Châu Âu nhập khẩu dầu từ đâu sau khi "quay lưng" với Nga?


Thứ 3, 28/02/2023 | 14:34


Cùng sự kiện

Ở thời điểm hơn một năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đang được hồi sinh như một nguồn lực có sức ảnh hưởng đến tài chính và quyền lực địa chính trị. 

Khi phương Tây đang "quay lưng" lại với năng lượng của Nga, mở ra một chiến dịch gây áp lực chống lại doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, xuất khẩu dầu thô kỷ lục của Mỹ đã giúp "lấp đầy khoảng trống" của châu Âu với lượng dầu cần thiết để sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay, theo Wall Street Journal. 

Theo công ty theo dõi dữ liệu Kpler, kể từ tháng 2/2022 khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trung bình hàng tháng đến khu vực này đã tăng 38% so với khoảng thời gian một năm trước đó. 

Một đội tàu chở dầu cỡ lớn từ Mỹ có kích thước bằng tòa nhà chọc trời đã vận chuyển nhiều dầu thô hơn sang Đức, Pháp và Italy – ba nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như sang Tây Ban Nha, quốc gia đã tăng 88% nhập khẩu dầu thô từ Mỹ trong thời gian nói trên.

Dữ liệu của Kpler cho thấy, các chuyến hàng chở dầu từ Bờ biển vùng Vịnh đến châu Âu đạt mức 1,53 triệu thùng/ngày vào tháng 1 và trong những tháng gần đây, châu Âu đã vượt châu Á trở thành thị trường xuất khẩu dầu lớn hơn của Mỹ.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu dầu đánh dấu cột mốc mới nhất trong sự hồi sinh ngành sản xuất dầu của Mỹ, sau nhiều năm thị trường suy giảm. Xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đã hỗ trợ các nước đồng minh trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng sau đó sản lượng giảm xuống, cùng với sự ảnh hưởng của đất nước trên thị trường toàn cầu. 

Tin thế giới - Châu Âu nhập khẩu dầu từ đâu sau khi 'quay lưng' với Nga?
Dầu từ các khu vực đá phiến như Permian Basin ở phía Tây Texas đang được chuyển đến Bờ biển vùng Vịnh, để đưa đến các thị trường nước ngoài. Ảnh: Getty Images.

Hiện nay, khi sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ sử dụng công nghệ phân rã thuỷ lực và khoan ngang đã đưa Mỹ trở lại vị trí quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu năng lượng hoá thạch của những thị trường bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine.

Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho thấy, các chuyến hàng kí đốt tự nhiên của Mỹ đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi vào năm năm 2022, hỗ trợ các hộ gia đình và nhà sản xuất của lục địa này sau khi Nga cắt giảm nguồn cung. Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ tăng cao đã giúp xoa dịu thị trường, khi phương Tây hạn chế hầu hết hàng xuất khẩu của Nga bằng các lệnh cấm và áp trần giá mới trong những tháng gần đây.

Daniel Yergin, một nhà sử học năng lượng và phó chủ tịch của S&P Global cho biết: “Mỹ đã trở lại vị trí thống trị nhất trong lĩnh vực năng lượng thế giới kể từ những năm 1950. Năng lượng Mỹ hiện đang trở thành một trong những nền tảng của an ninh năng lượng châu Âu".

Với dầu mỏ, chênh lệch giá ngày càng lớn giữa dầu thô châu Âu và Mỹ đã biến các chuyến hàng xuyên Đại Tây Dương trở thành một đề xuất sinh lợi cho các nhà kinh doanh dầu mỏ và ngày càng nhiều nhà đầu cơ.

Sản xuất tại các mỏ dầu Biển Bắc giữa Vương quốc Anh và Na Uy từ lâu đã giảm dần, làm nổi bật tiêu chuẩn Brent mà các nhà đầu tư coi là thước đo giá toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đạt mức gần kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay và năm tới – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong bối cảnh như vậy, giá dầu WTI, loại dầu tiêu chuẩn của Mỹ, càng rẻ hơn so với dầu Brent – theo chuyên gia Gus Vasquez của công ty tư vấn thị trường năng lượng Argus Media.

Trong những tuần gần đây, các cơn bão mùa đông đã đánh sập các nhà máy lọc dầu của Mỹ, khiến nhiều đơn vị không thể xử lý nhiều dầu thô như bình thường. Sự gián đoạn đã dẫn đến mức gia tăng không ngừng trong các kho dự trữ trong nước, hiện lớn hơn 9% so với mức trung bình 5 năm mà những người lưu giữ hồ sơ liên bang quan sát được.

“Nếu không xuất khẩu được số dầu thừa đó, chúng ta không biết phải làm gì với chúng cả”, ông Vasquez nói.

Trước chiến sự ở Ukraine, các nhà kinh doanh dầu thường thấy mức chiết khấu WTI 3 USD hoặc 4 USD so với dầu Brent là đủ để trang trải chi phí vận chuyển đến châu Âu, cũng như những chi phí khác. Mức chênh lệch đó đã tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, có thời điểm lên tới 10 USD/thùng, khi xung đột kinh tế giữa Moscow và phương Tây làm xáo trộn các tuyến đường vận chuyển và đẩy nhu cầu về tàu chở dầu tăng cao.

Vào ngày 24/2 vừa qua, giá dầu Brent giao tháng 4 có giá cao hơn 6,84 USD/thùng so với dầu WTI, theo dữ liệu từ Dow Jones. Mức chênh lệch này là một dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang sẵn sàng hơn với việc bán trực tiếp dầu từ các vùng khai thác dầu đá phiến như Permian Basin của Texas thông qua một mạng lưới đường ống nối tới vùng Bờ Vịnh Mexico.

Bích Thảo (Theo Wall Street Journal) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-au-nhap-khau-dau-tu-dau-sau-khi-quay-lung-voi-nga-a567244.html