+Aa-
    Zalo

    Chân dung “gã khổng lồ” Nhật Bản đứng sau thương vụ Grab – Uber

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tập đoàn Nhật Bản này hiện đang điều hành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund với gần 100 tỷ USD huy động được trong năm 2017.

    Tập đoàn Nhật Bản này hiện đang điều hành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund với gần 100 tỷ USD huy động được trong năm 2017.

    Tuần trước, Uber chính thức thông báo, hãng sẽ bán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại đây cho đối thủ Grab - startup có trụ sở tại Singapore sau 5 năm tiến thân vào thị trường Đông Nam Á với tổng đầu tư 700 triệu USD.

    Theo ông Ming Maa - Chủ tịch Grab, Uber sẽ nắm giữ 27,5% cổ phần của Grab, trị giá 6 tỷ USD. Thỏa thuận này biến Grab trở thành kẻ thống trị trên thị trường 634 triệu người. Hiện nay, hoạt động của Grab phủ sóng 191 thành phố dọc 8 quốc gia và sắp tới sẽ là những khách hàng cũ của Uber.

    Được biết, đứng sau vụ sáp nhập của Uber – Grab chính là tập đoàn viễn thông và Internet Nhật Bản SoftBank do tỷ phú Masayoshi Son làm Giám đốc điều hành.

    Những năm gần đây, SoftBank dần trở thành công ty đầu tư sau nhiều thương vụ mua lại. Ảnh: Squartz

    Vốn là một công ty viễn thông, Softbank dường như đang chuyển hướng mảng kinh doanh cốt lõi của mình sang đầu tư công nghệ.

    Tập đoàn Nhật Bản hiện đang điều hành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund với gần 100 tỷ USD huy động được trong năm 2017. Tuy nhiên, số lượng vốn khổng lồ này theo CEO Son mới chỉ là bước đầu và sớm thôi sẽ có các quỹ Vision Fund thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4.

    Ông Son đang vẽ nên một bức tranh về tương lai với sự giao thoa của vạn vật Internet, công nghệ điện toán đám mây, và trí thông minh nhân tạo. Và SoftBank sẽ hiện diện trong từng bước phát triển của tương lai ngành công nghệ.

    Hơn một năm trước, khi SoftBank đưa ra kế hoạch Quỹ Vision Fund 100 tỷ USD, chẳng mấy ai tin vào câu chuyện "viển vông" này.

    Nhưng giờ thì ai cũng thấy được điều đó. Theo thông tin từ PwC và CB Insights, SoftBank là nhà đầu tư dẫn đầu các khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Hoa Kỳ vào mùa hè 2017. Điều này cũng đúng khi nói đến 3 thương vụ lớn nhất trên thị trường toàn cầu.

    Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực có dấu chân của tập đoàn này là một minh chứng cho sức mạnh của Softbank và nhà sáng lập Masayoshi Son.

    Vốn là một công ty viễn thông, Softbank dường như đang chuyển hướng mảng kinh doanh cốt lõi của mình sang đầu tư công nghệ. Ảnh: Quartz

    Theo tìm hiểu, Tập đoàn Softbank của tỷ phú Masayoshi son đang nhắm tới việc niêm yết mảng di động của họ tại Nhật Bản hoặc một thị trường nước ngoài trong năm nay. Thương vụ được kỳ vọng sẽ mang về khoảng 2 nghìn tỷ yen (tương đương 18 tỷ USD) – một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.

    Cụ thể, gã khổng lồ viễn thông đã lên kế hoạch niêm yết mảng di động trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo và sau đó cổ phiếu của hãng sẽ được giao dịch tại "first section" - phần dành cho những công ty lớn và thành công vào khoảng mùa thu năm nay. Cùng thời điểm, Softbank cũng tìm đến lựa chọn niêm yết cổ phiếu trên một sàn giao dịch nước ngoài, nhiều khả năng là London.

    Softbank muốn bán khoảng 30% cổ phần ra ngoài, giữ lại 70%. Họ muốn thu hút vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài bởi kích thước lớn của thương vụ IPO – có thể đẩy lên mức cao ngang ngửa con số 2,2 nghìn tỷ yen mà Nippon Telegraph and Telephone thực hiện vào năm 1987.

    Tại Nhật Bản, Tập đoàn Softbank đang mở rộng viễn thông - mảng kinh doanh chính sau khi mua lại Japan Telecom vào năm 2004 và mảng điện thoại Vodafone mua lại của Britain vào năm 2006. Softbank Corp. là đơn vị hiện phụ trách mảng kinh doanh viễn thông của tập đoàn – một trong 3 nhà cung cấp di động lớn nhất tại Nhật Bản cùng với NTT Docomo và KDDI. Với mức lợi nhuận hơn 400 tỷ yen trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 của năm 2017, hoạt động kinh doanh của mảng viễn thông chính là cỗ máy kiếm tiền cho cả tập đoàn Softbank.

    Đứng sau vụ sáp nhập của Uber – Grab chính là tập đoàn viễn thông và Internet Nhật Bản SoftBank. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

    Những năm gần đây, Softbank dần trở thành công ty đầu tư sau nhiều thương vụ mua lại gồm nhà phân phối điện thoại Sprint vào năm 2013 và nhà sản xuất chip nhớ Anh là ARM Holdings vào năm 2016. Đặc biệt nhất, ông chủ Softbank Masayoshi Son đã tạo ra quỹ đầu tư trị giá 93 tỷ USD cùng với chính phủ Ả rập Saudi vào năm ngoái.

    Hành động "shopping" khắp thế giới của Softbank gây ra khoản nợ khổng lồ lên tới 14 nghìn tỷ yen tính tới tháng 9 và tỷ lệ vốn thấp chỉ ở mức 14,6% tính tới cuối năm tài chính năm ngoái kết thúc vào tháng 3. Tuy nhiên, Tập đoàn này cho biết họ không lên kế hoạch thực hiện IPO để trả nợ mà thay vào đó họ nhắm tới việc xúc tiến đầu tư, tăng trưởng, tiếp tục mua những công ty công nghệ thông tin nước ngoài.

    Nói về ông chủ của Softbank - Masayoshi Son, khi còn là sinh viên trường Đại học California, chàng thanh niên trẻ này đã biết cách khiến cả thế giới phải thán phục. Đó là khi chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học không có một đồng vốn, cũng không hề có chút kiến thức gì về công nghệ nhưng lại có thể tập hợp một nhóm các chuyên gia. Để rồi phát minh thành công một chiếc máy dịch thuật biết nói và bán lại cho tập đoàn Sharp với giá 100 triệu yên (gần 1 triệu USD). Không ai tin rằng câu chuyện này là có thật.

    Từ số vốn ban đầu này, Masayoshi Son thành lập công ty tiền thân của SoftBank hiện nay, kinh doanh phần mềm và máy tính cá nhân. Công ty của ông bắt đầu bành trướng và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông. SoftBank cũng bắt đầu hình thành từ đó.

    Năm 2006, ông quyết định mua lại bộ phận điện thoại di động của Vodafone và đặt ra kế hoạch vượt mặt gã khổng lồ DoCoMo của Nhật trong vòng 10 năm. Lúc đó, “tất cả mọi người đều chế nhạo tôi vì quyết định hoang tưởng này” - ông Son nhớ lại.

    Chỉ sau đó 1 năm, SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường vào năm 2007. Nhờ đó, số lượng thuê bao đã tăng gấp đôi và bám sát đối thủ lớn nhất của họ là DoCoMo.

    Tiếp đó vào năm 2012, ông Son lại có một quyết định vô cùng táo bạo là thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 20 tỷ USD. Thương vụ này giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon.

    Nhờ đó, ông đã thực hiện được tham vọng của mình là vượt mặt đối thủ DoCoMo sớm hơn tới tận 4 năm. SoftBank tiếp tục chiến lược là đầu tư dàn trải, Yahoo hay Alibaba cũng đều nằm trong tầm ngắm.

    Có người nói rằng CEO Masayoshi Son điều hành SoftBank cũng giống như một canh bạc. Ông không ngại rót những khoản tiền khổng lồ để đầu tư hoặc thâu tóm các công ty, rồi để mặc các công ty đó phát triển và thu về lợi nhuận.

    Các khoản đầu tư thua lỗ thì được coi là thua bạc, để rồi sau đó tiếp tục tìm những canh bạc mới. Chính vì vậy mà canh bạc lớn nhất của SoftBank là Sprint đã khiến tập đoàn Nhật Bản phải chịu hậu quả vô cùng nặng nề, lợi nhuận sụt giảm 50% và phải chịu khoản nợ khổng lồ 30 tỷ USD.

    Thương vụ thâu tóm ARM cũng được coi là một canh bạc lớn của ông Son, với giá trị lên đến 32 tỷ USD tức là cao hơn cả thương vụ Sprint. Tuy nhiên ARM đang có một vị thế khác hẳn với Sprint trước đây. Cụ thể là, kiến trúc chip xử lý di động của ARM đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với các khách hàng lớn như Apple hay Samsung. Số lượng các con chip di động sử dụng kiến trúc ARM đã tăng lên 15 tỷ, đủ để thấy tiềm lực phát triển của hãng thiết kế này.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-ga-khong-lo-nhat-ban-dung-sau-thuong-vu-grab-uber-a224902.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan