+Aa-
    Zalo

    “Chân trời mới” đang mở ra cho quan hệ Việt – Mỹ

    (ĐS&PL) - Chỉ cách đây ít phút, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ.

    Hôm nay (10/09) – một ngày thật đặc biệt, một ngày mang tính dấu mốc trên chặng đường phát triển của quan hệ Việt – Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm Việt Nam 2 ngày theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và 2 nhà lãnh đạo - người đứng đầu của hai hệ thống chính trị đã cùng nhau ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

    Điều có ý nghĩa đặc biệt là việc hai nước chính thức “định danh” cho mối quan hệ như một sự tất yếu nếu nhìn lại tổng thể chặng đường phát triển quan hệ song phương trong 28 năm vừa qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, nhất là 10 năm trong khuôn khổ Đối tác toàn diện.

    Tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 29/3 hai nhà lãnh đạo đã có những nhận định rất xác đáng, trong đó nhấn mạnh: Trong 10 năm vừa qua, quan hệ hai nước đã phát triển phát triển rất tích cực và toàn diện, phù hợp với nguyện vọng và lợi của nhân dân hai nước, cũng như cộng đồng quốc tế và khu vực.

    chan troi moi dang mo ra cho quan he viet my

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Joe Biden chiều 10/9/2023.

    10 năm vừa qua, hai bên có tần suất các chuyến thăm viếng, trao đổi cấp cao khá dày đặc. Trong đó, nổi bật là chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và hai nước đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào tháng 7/2015. Những chuyến thăm và trao đổi cấp cao này đã tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, dựa trên sự tôn trọng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau, củng cố và tăng cường hiểu biết, sự tin cậy giữa hai nước.

    Đặc biệt, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột của mối quan hệ song phương. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đạt khoảng 35 tỷ USD thì năm 2022 đã đạt hơn 123 tỷ USD, tức tăng trưởng gấp gần 4 lần sau 10 năm. Kể cả những thời điểm tình hình thế giới khó khăn, suy thoái hay ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trung bình tốc độ tăng trưởng về thương mại giữa hai nước vẫn đạt từ 17-19% mỗi năm.

    Ðặc biệt, đến nay Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu duy nhất vượt mức 100 tỷ USD. Nếu tính tổng thể thương mại của Việt Nam với thế giới, thì thị trường Mỹ là mắt xích quan trọng cả về tổng khối lượng và về bảo đảm cân đối cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đơn cử một con số, nếu tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới năm 2022 đạt gần 12 tỷ USD, thì riêng thị trường Mỹ đã tạo thặng dư cho Việt Nam tới hơn 90 tỷ USD, tức là đã bù rất nhiều cho phần nhập siêu ở nơi khác để tạo ra sự cân đối chung. Càng đáng chú ý, thương mại có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP, khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, với GDP khoảng 409 tỷ USD và thương mại trên 730 tỷ USD.

    Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ… cũng có nhiều tiến triển mạnh mẽ. Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đạt nhiều kết quả ghi nhận. Hai bên cùng nhận thức tiếp cận là khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, nhưng không quên quá khứ để hai bên cùng nhau hợp tác trên tinh thần nhân đạo, hỗ trợ phát triển. Ðây là điều rất quan trọng và trở thành điểm khác biệt của quan hệ Việt – Mỹ so với nhiều cặp quan hệ khác.

    Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đảm bảo xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển dựa trên luật pháp quốc tế.

    Có thể nói, nhìn lại chặng đường kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay nhất là 10 năm phát triển mạnh mẽ và sâu rộng vừa qua, quan hệ Việt – Mỹ đã vượt qua được ngưỡng vừa có cả tính toàn diện vừa có tầm chiến lược.

    Việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ngày hôm nay rất có ý nghĩa, đúng dịp hai nước kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện, đã phản ánh cả chặng đường phát triển đó và thể hiện khách quan quan hệ hai nước đã mang cả tính toàn diện và tầm chiến lược. Cùng với việc định danh, hai bên cũng đã đề ra chương trình tổng thể cho việc phát triển quan hệ hai nước mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Có mấy điểm nhấn có lẽ nên lưu ý thêm ở đây.

    Thứ nhất, như đã nêu, quan hệ hai nước hiện phát triển rất tích cực, phù hợp với lợi ích và mong muốn của cả hai nước.

    Thứ hai, mối quan hệ phát triển dựa trên các cơ sở vững chắc là tôn trọng, hiểu biết, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, trong đó có việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

    Thứ ba, giữa hai nước có nhiều không gian để phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ trên tất cả các mặt, nhất là về kinh tế, thương mại, công nghệ, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

    Cuối cùng, dù ở tầm quan hệ mới, khách quan mà nói và cũng như với các nước khác, giữa hai bên sẽ vẫn có sự khác biệt, nhưng điều quan trọng là có cơ chế đối thoại xây dựng để nhân lên các lợi ích song trùng và thu hẹp các khác biệt, trên cơ sở các nguyên tắc và phù hợp với lợi ích của hai nước.

    Trong giai đoạn tới, tôi cho rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong đó đặc biệt hợp tác kinh tế sẽ là đột phá và trọng tâm.

    Trước hết đối với 9 lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Đối tác toàn diện tuy đã đạt kết quả tốt, nhưng trong từng lĩnh vực vẫn còn nhiều không gian để tăng cường hợp tác phát triển.

    Bên cạnh đó, hai bên còn có thể mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics. Hai bên còn có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải…

    Trong bối cảnh, Việt Nam hướng đến những khát vọng thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21, quan hệ Việt – Mỹ có thể hướng đến những hợp tác nhằm hỗ trợ tăng hàm lượng tri thức, công nghệ và tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

    Trong thời khắc thế giới và khu vực có những chuyển đổi sâu sắc như hiện nay, chưa bao giờ lại có nhiều thách thức đến như vậy. Nhưng trong thách thức có cơ hội. Cơ hội và thách thức không đứng tách biệt nhau mà đan xen vào nhau. Sự đan xen đó diễn biến rất nhanh, do vậy cơ hội đến nhanh và đi cũng nhanh. Điều quan trọng là chúng ta phải đủ sức để tìm kiếm ra cơ hội trong những thách thức, có thể phòng thủ, thích ứng nhưng đừng chậm chễ mà không nắm bắt được cơ hội.

    Theo Người đưa tin pháp luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-troi-moi-dang-mo-ra-cho-quan-he-viet-my-a590472.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan