+Aa-
    Zalo

    Chân dung nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử

    • DSPL
    ĐS&PL Trong suốt hai thập kỷ, bà Hamala Harris - người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica này đã làm nên "bộ sưu tập" với những điều thật ấn tượng.

    Trong suốt hai thập kỷ, bà Hamala Harris - người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica này đã làm nên "bộ sưu tập" với những điều thật ấn tượng. 

    Bà Hamala Harris. Ảnh: Reuters

    Bà Hamala Harris đã chính thức trở thành Phó Tổng thống Mỹ và đây là lần đầu tiên trong lịch sử một phụ nữ giữ vị trí này trong Nhà Trắng.

    Trước đó, như đã đưa tin, ông Joe Biden đã thắng cử tổng thống khi giành được 20 phiếu đại cử tri của bang Pennsylvania vào sáng 7/11 (theo giờ địa phương). Chiến thắng ở Pennsylvania đã đưa tổng số phiếu cử tri bầu cho ông Biden lên 284, vượt qua con số 270 cần thiết để giành được Nhà Trắng.

    Ngay sau khi người chiến thắng được gọi tên, bà Harris đã tweet một tuyên bố: “Cuộc bầu cử này có ý nghĩa hơn việc cho Joe Biden hay tôi. Đó là linh hồn của nước Mỹ và sự sẵn sàng chiến đấu vì nó. Chúng ta còn rất nhiều việc cần làm ở phía trước. Bắt đầu nào”.

    Tương tự, ông Biden đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất. "Công việc phía trước của chúng tôi sẽ khó khăn, nhưng tôi hứa với bạn điều này: Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ - cho dù bạn có bầu cho tôi hay không”, ông Biden nói trong một tuyên bố.

    Bà Harris, một thượng nghị sĩ bang California, người gốc Ấn Độ và Jamaica, cũng sẽ là phụ nữ đầu tiên thuộc chủng tộc hỗn hợp giữ chức Phó tổng thống. 

    Tôi thậm chí còn tự hào hơn khi mẹ và con gái tôi nhìn thấy điều này”, thị trưởng của Atlanta, Keisha Lance Bottoms, một đảng viên Đảng Dân chủ, nói khi đánh dấu thời điểm lịch sử và bật khóc trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC.

    “Thật tuyệt vời, thật tuyệt vời. Kết quả khiến tôi rơi nước mắt”, bà Susan Rice, cựu đại sứ Liên Hợp Quốc, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNN. Bà hy vọng chiến thắng của bà Harris sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi trên khắp đất nước.

    Tôi không thể tự hào hơn về Kamala Harris và tất cả những gì cô ấy đại diện”, bà Susan nói thêm.

    Thượng nghị sĩ Cory Booker, một trong ba thượng nghị sĩ da đen duy nhất nói: “Tôi cảm thấy như tổ tiên của chúng ta đang vui mừng,” ông viết. “Lần đầu tiên, một phụ nữ da đen được bầu làm Phó Tổng thống Mỹ. Em gái tôi đã làm nên lịch sử và soi đường cho các thế hệ mai sau noi theo ”.

    Julián Castro, cựu Bộ trưởng Bộ Gia cư dưới thời ông Obama, người đã tranh cử chống lại ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, đã viết: “Donald Trump bắt đầu chiến dịch của mình với thái độ phân biệt chủng tộc chống lại người nhập cư và người da màu. Hôm nay Kamala Harris, một phụ nữ da đen và con gái của những người nhập cư, đã giúp ông Biden trở thành tổng thống một nhiệm kỳ".

    Trước đó, bà Harris đã tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2020 nhưng đã phải vật lộn để giành được sự ủng hộ và đã bỏ cuộc đua vài tháng trước khi ông Biden được bầu làm ứng cử viên tổng thống của đảng.

    Trên đường vận động tranh cử, bà Harris đã gạt đi những câu hỏi về việc liệu bà có thực sự đặt tâm huyết vào di sản và chủng tộc của mình hay không. 

    Con đường sự nghiệp

    Ảnh: PA

    Bà Kamala Harris, tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, sinh ngày 20/10/1964, ở Oakland, California, và là con gái của một cặp vợ chồng người nhập cư. 

    Mẹ bà - Shyamala Gopalan là một nhà khoa học về ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành Nội tiết học tại đại học California-Berkeley (Mỹ). Cha bà - Donald Harris là một giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại đại học California-Berkeley.

    Bà có một chị gái tên Maya, một luật sư và nhà phân tích chính trị. Trong quá trình vận động tranh cử, Harris hiếm khi thảo luận chi tiết suy nghĩ của mình về di sản chủng tộc của mình, nhưng bà thường xuyên mô tả người mẹ quá cố của mình, Shyamala Gopalan, người sinh ra ở Ấn Độ, như một người cố vấn.

    Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng em gái Maya “lãnh đạo” thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.

    Bà Kamala Harris tốt nghiệp đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế năm 1986, tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989 và bắt đầu đi làm tại Văn phòng Công tố quận Alameda.

    Năm 2003, bà Kamala Harris đánh bại xếp cũ của mình - ông Terence Hallinan - giành được chức vụ công tố viên quận San Francisco, bang California.

    Bà dành được chức vụ Tổng Chưởng lý bang California vào tháng 11/2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này. 

    Bà đã thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về lối làm ăn thiếu chính đáng của họ trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.

    Tới năm 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị thượng nghị sĩ (Đảng Dân chủ), đại diện cho bang California.

    Điểm yếu

    Ông Biden trao đổi với bà Harris. Ảnh: AP

    Nhiều người nhận thấy bà quá "hung hãn" trong các vụ án có tội phạm nhỏ và quá yếu ớt trước các sĩ quan cảnh sát đã sát hại dân thường. Khi chiến dịch Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) lần đầu tiên ra mắt vào năm 2014, bà Harris với tư cách là Tổng chưởng lý được cho là không đưa ra bất kỳ phản ứng nào.

    Chiến dịch tranh cử gần đây của bà đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng chỉ ai hiểu hệ thống tư pháp hình sự từ bên trong mới có thể biết cách tái thiết nó.

    Tuy nhiên, điều thú vị là các cử tri da đen dường như không bị thu hút đặc biệt bởi bà Harris. Những người trẻ tuổi đến với Sanders và Warren trong khi những người lớn tuổi hơn đến với Biden. 

    Các chuyên gia sau đó đã phân tích rằng bà Harris đã gặp khó khăn khi xác định nền tảng của mình. Sau năm tháng, bà ấy nói với The New Yorker: “Tôi nghĩ rằng thách thức là mọi người thực sự muốn biết ai đó là người như thế nào. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này gần đây, vì tôi biết tôi cần phải xác định được nó”.

    Điểm mạnh

    Danh tính của bà Harris đối lập trực tiếp với lập trường chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Điều này cũng cho phép nhận dạng cử tri rộng rãi hơn.

    Ông Biden cũng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào chính sách đối ngoại, điều đó có nghĩa là bà Harris có thể tham gia nhiều hơn vào chính trị trong nước. Bà Harris cũng mang lại sức trẻ cho một ban lãnh đạo đảng đã già. Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, bà Harris (55 tuổi) sẽ là người duy nhất dưới 70 tuổi trong số các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ trong các nhánh lập pháp và hành pháp, theo The New York Times.

    Tờ CNN từng mô tả khi đi vận động tranh cử, bà Harris luôn cười rất tươi nhưng khi làm việc tại thượng viện, "công tác công tố viên luôn ở trạng thái bật".

    Năm 2017, các video được tiết lộ cho thấy bà Harris "hỏi dí" Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Jeff Sessions trong một phiên điều trần về Nga đã được lan truyền gần đây. Những câu hỏi sắc bén và liên tục của bà Harris khiến ông Sessions phải thốt lên đầy bực tức: "Đừng có dồn tôi như vậy. Điều đó khiến tôi lo lắng".

    Cặp bài trùng

    Giây phút chiến thắng của ông Biden và bà Harris. Ảnh: Getty

    Trong chương trình "60 phút" của Đài CBS hồi tháng 10, khi được hỏi về việc nghĩ gì nếu một ngày nào đó bà Harris lên thay mình ngay trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã nhanh chóng nêu ra 5 lý do ông tin bà Harris sẵn sàng cho vị trí đó.

    "Số 1, các giá trị mà cô ấy theo đuổi. Số 2, cô ấy thông minh như quỷ. Số 3, lưng cô ấy thẳng như cây thông nòng súng. Số 4, cô ấy rất nguyên tắc. Số 5, cô ấy đã có vô vàn kinh nghiệm tại bang lớn nhất nước Mỹ khi điều hành cơ quan tư pháp tiểu bang có quy mô chỉ sau Bộ Tư pháp liên bang", ông Biden nói. 

    Về phía bà Harris, bà nói rằng bản thân mình và ông Joe Biden chia sẻ “một tầm nhìn về quốc gia như một cộng đồng được yêu mến – nơi tất cả mọi người được chào đón, không quan trọng chúng ta như thế nào, chúng ta đến từ đâu hoặc chúng ta yêu ai”.

    Bà Harris thường lập luận rằng các sách lược của ông Donald Trump đã khiến đất nước bị chia rẽ. Bên cạnh đó, Kamala Harris cũng kêu gọi người dân Mỹ hãy đồng hành cùng bà để đấu tranh cho vấn nạn phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại.

    Mộc Miên (Theo Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-nu-pho-tong-thong-my-dau-tien-trong-lich-su-a345336.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan