giải quyết được rất nhiều những vướng mắc, bức xúc của người dân. Tôi nghĩ, rất nhiều người cũng sẽ ủng hộ chủ trương này, có điều là thực hiện đến đâu thì tôi chưa dám chắc. Tôi sẽ đợi thực tế thời gian tới xem thế nào”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.Ngô Thành Can (học viện Hành chính Quốc gia) cho biết: “Quy định luân chuyển cán bộ chậm trễ trong công tác xử lý thủ tục hành chính mấy năm trước cũng đã được đề cập ở một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội... nhưng nó giới hạn trong một số lĩnh vực cụ thể mà tiêu biểu nhất là ở lĩnh vực đất đai. Vì thế, việc mở rộng chế tài xử lý ở lĩnh vực thủ tục hành chính nói chung, theo tôi là điều cần thiết và đáng chờ đợi. Tuy nhiên, điều cần bàn nhất phải là hiệu quả xử lý. Trước đây, chúng ta cũng đã có quy định xử lý cán bộ “ngâm” hồ sơ trong lĩnh vực đất đai nhưng những trường hợp cụ thể bị xử lý chưa nhiều nếu không dám nói là ít. Vì thế một chính sách hay phải được kiểm chứng bằng hiệu quả thực tế. Cái này thì phải đợi thực tế trả lời sau một thời gian nữa”.

    Chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện

    Đó là ý kiến của nhiều cán bộ công chức trên địa bàn TP.HCM khi trao đổi với PV. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị môi trường, UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho hay: “Đây là việc làm hay nhưng tôi cho rằng quá trình áp dụng kiến nghị sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi việc trễ hẹn của cán bộ, công chức có rất nhiều lý do. Vì vậy, để xử lý đúng, những người có thẩm quyền cần xem xét lý do dẫn đến việc trễ hẹn bắt nguồn từ đâu. Nếu là nguyên nhân chủ quan thì cần phải xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức thường xuyên trễ hẹn với dân. Thế nhưng trên thực tế có không ít trường hợp cán bộ, công chức trễ hẹn với dân là do lý do khách quan”.

    Trong khi đó, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Việc trễ hẹn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan công quyền với người dân đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, thực trạng này vẫn gây nhức nhối cho dân ở nhiều địa phương. Ở góc độ cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương, kiến nghị thực hiện luân chuyển công chức thường xuyên trễ hẹn với dân. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp tối ưu để có thể tháo gỡ tận gốc vấn đề. Trong quá trình thuyên chuyển cần phải minh bạch, công khai nêu rõ cán bộ được luân chuyển sẽ đi đâu và làm gì.  Nội bộ các cơ quan công quyền cần có quy chế để nắm bắt kịp thời, chi tiết việc trễ hẹn của cán bộ, công chức với dân. Đồng thời, người dân cần phát huy quyền làm chủ của mình bằng cách mạnh dạn lên tiếng tố cáo, phản ánh những cán bộ, công chức không đủ năng lực làm việc. Thực hiện đúng quy trình thì kiến nghị sẽ góp phần rất lớn trong việc loại bỏ những “con sâu” ra khỏi bộ máy công quyền”.

    Trong khi đó, ông Đặng Hải Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND Q.12, chia sẻ: “Để kiến nghị đi vào thực tế và mang lại hiệu quả cao, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra cơ chế, cách thức thực hiện một cách cụ thể và rà soát kỹ lưỡng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn”. Đồng quan điểm, một cán bộ UBND huyện Nhà Bè cho biết: “Để áp dụng quy chế này cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể như: Lấy bằng chứng gì để tố cáo cán bộ vi phạm? Ai sẽ là người tố cáo? Ai sẽ tiếp nhận tố cáo? Hình thức xử lý ra sao?...  Bên cạnh đó, cần phải có đội ngũ cán bộ tổ chức giám sát trực tiếp, cũng như qua hệ thống camera trong đó người giám sát quan trọng nhất vẫn là người dân”.

    Luân chuyển một cán bộ vì trễ hẹn với dân

    Ngày 17/4/2015, ông Võ Công Chánh (Giám đốc sở Nội vụ TP. Đà Nẵng) cho biết, đất đai vẫn là lĩnh vực có nhiều hồ sơ bị giải quyết chậm trễ. Vì vậy UBND thành phố đã buộc lãnh đạo sở Tài nguyên & Môi trường phải ký văn bản xin lỗi các tổ chức, công dân. Đến nay, thành phố mới luân chuyển công tác được một cán bộ tại văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Sơn Trà vì trễ hẹn với dân.

    Tháng 8/2013, UBND Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng cũng có quyết định luân chuyển một cán bộ phường Trại Chuối do chậm trễ trong khâu hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Quách Văn Hạnh (trú tại địa bàn phường). Hồ sơ của ông Hạnh trước đó bị “ngâm” tới hơn 5 tháng mà không nhận được câu trả lời.

    Trịnh Thái – P.Thiệu

    Video đang được quan tâm: 

    [mecloud]foD7ZmHdIp[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cay-dua-than-de-giai-quyet-nan-ngam-ho-so-tai-tp-hcm-a106446.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.