+Aa-
    Zalo

    Chất paraben có trong 2.100 loại mỹ phẩm độc hại cỡ nào?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Paraben sở hữu những đặc tính giống như estrogen, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Chúng được hấp thu qua da và đã được tìm thấy trong mẫu sinh thiết của các khối u.

    (ĐSPL) - Paraben sở hữu những đặc tính giống như estrogen, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Chúng được hấp thu qua da và đã được tìm thấy trong mẫu sinh thiết của các khối u.

    Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt vừa có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc kể từ 31-7 tới đối với gần 2.100 loại mỹ phẩm có chứa 5 dẫn chất paraben.

    Trong danh sách này có những sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, như: Christian Dior, Olay, Elizabeth Arden, The Face Shop, Kose, Lancôme Paris, Vichy, Olay… cùng nhiều sản phẩm của các công ty trong nước: Yến Phương, LaCosmé, V-Day, Nasca, Thorakao, Raole, Victory, Mắt Ngọc... Các sản phẩm thu hồi rất đa dạng, từ sữa rửa mặt, tế bào gốc tái tạo phục hồi da, serum cho vùng mắt, kem dưỡng trắng sáng da, dầu gội cho đến sữa tắm, kem chống nắng, kem ngừa mụn, lăn khử mùi, kem cạo râu, dung dịch phụ khoa, gel săn chắc da, kem ngừa nám, kem ủ tóc... Các sản phẩm này đều chứa 5 loại paraben gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

    Cục Quản lý dược yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở phân phối, sử dụng sản phẩm, thu hồi toàn bộ số sản phẩm này và gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý dược trước 15/8.

    2.100 loại mỹ phẩm bị thu hồi đều chứa 5 loại paraben gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

    Đồng thời Cục Quản lý dược cũng đề nghị các sở y tế giám sát việc thu hồi sản phẩm, tiến hành thu hồi tất cả phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần có 5 paraben kể trên.

    Trước đó 4 tháng, Cục Quản lý dược đã thông báo đưa 5 dẫn chất paraben vào danh mục các chất cấm, không dùng trong mỹ phẩm, có hiệu lực từ ngày 31/7. Cục đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự thu hồi sản phẩm có chứa 5 dẫn chất này theo đúng lộ trình quy định.

    Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho biết Cục Quản lý dược cũng áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua mạng internet tại trang web của cục để kiểm soát việc thu hồi sản phẩm. “Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp (DN) cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn có hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm” - ông Đạt khẳng định.

    Paraben sở hữu những đặc tính giống như estrogen, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

    Trước đó, ngày 18/9/2014, Ủy ban Mỹ phẩm Cộng đồng châu Âu nghi ngờ một số dẫn chất của paraben có thể gây ung thư vú nên đã ra quy định cập nhật 5 dẫn chất vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học châu Âu lại tuyên bố hiện không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm ấy không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép. Do chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm và cần thời gian để tìm kiếm, thay thế các hợp chất an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu quyết định đưa ra lộ trình để thực hiện khuyến cáo này.

    Sau đó, Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN đã cập nhật quy định mới về các chất nêu trên từ Cộng đồng châu Âu, đồng thời khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này để thay thế các chất an toàn hơn. Vì Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN nên Cục Quản lý dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng 5 dẫn chất paraben và thực hiện theo lộ trình nhất định.

    Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, khẳng định các DN có sản phẩm bị thu hồi là đơn vị chịu trách nhiệm chính, phải thông báo cho hệ thống phân phối và người tiêu dùng biết. Nếu DN cố tình tiêu thụ sản phẩm trong diện bị thu hồi thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không thể đổ thừa cho đại lý bên dưới.

    Theo PGS-TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trường ĐH Y Dược TP HCM, paraben là chất có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm, đặc biệt sử dụng phổ biến trong các dòng chăm sóc cá nhân và nhiều sản phẩm dành cho trẻ em như sữa tắm, khăn giấy ướt. Các nhà sản xuất thường phối hợp các gốc paraben để giúp giảm liều lượng những chất này trong sản phẩm, đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Paraben (có 12 loại, trong đó 5 chất độc nhất bị cấm) là các biến thể của dầu hỏa, dùng trong mỹ phẩm để ngăn ngừa sự ôxy hóa của sản phẩm.

    Parabens là gì? Có ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

    Thông tin trên báo Vetnamnet, Parabens là tên gọi chung của nhóm chất bảo quản hóa học được sử dụng rộng rãi nhất trong các mỹ phẩm. Parabens được tạo ra từ phản ứng ester hóa acid p-hydroxybenzoic. Những dạng parabens phổ biến nhất được sử dụng trong mỹ phẩm là: methylparaben, propylparaben, và butylparaben. Thông thường, người ta sẽ phối hợp các gốc Parabens để giúp làm giảm liều lượng của chất này trong sản phẩm đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm.

    Chất bảo quản được sử dụng trong mỹ phẩm để chống lại sự phát sinh của nấm mốc và vi khuẩn, bảo vệ người tiêu dùng đồng thời đảm bảo chất lượng ban đầu sản phẩm (sau thời gian vận chuyển dưới điều kiện khắc nghiệt cũng như thời gian trưng bày trên quầy kệ)

    Parabens được sử dụng rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm và cả dược phẩm. Những mỹ phẩm thường có chứa parabens gồm có đồ trang điểm, các dung dịch dưỡng ẩm, làm mềm da, chăm sóc tóc, nước cạo râu,…

    Theo quy định về tem nhãn và bao bì của Cục chức quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (21CFR, phần 701 và 740 – FDA), mỹ phẩm được bày bán phải có nêu rõ thành phần chi tiết trên bao bì. Điều này là vô cùng quan trọng để khách hàng có thể xác định được sản phẩm có chứa những chất mà họ muốn tránh (do dị ứng, kích ứng với 1 thành phẩn nào đó). Parabens được ghi chú bằng tên, ví dụ như methylparaben, propylparaben, butylparaben, hay benzylparaben.

    Báo cáo về thành phần trong mỹ phẩm (CIR) đã kiểm tra độ an toàn của methylparaben, propylparaben, và butylparaben vào năm 1984 và kết luận các chất này đủ an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ đến 25\%. Thông thường, parabens được sử dụng với nồng độ từ 0.01\% đến 0.3\%.

    Ngày 14/11/2003, người ta đã mở lại báo cáo về độ an toàn của methylparaben, ethylparaben, propylparaben, và butylparaben đồng thời mời các bên quan tâm tham gia để đảm bảo tính khách quan.

    Đến tháng 9/2005, CIR quyết định tiến hành nghiên cứu lại độ an toàn của toàn bộ các hỗn hợp Parabens để sử dụng cho mỹ phẩm. Tháng 12/2005, sau khi cân nhắc về độ an toàn phù hợp cho cả người lớn và trẻ sơ sinh, báo cáo đã kết luận rằng parabens vẫn an toàn và phù hợp để sử dụng cho mỹ phẩm.

    Cục chức quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA cho rằng trong thời điểm hiện tại, người tiêu dùng chưa cần lo lắng đến việc sử dụng các mỹ phẩm có chứa parabens. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ tiếp tục thu thập thông tin liên quan đến vấn đề này. FDA khẳng định rằng nếu có bất kì nguy cơ nào ảnh hưởng đến sức khỏe, họ sẽ cảnh báo tất cả doanh nghiệp cũng như công chúng, đồng thời sử dụng tất cả các công cụ luật pháp dưới Luật Liên bang Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (FD&C Act) để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    [mecloud]ELhw9n4CuI[/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-paraben-co-trong-2100-loai-my-pham-doc-hai-co-nao-a104207.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.