+Aa-
    Zalo

    Chân dung đại gia “xuống tay’’ chi 9,5 tỷ quảng cáo trong trận chung kết AFF Cup 2018

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây bất ngờ với việc mạnh tay chi đã khoảng 9,5 tỷ đồng cho 10 quảng cáo trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 vừa qua.

    Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây bất ngờ với việc mạnh tay chi đã khoảng 9,5 tỷ đồng cho 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo 30 giây trong trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua.

    Trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và tuyển Malaysia, đài truyền hình Việt Nam bất ngờ tung ra mức quảng cáo cao kỷ lục 950 triệu đồng cho 30 giây. Tuy nhiên, bất chấp mức giá quảng cáo tương đương một căn hộ cho nửa phút lên sóng, vẫn có tới 60 lượt quảng cáo trước và giữa hai hiệp trong trận đấu.

    Quảng cáo mì gói Lovemi của Masan trong trận chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: Dân Việt

    Đáng chú ý, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây bất ngờ với 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo 30 giây trong trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua. Trong đó bao gồm 8 quảng cáo mỳ Lovemi, 1 quảng cáo tương ớt Chinsu và 1 quảng cáo xúc xích Ponnie.

    Với 8 lượt quảng cáo mỳ Lovemi (giá 3.500 đồng), số tiền ông chủ Tập đoàn Masan ước chi lên tới 7,6 tỷ đồng. Nếu tính thêm 2 quảng cáo tương ớt Chinsu và xúc xích Ponnie, Masan đã chi tới 9,5 tỷ đồng cho tổng thời lượng 300 giây lên sóng trong trận chung kết AFF Cup 2018.

    Trong khi đó, các doanh nghiệp khác chỉ cho lên sóng các quảng cáo tối đa ở mức 30 giây/lượt.

    Tỷ phú “chịu chi” Nguyễn Đăng Quang là ai?

    Ông chủ tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Dân Việt

    Tính đến ngày 21/12, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ Masan Group - một "đế chế" có mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt 93.000 tỷ đồng (4 tỷ USD) với số vốn điều lệ đạt 11.600 tỷ đồng cùng hàng loạt công ty con chi phối trong nhiều lĩnh vực đã được Bloomberg đưa vào danh sách 3 tỷ phú Việt Nam bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Dù ông Quang chỉ nắm giữ vài cố phiếu tượng trưng của Masan, nhưng nắm trong tay những cỗ máy in tiền của hệ sinh thái này.

    Tại Masan Group, ông Quang sở hữu gián tiếp thông qua hai pháp nhân là Masan Corp và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 41.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại.

    Mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang được cho là đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Masan Group thông qua việc Hoa Hướng Dương đăng ký mua vào 12,5 triệu cổ phiếu MSN, vừa đúng bằng số cổ phiếu do Công ty cổ phần Masan đăng ký bán. Vợ ông Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm giữ lượng cổ phiếu Masan trị giá hơn 3.300 tỷ đồng.

    Trong hệ sinh thái Masan Group bao gồm một loạt các doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).

    Hành trình đưa Masan về Việt Nam

    Do rất kín tiếng trong làm ăn, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang khó được thống kê chính xác.  Ảnh: Kiến thức

    Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân. Ông  bắt đầu kinh doanh từ những năm 1990, sau khi học thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Nga Plekhanov tại Nga. Ông cũng có bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus, theo thông tin trên website của Masan.

    Thời gian ở Nga, ông Quang nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn trong quá trình chuyển đổi kinh tế, và bắt đầu tìm cách bán mì ăn liền cho cộng đồng người Việt tại đây, .

    Công việc kinh doanh thuận lợi đã giúp ông Quang xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Giai đoạn cao điểm, doanh số các sản phẩm của doanh nghiệp của vị tỷ phú này trên 100 triệu USD mỗi năm.

    Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: nước tương Chin-su và cũng chính là thời điểm đánh dấu sự có mặt của Masan ở Việt Nam.

    Xuất phát điểm từ mì gói, năm 2007, Masan đánh chiếm thị trường tiềm năng này bằng sản phẩm Omachi.

    Không dừng lại ở thị trường trong nước, tham vọng chiếm lĩnh thị trường nước ngoài đã được Masan chỉ rõ bằng cái bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015. Masan tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN.

    Cuối tháng 9/2016, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan và cạnh tranh với hàng trăm sản phẩm cùng loại ở "thủ phủ của nước mắm".

    Ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Vietnamnet

    Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

    Hiện nay, Techcombank và Masan Group cùng nằm trong tốp 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam với tỷ trọng lần lượt đạt 3,22% và 3,18%.

    Dù có đế chế hùng mạnh nhưng do rất kín tiếng trong làm ăn, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang khó được thống kê chính xác.

    Và theo đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang được đánh giá là còn cao hơn nếu dựa vào thương vụ đầu tư 470 triệu USD của tập đoàn Hàn Quốc SK Group mua 110 triệu cổ phiếu MSN hồi tháng 9 năm nay. Khi đó, tài sản của ông Quang có thể lên tới khoảng 2 tỷ USD.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-dai-gia-xuong-tay-chi-95-ty-quang-cao-trong-tran-chung-ket-aff-cup-2018-a257078.html
    Sự kiện: AFF Cup 2018
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan