+Aa-
    Zalo

    Cha mẹ cần làm gì để trẻ không bị bạo hành và xâm hại tình dục?

    • DSPL
    ĐS&PL Trước thực trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, cha mẹ cần trang bị cho con những quy tắc cơ bản để giúp trẻ tránh xa đối tượng nguy hiểm.

    Trước thực trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, cha mẹ cần trang bị cho con những quy tắc cơ bản để giúp trẻ tránh xa đối tượng nguy hiểm và bảo vệ bản thân mình.

    Từ đầu năm 2017, nhiều vụ bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận, nhiều trẻ nhỏ trở thành nạn nhân của những "người lớn độc ác".

    Trước những vụ việc đó, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con mình không bị bạo hành



    Cha mẹ chú ý đến những thay đổi ở trẻ

    Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết bầm tím

    Đây chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng nhất mà cha mẹ không được phép bỏ qua. Cơ thể trẻ tuy non nớt, mềm yếu nhưng không thể tự xuất hiện các vết bầm tím, vết xước.

    Sau mỗi ngày con đi học về cha mẹ cần kiểm tra thân thể bé để phát hiện những thương tích trên người. Nếu thấy có bất kì dấu vết nào lạ trên cơ thể bé mẹ cần lời giải thích rõ ràng từ giáo viên. Nếu câu trả lời nhận được là "quen thuộc: bé bị ngã". Mẹ cần bình tĩnh xem xét thêm các biểu hiện khác nữa.

    Trẻ sợ hãi khi ở trong không gian kín

    Thông thường, ở tất cả các trưởng mầm non, tiểu học hiện nay đều đã trang bị những thiết bị camera kết nối với điện thoại thông minh của phụ huynh để cha mẹ tiện theo dõi trẻ nhỏ. Chính vì thế, để bạo hành trẻ, các bảo mẫu cần phải đưa trẻ vào khu vực kín để thực hiện.

    Đó là lý do trẻ tỏ ra sợ hãi khi ở trong không gian kín, bé sẽ mường tượng ra cảnh bị bạo hành. Vì thế, khi con ở trong phòng 1 mình hay đưa con đi tắm thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ và trò chuyện với con để tìm ra nguyên nhân.

    Trẻ hốt hoảng, ngủ không sâu giấc

    Tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi những hành động thô bạo. Nó thường đi vào trong giấc mơ của trẻ, khiến trẻ không thể nào ngon giấc. Vì thế, nếu thấy con ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sức khỏe hay là do trẻ đang bị bạo hành.

    Không chịu đi học, nhìn thấy mẹ là đòi về ngay

    Trẻ nhỏ thường phản kháng khi cha mẹ bắt đi học. Đó là một tình huống hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sự phản kháng của trẻ là vô cùng dữ dội như ôm chặt mẹ, giãy giụa khi mẹ giao bé cho cô giáo hay mỗi lần được mẹ đón đều chạy tới và đòi về ngay lập tức thì là dấu hiệu bất bình thường. Hãy quan sát ánh mắt của trẻ và ánh mắt của bảo mẫu trong những trường hợp này để nhận ra được nguyên do thực sự.

    Ngại giao tiếp, tiếp xúc

    Trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực.

    Hành vi quá khích

    Nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, hồi hộp hay toát mồ hôi hoặc chống đối lại cha mẹ có thể là những hành vi khác lạ, quá khích của bé cho thấy đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc bé bị bạo hành dẫn đến lo sợ và không làm chủ được những hành động thân thể mình.

    Trên đây chỉ là một vài biểu hiện nhỏ cho thấy trẻ có thể đang bị bạo hành ở trường học. Ngoài ra, để biết chính xác con có đang bị bạo hành hay không, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện nhẹ nhàng, hỏi han tình hình ở trường lớp của con và việc đối xử của các thầy cô tại trường. Chắt lọc những ý kiến từ trẻ kết hợp với quan sát thực tế để nhận ra vấn đề.

    Theo Th.s Nguyễn Hải Vân, trước vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành liên tục, phụ huynh học sinh cần: Quan tâm, chia sẻ những áp lực đối với cô giáo chủ nhiệm của con. Thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập, ăn uống và sinh hoạt của các bé tại trường. Trước khi cho con đi học, cha mẹ cần cố gắng dạy con những kiến thức cơ bản trong cuộc sống để gây ảnh hưởng đến giáo viên.

    Những câu chuyện trẻ em khi bị xâm hại tình dục đang trở thành đề tài gây xôn xao dư luận gần đây. Vấn đề này đang là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em là bé gái.

    Theo số liệu thống kê của Bộ lao động, Thương binh & Xã hội công bố tại hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội năm 2016, mỗi năm ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Tức là trung bình mỗi ngày có 3 trẻ bị xâm hại tình dục được báo cáo.

    Vì thế, cha mẹ hãy áp dụng ngay quy tắc PANTS Rules (tạm dịch: quy tắc đồ lót) do NSPCC, một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình. 

    Nên giáo dục giới tính và tình dục cho trẻ vào thời điểm nào

    Trẻ em cần được giáo dục giới tính từ sớm, bắt đầu từ sự nhận biết về cơ thể, đến nhận biết về giới, nhận biết về kỹ năng bảo vệ mình, tôn trọng bạn khác giới, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống xâm hại tình dục, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết.

    ông An nói còn nói thêm rằng: "Nên giáo dục giới tính cho trẻ từ độ tuổi mầm non. Để giáo dục trẻ cần phải có phương pháp, phù hợp với độ tuổi. Giáo dục giới tính không chỉ là nói về bộ phận sinh dục và các vấn đề sinh sản mà còn nói về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, rèn luyện nhân cách".

    Theo ông Trần Thành Nam, cần giáo dục trẻ ngay từ nhỏ. Bố mẹ cần nhận ra và trang bị cho mình kiến thức về tâm lý học phát triển. Khi lên 3 tuổi, trẻ sẽ khám phá các bộ phận sinh dục. Đây là cơ hội để bố mẹ giới thiệu cho trẻ cách gọi tên các bộ phận sinh dục. Bố mẹ phải cung cấp những thông tin chính xác cho trẻ, không nói lái, nói dối, phải nói đúng với các kiến thức khoa học để trẻ không bị lẫn lộn.

    Ông Trần Thành Nam cho biết thêm, ở nước ngoài có hai chương trình giáo dục giới tính. Một là làm thế nào để trì hoãn tuổi quan hệ tình dục lần đầu. Quan điểm thứ hai coi trì hoãn tuổi quan hệ lần đầu chỉ là một lựa chọn, quan trọng là phải xác định được thế nào là quan hệ tình dục an toàn. Bố mẹ cần biết mục tiêu giáo dục giới tính cần đạt được là gì, miễn là chất lượng sống của con tốt, phòng ngừa được các nguy cơ từ việc quan hệ tình dục
    Bất cứ vụ xâm hại trẻ em nào xảy ra cũng để lại những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần không gì có thể chữa lành được. Và điều quan trọng hơn cả vẫn là chúng ta cần có sự thay đổi từ nhận thức.

    Một số kỹ năng cần thiết mà cha mẹ cần trang bị cho trẻ 

    Từ 3 tuổi trở đi, việc vệ sinh vùng kín, tắm rửa con có thể tự làm được.

    Nếu con đã nói không mà ai đó vẫn có hành động "phạm quy" thì dạy con hét thật to, chạy ra chỗ khác, hoặc cắn, phản kháng lại người đó.

    Gọi đúng tên bộ phận cơ thể vì nếu lỡ có sự vụ xảy ra, khi trình báo và lấy lời khai, việc nói không chính xác tên bộ phận cơ thể sẽ giúp "hung thủ" dễ thoát tội.

    Dạy con không ham quà, không nhận bất cứ thứ gì người lạ đưa cho, khi không có bố mẹ hoặc người thân ở đó.

    Khi con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hoặc tập thể thao, dạy con tránh mặc trang phục hở hang hoặc dễ làm lộ cơ thể. 

    Cách cha mẹ dạy con để trẻ tránh bị xâm hại tình dục

    Theo Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên (ĐHQGHN), Trần Thành Nam, cha mẹ cần dạy con những bài học về giới tính phù hợp với lứa tuổi của con. Thông thường, với trẻ nhỏ, cách giáo dục tốt nhất là kể các câu chuyện giới tính và cùng trẻ trao đổi, bình luận, từ đó rút ra những bài học ứng xử phù hợp.

    Ông Nam cho biết, không phải nhà trường, cũng không phải xã hội mà chính cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cũng như phòng ngừa các vấn đề tình dục cho trẻ. Không nhất thiết cha mẹ phải là chuyên gia am hiểu về vấn đề này mới giáo dục được con. Chính thái độ của cha mẹ với vấn đề giới tính, tình dục mới là điều quan trọng để giúp trẻ định hướng đúng đắn.

    Để có thể dạy con một cách hiệu quả, đầu tiên cha mẹ cần đấu tranh với những niềm tin sai lầm như: Con tôi sẽ mất đi sự ngây thơ nếu tôi dạy chúng về vấn đề giới tính, tình dục. Dạy con về các nguy cơ bị xâm hại sẽ làm cho con chấn thương tâm lý. Tôi chẳng để con tôi một mình với người khác bao giờ nên chẳng việc gì phải dạy con về các nguy cơ bị quấy rối hay xâm hại. Hay con tôi chẳng cần học về động chạm an toàn hay không an toàn vì chúng luôn kể với tôi mọi thứ.

    Hơn nữa, cha mẹ cần học cách bao dung những vấn đề giới tính bình thường của con. Như ở một độ tuổi nhất định, hành vi con sờ vào bộ phận sinh dục là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ chỉ cần nhắc nhở con không được làm như vậy ở nơi công cộng. Những đứa trẻ dưới 7 tuổi thường xem xét bộ phận sinh dục của nhau và so sánh, bình luận thì đó cũng là việc bình thường so với sự phát triển lứa tuổi. Trẻ nói các từ thể hiện bộ phận sinh dục nam và nữ sau ôm miệng cười thì cha mẹ cũng không nên làm trầm trọng hóa mà bao dung nhắc nhở không nên nói trước đông người.

    Tiếp đó, bản thân cha mẹ cũng không được có những hành động vi phạm liên quan đến vấn đề giới tính của con. Chẳng hạn trẻ dây bẩn, thì cha mẹ cũng tuyệt đối không được lột quần áo trẻ ở nơi công cộng hoặc ở những hoàn cảnh làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, mất thể diện.

    Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ gọi tên các bộ phận kín và vùng riêng tư, dạy trẻ thế nào là khoảng cách an toàn, cách thức gọi tên cảm xúc, cách thức phản ứng khi nhận ra những cảm xúc tiêu cực.

    Tuy vậy, với những em nhỏ, dạy kỹ năng cho con mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là chính cha mẹ cần tỉnh táo để nhận biết kẻ xâm hại; tỉnh táo để nhận diện sớm các dấu hiệu tiềm năng của việc bị xâm hại và tin tưởng bất cứ những sự việc trẻ báo cáo dù có khó tin như thế nào.

    Với những trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì, cha mẹ cần dạy cho con các kiến thức mang tính hệ thống và các khái niệm khoa học hơn. Ví dụ như thế nào là quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục sẽ bao gồm 4 yếu tố: Hành động (thể hiện qua hành vi hoặc lời nói hoặc cử chỉ, cái nhìn…); Không trông đợi (con không mong muốn nó xảy ra); Có hàm ý tình dục; Gây ra ảnh hưởng tiêu cực (làm con cảm thấy khó chịu, có dự cảm hoặc cảm xúc tiêu cực một cách mạnh mẽ). Cha mẹ cùng thảo luận, giúp con nhận diện những hành vi được coi là quấy rối tình dục, nguy cơ dẫn đến xâm hại tình dục.

    TS.Trần Thành Nam nói rằng, những hành vi quấy rối tình dục có thể nói là "muôn hình vạn trạng". Đó có thể là động chạm thể chất đến thái độ, cử chỉ, thậm chí là những hành vi trên mạng xã hội như: Đùa giỡn, bình luận về một bộ phận cơ thể hay có những cử chỉ nhạy cảm đối với một ai đó; Thêu dệt một tin đồn (bằng lời nói trực tiếp, tin nhắn hay trên mạng); Viết thông tin liên lạc của người khác ở những nơi công cộng với ý đồ xấu; Cho ai đó thấy những hình ảnh hoặc video không thích hợp; Yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân; Đăng những bình luận, hình ảnh và video về tình dục trên mạng xã hội hoặc gửi những tin nhắn có nội dung không phù hợp; Đưa ra những bình luận hoặc yêu cầu về tình dục khi giả vờ là một người khác trên mạng Internet; Sờ, nắm hay cấu véo ai đó theo cách sàm sỡ, khiếm nhã một cách có chủ đích; Kéo quần/áo của ai đó và cố tình chạm vào cơ thể họ một cách khiếm nhã; Ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối.

    Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ cách bảo vệ mình nhằm ngăn ngừa tình trạng bị lạm dụng tình dục. 

    Trò chuyện với trẻ. Cha mẹ hãy sử dụng những câu chuyện, những đoạn phim nói về tình trạng trẻ em bị xâm hại để mở đầu cuộc trò chuyện. Hoặc cha mẹ cũng có thể mua một vài quyển sách về giáo dục giới tính để vào giá sách của trẻ. Hãy sử dụng chúng là những cầu nối để bắt đầu một buổi nói chuyện về việc lạm dụng tình dục ở trẻ em.

    Gọi tên chuẩn xác từng bộ phận trên cơ thể. Cha mẹ nên dạy cho trẻ tên gọi các bộ phận của cơ thể ngay khi trẻ bắt đầu biết nói. Nếu chẳng may, trẻ gặp phải tình huống xấu, trẻ cần phải có khả năng truyền đạt rõ ràng cho cha mẹ hoặc bất cứ ai về những gì đang xảy ra. Gọi tên chính xác các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả 'vùng kín' cũng làm giảm sự xấu hổ khi nói về tình dục.

    Không ai được phép chạm vào bộ phận riêng tư, bao gồm: "cậu nhỏ", "cô bé", mông, ngực. Đây là những 'vùng riêng tư' mà trẻ tuyệt đối không được cho ai nhìn hoặc chạm vào. Hãy luôn nhắc nhỏ trẻ rằng không ai được phép chạm vào phần riêng tư của trẻ trừ cha mẹ, hoặc bác sĩ nếu cha mẹ có mặt ở đó. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên nhấn mạnh cho trẻ hiểu không ai có quyền chạm vào cơ thể người khác, nếu người đó chưa cho phép, cho dù là nắm tay hay hôn đều không được.

    Đặt tình huống giả định cho trẻ giải quyết. Cha mẹ hãy đặt những câu hỏi để trẻ học cách giải quyết:
    Con sẽ làm gì nếu ai đó chạm vào… của con?
    Con sẽ nói việc này với ai?
    Con sẽ làm gì nếu người đó dặn 'đó là bí mật của chúng ta'?
    Con sẽ làm gì nếu họ đe dọa như sẽ đánh con, hoặc không cho con kẹo nếu con nói chuyện này ra ngoài?

    Quy tắc "không bí mật". Nếu ai đó, thậm chí là ông bà, nói với trẻ "Đây là bí mật của chúng ta" thì trẻ nên trả lời một cách mạnh mẽ nhưng lịch sự: "Không có bí mật nào ở trong nhà của con cả". Cha mẹ nên lặp đi lặp lại câu "thần chú" này để trẻ luôn nhớ: 'Đôi khi chúng ta có những bất ngờ nhưng không bao giờ được giữ bí mật. Cha mẹ và con sẽ nói cho nhau nghe về mọi thứ'.

    Quy tắc 'đồng ý'. Cha mẹ nên nói rõ cho trẻ hiểu quy tắc cơ bản khi muốn chạm vào cơ thể người khác, đó là xin phép. Và nếu họ nói 'không được phép' thì mình phải dừng lại, không được tùy tiện chạm vào người khác. Quy tắc 'đồng ý' nên được thực hiện trong gia đình. Ví dụ: cha mẹ muốn hôn trẻ thì phải xin phép 'mẹ hôn con một cái có được không?' và ngược lại.

    Khuyến khích trẻ kể những điều đã xảy ra khiến trẻ sợ hãi, buồn hoặc không thoải mái. Lắng nghe trẻ nói, đồng cảm và ôm trẻ là cách cha mẹ trấn an con mình, rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên bảo vệ con. Vì vậy, việc thường xuyên nói chuyện, chia sẻ thông tin giữa cha mẹ và trẻ là rất quan trọng.

    Cam kết với trẻ là cha mẹ sẽ không bao giờ trách mắng. Thường những kẻ xâm hại trẻ em hay hù dọa là nếu nói ra chuyện này thì cha mẹ sẽ không yêu trẻ nữa. Đã có những đứa trẻ chấp nhận chịu đựng nỗi đau một mình. Vì vậy, khi nói chuyện với con, cha mẹ nên quan tâm đến cảm nghĩ của trẻ.

    Không bao giờ ép trẻ ôm hôn ai, kể cả người thân. Trẻ có toàn quyền với cơ thể của mình. Cha mẹ cần cho phép trẻ quyền được từ chối ôm hoặc hôn bất kỳ ai mà trẻ không muốn, kể cả cha mẹ và ông bà. Vì tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em không phải chỉ có người lạ, mà đối tượng còn có thể chính là những người thân quen và trong gia đình.

    Không để trẻ ở một mình với bất kỳ ai, ngoại trừ cha mẹ thật sự tin tưởng người đó. Hầu hết phạm nhân trong những vụ lạm dụng tình dục đều có quen biết với gia đình nạn nhân: như hàng xóm, giáo viên, người thân hoặc bạn bè của cha mẹ, những người hầu như chúng ta không đề phòng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tin vào bản năng, tin vào linh cảm và chú ý đến con của mình thì hoàn toàn có thể phòng tránh được những đối tượng này.

    Khuyến khích trẻ tin tưởng vào cảm giác của mình. Nếu cảm thấy có điều gì đó không an toàn, trẻ nên bỏ đi ngay và thông báo cho cha mẹ biết điều đó càng sớm càng tốt. Trẻ cần phải hiểu điều quan trọng là giữ an toàn cho bản thân hơn là giữ lịch sự.

    Những cách ứng phó mà con nên hoặc không nên sử dụng

    Sau khi giúp con nhận diện những hành vi quấy rối tình dục hoặc nguy cơ xâm hại tình dục, cha mẹ có thể giúp con hiểu rằng ở trong những tình huống như vậy, có những cách ứng phó nào, hệ lụy của nó ra sao và khuyến khích con sử dụng những cách thức phù hợp. Thông thường, cha mẹ nên nói với con những cách thức thường gặp.

    Phớt lờ. Coi như không có chuyện gì (để nó tự biến mất). Đây là cách thức được nhiều người sử dụng nhất nhưng thực tế, hành động đó không tự biến mất.

    Chối bỏ. Tự nhủ với bản thân rằng họ chỉ đùa, vô tình, đang tán tỉnh mình; mình nhạy cảm quá. Cũng nhiều bạn trẻ sử dụng cách thức này nhưng cách này chỉ làm họ cảm thấy thoải mái hơn một chút về tinh thần chứ không thay đổi được thực tế.

    Né tránh. Xin nghỉ; xin chuyển lớp; hạn chế những tình huống có nguy cơ phải đối diện với kẻ quấy rối. Cách thức này không bền vững và sẽ gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống của các em.

    Tham gia. Thành kẻ hưởng ứng và cũng đi quấy rối người khác. Nhiều bạn đã sử dụng cách này để làm cho mình cảm thấy an toàn hơn nhưng trên thực tế hành vi của các em là sai lầm.

    Đương đầu. Nói với họ rằng điều này không vui tí nào đâu; Hành vi đó không chấp nhận được; Dừng lại nếu không tôi sẽ mách người lớn. Đây là cách ứng phó tích cực đòi hỏi các em cần có sự dũng cảm và luyện tập trước kỹ năng ứng biến.

    Báo cáo. Báo cáo những hành vi này với những người có trách nhiệm. Đây cũng là hình thức ứng phó tích cực; giải quyết vấn đề một cách bền vững và có thể ngăn ngừa sự lặp lại trong tương lai.

    Tóm lại, các bậc phụ huynh cần khuyến khích con dũng cảm sử dụng những hình thức ứng phó kiểu đương đầu và báo cáo thay vì các hình thức thường được các em lựa chọn trong các phương thức ứng phó phớt lờ, chối bỏ, né tránh hay tham gia. 

    Hằng Thanh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-can-lam-gi-de-tre-khong-bi-bao-hanh-va-xam-hai-tinh-duc-a211058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan