+Aa-
    Zalo

    Chẩn đoán nhầm bệnh cúm với bệnh khác gây hậu quả ra sao?

    ĐS&PL Nhiều bệnh có chung triệu chứng nên có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai và cúm là một trong số đó.

    Theo các chuyên gia của Gadsbywicks, do có nhiều triệu chứng chung với một số bệnh nên việc chẩn đoán nhầm bệnh cúm với bệnh khác không phải chuyện hiếm, đặc biệt là vào mùa đông. Việc chẩn đoán sai đôi khi không gây hậu quả gì nhưng cũng có thể khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng và kéo dài, trong một số trường hợp có khả năng gây tử vong.

    Cúm là một trong những bệnh nhiễm virus phổ biến, có thể lây nhiễm cho bất cứ ai ở mọi lứa tuổi, nhất là trong mùa cúm. Mọi người được khuyên nên tiêm vaccine phòng bệnh hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác.

    Người bị cúm có thể gặp các triệu chứng gồm sốt đột ngột (từ 38 độ C trở lên), cơ thể nhức mỏi, mệt mỏi hoặc kiệt sức, ho khan, viêm họng, nhức đầu, khó ngủ, ăn không ngon, đau dạ dày hoặc tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.

    Những triệu chứng kể trên giống với nhiều bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn, cũng như các tình trạng bệnh khác. Trong khi các triệu chứng cúm có thể được điều trị đơn giản bằng các nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước, sử dụng paracetamol, nhiều bệnh có cùng triệu chứng cần được điều trị chuyên khoa và nhanh chóng. Điều này lý giải cho vấn đề vì sao việc chẩn đoán nhầm cúm với bệnh khác có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    chan doan nham benh cum voi benh khac gay hau qua ra sao
    Việc chẩn đoán sai đôi khi không gây hậu quả gì nhưng cũng có thể khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng và kéo dài, trong một số trường hợp có khả năng gây tử vong. Ảnh minh họa

    Những bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với cúm

    Cảm lạnh

    Tương tự cúm, cảm lạnh là bệnh nhiễm virus mà mọi người thường hay mắc vào mùa đông. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các triệu chứng của cảm lạnh mất nhiều thời gian tiến triển hơn, ngoài ra bệnh này thường không gây đau ngực hoặc khiến cơ thể đau nhức.

    Viêm họng

    Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau họng. Bác sĩ có thể xác định bệnh bằng cách lấy mẫu từ cổ họng và xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng kháng sinh.

    Viêm phổi

    Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn điển hình nhắm vào phổi, có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh cúm hoặc xuất hiện sau khi một người mắc cúm. Viêm phổi có khả năng gây tử vong nếu không được điều trị bằng kháng sinh.

    Viêm màng não

    Với các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, sốt, mệt mỏi, việc chẩn đoán sai bệnh viêm màng não do vi khuẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh, bao gồm bị điếc, cắt cụt chi, tổn thương não, trường hợp xấu nhất là tử vong.

    Nhiễm trùng huyết

    Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết liên quan chặt chẽ với bệnh cúm và nhiễm trùng ngực. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai nhị nhiễm trùng trước đó. Nhiễm trùng huyết có thể khiến da tái xanh, nhợt nhạt hoặc có đốm, nói lắp, phát ban (tương tự viêm màng não).

    Giống như viêm màng não, chẩn đoán nhầm nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân, có khả năng dẫn đến suy nội tạng, mất tay chân và tử vong.

    Bạch cầu đơn nhân

    Bạch cầu đơn nhân là một bệnh nhiễm virus, chủ yếu lây truyền qua việc tiếp xúc với nước bọt của người bệnh. Thường được gọi là mono hoặc “bệnh hôn”, loại virus này có các triệu chứng giống cúm nhưng cũng có thể dẫn đến sưng gan hoặc lá lách. Việc này hiếm khi gây tử vong, tuy nhiên, bệnh nhân thường bị ảnh hưởng tới 1 tháng, thậm chí lâu hơn trong một số trường hợp hiếm gặp.

    Viêm phế quản

    Viêm phế quản do cùng loại virus với cúm hoặc cảm lạnh gây ra. Mặc dù là một bệnh nhiễm virus dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm nhưng viêm phế quản hiếm khi gây tử vong và các triệu chứng thường biến mất theo thời gian.

    Ngoài những bệnh nói trên, một số bệnh ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng có thể biểu hiện các triệu chứng giống cúm gồm nhiễm trùng máu, một vài loại ung thư, bệnh lao, HIV và sốt rét.

    Hậu quả của việc chẩn đoán nhầm cúm thành bệnh khác

    Hậu quả của việc chẩn đoán sai bệnh cúm có thể khác nhau đáng kể, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân tự khỏi bệnh hoặc không gặp phải bất cứ tác hại lâu dài nào. Dù vậy, trong một số trường hợp, hậu quả có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Đây là lý do vì sao bác sĩ gia đình và các chuyên gia y tế nên làm những việc cần thiết khi thăm khám bệnh nhân để xác định xem tình hình sức khỏe của họ có cần điều trị thêm hoặc xét nghiệm chuyên khoa hay không.

    Nếu chẩn đoán nhầm cảm lạnh, viêm phế quản hoặc một bệnh tương tự có nguy cơ thấp và khỏi theo thời gian thành cúm, việc này thường không gây hại cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu nhầm các bệnh như nhiễm trùng huyết, viêm phổi hoặc viêm màng não thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong. Chẩn đoán sai bệnh nguy hiểm thành cúm có thể được coi là hành động sơ suất, có thể dẫn tới hậu quả lâu dài cho bệnh nhân và người thân của họ.

    Việc chẩn đoán sai có thể là kết quả của các vấn đề như không kiểm tra đầy đủ tình trạng bệnh nhân, xem xét chưa hết triệu chứng, không chuyển bệnh nhân đi khám/ điều trị chuyên khoa, ghi chép sai, không xử lý theo kết quả kiểm tra hoặc đọc sai các kết quả này.

    Một điều cần lưu ý là bản thân bệnh cúm cũng có thể gây nguy hiểm. Theo số liệu của bộ Y tế Công cộng Anh từ năm 2014/15 đến 2018/19, trung bình 17.000 người tử vong mỗi năm do cúm. Con số này thay đổi đáng kể theo từng năm.

    Bệnh có thể đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Vì thế, các chuyên gia y tế cần lưu ý khi kiểm tra cho bệnh nhân có triệu chứng cúm, nhất là khi họ thuộc nhóm nguy cơ cao, tránh chẩn đoán nhầm cúm thành bệnh ít nghiêm trọng hơn.

    Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ gia đình sẽ xác định bản chất của căn bệnh có khả năng ảnh hưởng tới bệnh nhân (họ trông và cảm thấy không khỏe ra sao), dựa trên triệu chứng mà bệnh nhân kể. Thông qua kinh nghiệm, hiểu biết của mình, bác sĩ xác định bệnh nhân mắc cúm hay bệnh khác.

    Quá trình thăm khám, bác sĩ xem xét bất cứ dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Dấu hiệu có thể dễ nhận thấy như phát ban hoặc vết loang lổ trên da (thường xuất hiện trong trường hợp viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết), hoặc do các bệnh nhân mô tả triệu chứng. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào cho thấy tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị, thực hiện thêm các xét nghiệm hoặc giới thiệu người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra thêm.

    Trong trường hợp nhiễm trùng có vẻ nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh (RIDT). Tuy nhiên, không phải tất cả bác sĩ đa khoa đều có thể tiếp cận công nghệ này, có nghĩa họ thường xác định dựa trên biểu hiện bên ngoài và chia sẻ của bệnh nhân.

    Đinh Kim(Theo Gadsbywicks)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-doan-nham-benh-cum-voi-benh-khac-gay-hau-qua-ra-sao-a558412.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan