+Aa-
    Zalo

    Chân dung nhà sáng lập kiêm CEO Liu Qiangdong của JD.com vừa bị bắt giữ tại Mỹ

    • DSPL
    ĐS&PL CEO Richard Liu đang là người giàu thứ 12 Trung Quốc theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

    CEO của JD.com - ôg Richard Liu đang là người giàu thứ 12 Trung Quốc theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

    Theo thông tin từ Bloomberg, CEO JD.com là Richard Liu (Liu Qiangdong) vừa bị bắt giữ vì cáo buộc có hành động sai trái liên quan tới tình dục trong một chuyến công tác tại Mỹ và chính quyền địa phương đang điều tra vụ việc. Liu bị bắt giam vào lúc 11h32 ngày 31/8 và được thả vào lúc 4h05 ngày 1/9 (giờ địa phương).

    John Elder - phát ngôn viên của Sở cảnh sát Minneapolis nói rằng họ quyết định không giam giữ Liu trong quá trình điều tra vụ việc. Ông này từ chối cung cấp thông tin chi tiết lý do chi tiết về vụ việc.

    Phía JD.com thì thông tin vào hôm 2/9 qua một thông báo trên tài khoản Weibo chính thức của họ rằng, cảnh sát Mỹ không tìm ra hành động sai trái trong cuộc điều tra về các cáo buộc chống lại Liu.

    Liu Qiangdong đã xây dựng JD.com trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc, chỉ sau Alibaba của Jack Ma. Ảnh: Sina

    Cũng trong tuyên bố, JD.com cho biết sẽ thực hiện những hành động pháp lý nhằm chống lại những thông báo không đúng sự thật hoặc lời đồn đại thiếu cơ sở. Về phía ông Liu, JD.com cho biết, CEO này sẽ tiếp tục lịch trình chuyến công tác của mình như bình thường.

    Liu Qiangdong đang là người giàu thứ 12 Trung Quốc theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg. Ông sinh ra ở thành phố nghèo Suqian ở tỉnh Giang Tô, trong một gia đình chuyên làm nghề buôn bán than.

    Năm 1994, khi đang là sinh viên tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, Liu Qiangdong đã quyết định mở một nhà hàng của riêng mình ở gần trường. Mặc dù theo học chuyên ngành Xã hội học, nhưng Liu đã tự học thêm môn lập trình máy tính, và kiếm được tiền từ việc đi làm thuê bên ngoài để có vốn khởi nghiệp.

    Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên Liu đã né tránh việc đảm nhận vai trò quản lý. Kết quả là các nhân viên tha hồ rút ruột ngân quỹ, và nhà hàng của Liu đã phá sản chỉ vài tháng sau đó, để lại mình ông với tâm trạng chán nản và đống nợ ngập đầu.

    Sau khi tốt nghiệp, Liu đã tạm hoãn giấc mơ khởi nghiệp, và trở thành nhân viên tại công ty sản phẩm y tế Japan Life. Tại đây, ông đã nhanh chóng thể hiện năng lực bản thân và nhanh chóng được cất nhắc.

    Giám đốc điều hành JD.com. Ảnh: businessinsider

    Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào năm 2012, Liu cho biết: “Trong 2 năm ở đó, tôi dần dần hiểu ra rằng việc nhà hàng bị phá sản là lỗi của tôi, bởi tôi đã không hình thành cấu trúc quản lý, thực hiện cơ chế giám sát hoặc thiết lập hệ thống tài chính và thủ tục liên quan.”

    Sau khi đã lấy lại sự tự tin và thanh toán xong các khoản nợ, vào năm 1998 Liu đã quyết định “đánh cược” thêm một lần nữa. Chỉ với 12.000 Nhân dân tệ, ông thành lập công ty Jingdong Century Trading, chuyên buôn bán thiết bị lưu trữ cho máy tính.

    Ban đầu, Liu vẫn kiên quyết chỉ bán các sản phẩm chính hãng và không chấp nhận việc trả giá, điều đó khiến ông gặp khó khăn khi cạnh tranh trong một môi trường khắc nghiệt như Trung Quốc. Sau đó, khi nhận thấy rằng những người bán hàng khác không quan tâm nhiều đến việc trữ hàng, Liu biết rằng mình có thể trở thành nhà cung cấp cho họ nếu biết cách quản lý hàng hóa thật tốt. Liu chủ động thuê kho để lưu trữ, và khi khách hàng hỏi mua hàng từ các quầy khác mà không có hàng, những chủ quầy này sẽ đến và tìm mua từ Liu. Với chiến lược kinh doanh mới này, trong vòng 5 năm sau khi thành lập Jingdong, Liu đã thiết lập được chuỗi 12 cửa hàng và đạt doanh thu hơn 10 triệu tệ.

    Thế nhưng tới năm 2003, đại dịch hô hấp cấp tính nặng (SARS) đã bùng phát tại Trung Quốc, làm chết hơn 300 người và khiến nhiều người không dám bước chân ra đường. Điều này đã đẩy Jingdong đến bên bờ vực thảm họa.

    Jasmine Sun, một chuyên gia về thương mại điện tử và bán lẻ tại công ty tư vấn SmithStreet, cho biết: “Đại dịch SARS đã gây sốc cho toàn bộ ngành bán lẻ tại Trung Quốc. Vì nguy cơ SARS, rất nhiều người bắt đầu sử dụng thương mại điện tử, điều đó cho phép họ không cần phải đi ra ngoài và tránh được nguy cơ nhiễm bệnh. Trong năm đó, thương mại điện tử đã bùng nổ một cách mạnh mẽ”.

    Nhận thấy nhu cầu mua hàng trực tuyến không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đại dịch SARS kết thúc, Liu đã quyết định dốc hết lực vào thương mại điện tử. Ông tung ra trang web bán lẻ trực tuyến đầu tiên của mình vào năm 2004, và thành lập JD.com (viết tắt từ Jingdong) vào cuối năm đó. Đến năm 2005, Liu cho đóng cửa tất cả các cửa hàng đang có để tập trung toàn lực cho thương mại điện tử.

    Liu phát biểu tại Đại học Pennsylvania vào năm 2009: “Lý do cơ bản nhất để thành công của JD là sự tập trung toàn lực. Đối với chúng tôi, thương mại điện tử là tất cả.”

    Đây cũng là một chiến lược khá rủi ro. Năm 2005, sau khi JD.com hoàn tất việc chuyển hướng toàn bộ hoạt động kinh doanh, doanh số bán hàng giảm xuống mức 30 triệu tệ, chưa bằng một nửa so với năm trước. Tuy nhiên, Liu không hề nao núng, và trong 5 năm từ 2004 cho đến 2009, công ty đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 300%.

    Vanessa Zeng, một nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu Forrester, cho biết: “Với kinh nghiệm khởi nghiệp từ gian khó, Liu đã không sợ hãi. Ông ấy xem mình như một người không còn gì để mất, do đó Liu sẵn sàng thách thức những người khổng lồ trong ngành”.

    JD đã phải nhiều lần vật lộn để cạnh tranh với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma, vốn là công ty sở hữu 2 trang thương mại điện tử hàng đầu Taobao và Tmall.

    Tháng 3/2014, Liu nhận được chiếc phao cứu sinh từ một đối thủ của Alibaba là Tencent, khi tập đoàn này mua lại 15% cổ phần của JD với giá 214,7 triệu USD bằng tiền mặt. Đồng thời Tencent cũng chuyển giao cho JD các công ty con chuyên về thương mại điện tử QQ Wanggou và Paipai. Đến tháng 5/2014, JD.com đã được IPO tại sàn Nasdaq ở Mỹ, huy động được 1,8 tỷ USD.

    Là nhà sáng lập kiêm CEO trang thương mại điện tử lớn thứ nhì của Trung Quốc là JD.com (chiếm 25% thị phần), Liu đang nuôi nhiều tham vọng tạo ra cách mạng trong ngành này. JD.com đã đi trước cả Amazon của Mỹ trong việc sử dụng rộng rãi máy bay điều khiển từ xa (drone) để giao hàng, và công ty đang nhắm tới việc mở rộng sang thị trường dịch vụ tài chính và bảo hiểm.

    Theo Reuters, hiện nay, chuỗi cung ứng của JD.com có 210 nhà kho với tổng diện tích sàn khoảng 4 triệu m2, gần 5.400 trạm giao hàng và lấy hàng tại 2.400 hạt và quận khắp Trung Quốc. Từ tháng 6/2016, JD.com còn dùng cả xe tự lái để giao hàng tại 4 thành phố lớn: Bắc Kinh, Sơn Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên.

    Theo Wikipedia, JD.com là công ty hàng đầu thế giới về giao hàng bằng trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao. Hệ thống năng lực, cơ sở hạ tầng, xe tự lái của JD.com vào loại lớn nhất thế giới. Với doanh thu 28,9 tỉ USD, JD.com là công ty internet duy nhất ở Trung Quốc lọt vào top Fortune Global 500 vào năm 2016 trong lĩnh vực buôn bán trực tuyến.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-nha-sang-lap-kiem-ceo-liu-qiangdong-cua-jdcom-vua-bi-bat-giu-tai-my-a242727.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan