+Aa-
    Zalo

    Chất lượng thả nổi, nhiều trung tâm gia sư hoạt động 'chui'

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Hiện nay, ở Huế xuất hiện rất nhiều TTGS hoạt động trái phép, chất lượng thả nổi. Có trường hợp, nhiều TTGS còn lừa tiền của hội viên là các sinh viên.

    (ĐSPL) - Các trung tâm gia sư (TTGS) đóng vai trò khá lớn trong việc giúp sinh viên có việc làm thêm, cải thiện cuộc sống, rèn luyện nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, ở Huế xuất hiện rất nhiều TTGS hoạt động trái phép, chất lượng thả nổi. Có trường hợp, nhiều TTGS còn lừa tiền của hội viên là các sinh viên tham gia dạy học.

    Dọc những con đường của TP Huế như đường Trần Quang Khải, Bà Triệu, Trần Phú… không khó để nhìn thấy rất nhiều những tờ rơi quảng cáo đề tên các TTGS, dạy kèm được dán chi chít trên các bức tường, cột điện… trông rất phản cảm.

    Có thể kể tên ở đây một số TTGS như: Chất lượng Cao, TTGS tại Huế, Nắng Mai… Thời gian gần đây, nhu cầu gia sư dạy kèm ở TP Huế khá lớn, cộng với việc để thành lập một trung tâm như thế này rất đơn giản nên  việc các TTGS “mọc lên như nấm” là điều dễ hiểu. Chỉ cần đặt một cái tên khá “kêu”, dễ nhớ, một số điện thoại để liên lạc rồi  dán quảng cáo có những thông tin trên ở các tuyến đường hay đăng tải trên mạng xã hội là một người bình thường có thể nghiễm nhiên trở thành “giám đốc” của một TTGS.

    Mặc dù số lượng nhiều như vậy nhưng chất lượng lại không đi kèm. Hoạt động của các TTGS còn nhiều điều bất ổn.

    Chi chít những tờ quảng cáo các trung tâm gia sư được dán lên tường nhà, cột điện...  rất phản cảm

    Theo đó, cơ chế hoạt động của các TTGS này là đăng tuyển quảng cáo gia sư dạy kèm, tuyển hội viên. Sau đó, các hội viên sẽ đăng ký bằng việc gọi điện thoại, nhắn tin  hoặc liên hệ qua Facebook… Chủ TTGS sẽ tập hợp các hội viên, phân các thành viên theo dạy các môn học. Khi có phụ huynh gọi điện đến trung tâm có nhu cầu cần gia sự dạy kèm học sinh, chủ trung tâm sẽ liên hệ với một hội viên đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, lương dạy. Sau đó, chủ TTGS sẽ viết giấy giới thiệu  cho hội viên đến “mối”dạy (địa chỉ phụ huynh cần gia sư) và thu lệ phí, còn gọi là hoa hồng “môi giới” từ 30 - 40\% tháng lương đầu tiên của hội viên.

    Trong khâu quảng cáo, để thu hút hội viên gia sư và phụ huynh, phần lớn các TTGS đều sử dụng hình thức quảng cáo tờ rơi, dán tường, hiện nay, với xu hướng mạng xã hội phát triển, những trung tâm đã nhanh chóng sử dụng thêm hình thức quảng cáo qua kênh này. Tuy nhiên, thông tin về TTGS khá mập mờ, ngoài tên trung tâm, số điện thoại liên lạc, không hề có địa chỉ của trung tâm.

    Trên mẫu quảng cáo tờ rơi, mặc dù nhiều trung tâm cam kết đội ngũ hội viên là những sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp loại giỏi, đang học thạc sĩ hoặc là giáo viên ở các trường học, nhưng thực chất, nhiều trung tâm thường tuyển các sinh viên đang trên ghế nhà trường, thả nổi học lực, nghiệp vụ sư phạm. Bất kỳ sinh viên nào cũng có thể đăng ký làm gia sư. Các TTGS cũng không cần kiểm tra năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn.

    Một phụ huynh ở đường Nguyễn Lộ Trạch (TP Huế) phản ánh: “Rõ ràng là tôi yêu cầu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành toán để dạy kèm cho đứa con đang học lớp 10 nhưng sau một thời gian dạy mới biết gia sư đang dạy cho con mình là sinh viên năm 2 trường Đại học kinh tế. Trong suốt thời gian dạy ở đây, không thấy phía TTGS gọi lại hỏi thăm hay kiểm tra gì”.

    Vừa qua, PV nhận được phản ánh của nhiều sinh viên về việc có TTGS sau khi nhận tiền hoa hồng của hội viên là sinh viên nhưng sau đó lại giới thiệu địa chỉ  không có thật  của  nhà phụ huynh. Hộị viên có liên lạc lại trung tâm để lấy lại tiền hoa hồng thì liên tục nhiều lần không nhận được câu trả lời.

    “Em chẳng biết làm thế nào, lần đặt tiền hoa hồng để được đi dạy, em gặp anh phụ trách TTGS ở quán cà phê nên giờ không biết địa chỉ trung tâm này nằm ở chỗ nào”, bạn N.T.T, sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Huế chia sẻ.

    Cũng chung cảnh ngộ này, bạn N.P.T.H, sinh viên năm 3, khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Huế cho biết: “Hôm trước, em có liên hệ với Trung tâm Gia sư tại TP Huế để đăng ký dạy. Trung tâm này có thu của em 500.000 đồng tiền lệ phí và viết giấy giới thiệu đến nhà phụ huynh. Nhưng khi em đến thì phụ huynh không có nhu cầu gia sư. Em quay lại trung tâm ở kiệt 130, đường Trần Phú để lấy lại tiền thì chủ trung tâm cứ hứa hẹn lần này đến lần khác”.  H còn cho biết, có nhiều  sinh viên bị TTGS lừa nhưng vì tâm lý e ngại nên không đòi lại được tiền đặt cọc.

    Một sinh viên trình bày sự việc diễn ra ở trung tâm gia sư với PV

    Trao đổi với PV, TS Bùi Văn Lợi, Chủ tịch Hội sinh viên, Phó Ban công tác học sinh - sinh viên Đại học Huế cho biết, về phía ban cũng đã từng nghe phản ánh về các trường hợp sinh viên bị TTGS lừa. Hiện nay, đa phần các TTGS trên địa bàn đều không được cấp phép, hoạt động tự phát. Việc kiểm tra, quản lý các TTGS vẫn còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, trước hết, các bạn sinh viên cần liên hệ với TTGS có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, đó có thể là những TTGS của các trường đại học, của các trung tâm hỗ trợ sinh viên…

    Ở đây, rõ ràng sự thiếu quản lý của cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn ở các TTGS.

    Như đã nói, các trung tâm gia sư đóng vai trò khá lớn trong việc giúp sinh viên có việc làm thêm, cải thiện cuộc sống, rèn luyện nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm. Cũng như giúp phụ huynh phụ đạo thêm kiến thức cho học sinh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các TTGS hoạt động “chui”, không đảm chất lượng trên địa bàn, để không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của công việc này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-luong-tha-noi-nhieu-trung-tam-gia-su-hoat-dong-chui-a107919.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.