+Aa-
    Zalo

    Chàng trai bất hạnh và cô độc nhưng tâm sáng nguyện hiến tạng khi qua đời

    • DSPL
    ĐS&PL Không biết mặt cha, mẹ bỏ đi từ khi mới 2 tháng tuổi, anh Phùng Văn Quân (SN 1992) ở Ba Vì, Hà Nội sớm phải lao vào dòng đời bươn chải mưu sinh.

    Không biết mặt cha, mẹ bỏ đi từ khi mới 2 tháng tuổi, anh Phùng Văn Quân (SN 1992) ở Ba Vì, Hà Nội sớm phải lao vào dòng đời bươn chải mưu sinh. Dù đau ốm thường xuyên, anh vẫn đi hát để gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Anh cũng ấp ủ một tâm nguyện đó là được hiến những bộ phận lành lặn trên cơ thể cho y học.

    Nụ cười hồn hậu của anh Quân khi nói về nguyện vọng nhỏ nhoi của mình.

    Nỗi đau chồng chất

    Trải qua một quãng đường dài, PV ĐS&PL có mặt tại UBND xã Đồng Thái và được biết anh Quân đã nhập viện điều trị suốt thời gian qua. Nhắc đến anh Phùng Văn Quân (SN 1992), người dân thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội đều xót xa và ái ngại cho hoàn cảnh của anh. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng người thanh niên ấy phải liên tiếp gánh chịu những nỗi đau đến tột cùng.

    Theo chia sẻ của một cán bộ xã, anh Quân ngay từ khi sinh ra đã không biết mặt bố, mẹ bỏ đi từ khi anh mới 2 tháng tuổi. Ông bà ngoại và người anh trai cũng lần lượt bỏ anh mà về với “miền đất lạnh” để mình anh bơ vơ giữa dòng đời hối hả.

    Thế nhưng, số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha chàng trai đáng thương ấy. Ngoài nỗi đau tinh thần, anh còn phải chống chọi với căn bệnh suy thận.

    Sau khi xác minh thông tin, chúng tôi liên lạc và hẹn anh ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Khi chúng tôi còn đang hỏi thăm thì anh Quân xuất hiện. Anh bước đi không còn nhanh nhẹn, thân hình tiều tụy và gương mặt già hơn nhiều so với tuổi thật. Điều ấn tượng nhất ở chàng trai này chính là ánh mắt, đôi mắt ấy mang nỗi buồn sâu thẳm.

    Ngồi xuống chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, anh kể về chuỗi ngày buồn đã qua. Anh là một đứa trẻ bất hạnh khi bị bố mẹ bỏ rơi: “Tuổi thơ của tôi thiếu tình thương của cha và hơi ấm của mẹ. Bố bỏ rơi mẹ con tôi từ khi tôi chưa chào đời. Mẹ tôi cũng bỏ đi khi tôi được 2 tháng tuổi. Đến tận bây giờ, dù rất khao khát nhưng tôi vẫn chưa một lần được gặp mẹ”.

    Cố kìm lại tiếng thở dài, anh Quân cho biết, nhiều lúc anh cũng thèm và khao khát được mẹ ôm vào lòng, được mẹ mua cho một vài món quà nhỏ hay đơn giản là chỉ được nhìn thấy mẹ mỗi ngày. Những điều ấy giản đơn với nhiều người nhưng với Quân, đây là điều anh khát khao mãi không thành hiện thực.

    Thiếu vắng vòng tay của cha mẹ nhưng anh may mắn có được tình yêu thương vô bờ của ông bà ngoại. “Ngày bé, nếu không có sự bao bọc, chở che của ông bà ngoại, tôi không sống được đến tận bây giờ. Ông bà chính là chỗ dựa vững chắc nhất về mặt tinh thần lẫn vật chất cho anh trai và tôi”, anh Quân trải lòng.

    Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà già yếu và anh trai bị bệnh nên Quân phải bỏ học từ năm lớp 6 với hy vọng kiếm tiền phụ giúp ông bà. Thế nhưng, không có học, tuổi còn nhỏ nên Quân không tìm việc và hàng ngày ra bờ mương, bờ ruộng để bắt cua, bắt ốc. Những ngày tháng ấy vất vả nhưng hạnh phúc. Quân cứ nghĩ, cuộc sống sẽ êm đềm như vậy cho đến khi nhận tin sét đánh: “Năm 2009, sức khỏe tôi bỗng giảm sút bất thường. Đi khám tôi phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Buồn lắm nhưng tôi không dám nói với ai”.

    Hướng ánh mắt nhìn về phía xa xăm, anh Quân chia sẻ, dù bị bệnh nhưng anh vẫn cố đi làm thuê, tích góp từng đồng chăm lo cho ông bà già yếu và người anh bệnh tật. Thế nhưng, năm 2011 những biến cố liên tiếp xảy đến với gia đình anh. Anh trai qua đời sau 19 năm chống chọi với bệnh tật. Không lâu sau đó, ông bà anh cũng từ giã cõi đời để lại anh một mình cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo.

    Nở nụ cười đắng chát, anh Quân cho biết, từ khi những người thân yêu nhất qua đời, anh trở nên trầm mặc, ít nói hơn. “Nhiều khi, nằm trên giường mà trằn trọc không ngủ được. Tôi cảm thấy cô đơn, trống trải lắm. Nhiều lúc chỉ muốn có người bên cạnh để tâm sự vài câu cho đỡ buồn thôi. Cách đây 2 tháng, sức khỏe đi xuống rõ rệt, tôi không đi làm được nữa mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Chăm sóc vườn hoa trước nhà hoặc ca hát là thú vui duy nhất của tôi trong những lúc buồn”, anh tâm sự.

    Ước nguyện nhân văn

    ặng người hồi lâu như để kìm lại những cảm xúc đang chất chứa trong lòng, anh cho biết, nếu muốn sống, anh phải thường xuyên lọc máu hay ghép thận nhưng số tiền quá lớn, anh không kham nổi: “Bây giờ, thận của tôi hỏng rồi. Cần phải thay mới hoặc thường xuyên lọc máu. Tuy nhiên, số tiền lớn quá lại chỉ sống một mình nên tôi cũng đấu tranh tư tưởng nhiều lắm”.

    Dù phải đối mặt những khổ đau, bất hạnh nhưng anh Quân luôn nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn như mình. Anh tham gia một nhóm thiện nguyện rồi đi hát ở các quán ăn để lấy tiền gây quỹ. “Sức khỏe bây giờ yếu rồi, không thể đi làm phụ hồ được nữa nhưng mỗi khi nhóm có chương trình, tôi luôn cố gắng tham gia. Số tiền quyên góp được sẽ dành cho những cụ già neo đơn hay các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến đi như vậy giúp tôi đỡ buồn và suy nghĩ tích cực hơn”, anh hồ hởi nói.

    Ánh mắt ánh lên niềm vui, anh chia sẻ cho chúng tôi nghe nguyện vọng lớn nhất của anh ở thời điểm hiện tại: “Ghép thận là điều quá xa vời. Giờ tôi chỉ có nguyện vọng nhỏ là nếu như đến một ngày nào đó, mình không còn cố gắng được nữa, thì mong được hiến các bộ phận khỏe mạnh cho y học”.

    Khi chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ về nghĩa cử cao đẹp ấy, anh mỉm cười và xua tay: “Mình hiểu rất rõ cảm giác bị cơn đau đớn dằn vặt, bất lực vì bản thân là người bệnh. Nếu có thể, tại sao mình không dùng những bộ phận khỏe mạnh nhất của mình để cứu chữa cho người khác nếu họ thực sự cần? Nếu mình mất đi mà một vài bộ phận trên cơ thể mình có thể cứu sống người khác thì quá tuyệt vời. Họ sẽ có thêm cơ hội sống còn mình cũng thanh thản hơn”.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, chị Phùng Thị Hường, cán bộ phòng Thương binh, Xã hội xã Đồng Thái cho biết: “Hoàn cảnh của Quân vô cùng éo le, thuộc diện hộ nghèo của xã. Bố mẹ bỏ đi khi em còn bé, ông bà ngoại và anh trai cũng đã qua đời. Em lại mắc bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính quyền xã đặc biệt lưu tâm đến trường hợp của em Quân và tạo điều kiện tối đa “ để hỗ trợ phần nào đó cho em”.

    Đàm Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (192)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-bat-hanh-va-co-doc-nhung-tam-sang-nguyen-hien-tang-khi-qua-doi-a347949.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan