+Aa-
    Zalo

    Châu Âu trừng phạt Nga: "Lợi bất cập hại"!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Châu Âu đang bị chia rẽ không muốn trừng phạt Nga vì "lợi bất cập hại" và chẳng khác gì "tự bắn vào chân mình".
    (ĐSPL) - Phương Tây đe dọa trừng phạt Nga, nếu Moscow không làm giảm căng thẳng ở Ukraine. Nhưng một số nước Châu Âu lại không muốn vì đôi bên sẽ cùng... đau đớn.
    Chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng ở Crimea, chính quyền Obama đã đe dọa cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với các quan chức Nga, nếu điện Kremlin không chịu rút quân khỏi bán đảo này. Nhưng Liên minh Châu Âu (EU) lại tỏ ra khá miễn cưỡng và vẫn hy vọng có thể giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
    Châu Âu trừng phạt Nga: Đôi bên cùng đau đớn!

    Châu Âu trừng phạt Nga: Đôi bên cùng đau đớn!

    Mỹ đã đình chỉ quan hệ quân sự và các cuộc đàm phán thương mại với Nga, trong khi toàn bộ Nhóm G-7đã đồng ý không tham gia việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 tổ chức ở Sochi vào tháng 6 tới. Trong khi đó, các ngoại trưởng EU đã gặp nhau ở Brussels ngày 3/3 và cũng lên án Nga "vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
    Mặc dù đe dọa sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán song phương với Nga về thương mại và tự do hóa thị thực và  "xem xét các biện pháp hơn nữa", Liên minh Châu Âu không nói rõ sẽ trừng phạt kinh tế như thế nào. Hôm nay (6/3), 28 nhà lãnh đạo của các nước thành viên EU ​​sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, nơi họ sẽ xem xét có hay không việc áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga.
    Nhà phân tích Paul Ivan của Trung tâm Chính sách Châu Âu  nói với Deutsche Welle (Làn sóng Đức): "Rõ ràng là Châu Âu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng giải pháp chính trị mà không phải áp đặt biện pháp trừng phạt, bởi vì nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ song phương. Trừng phạt là biện pháp nghiêm trọng nhất mà người ta có thể làm, trước khi đi đến chiến tranh".
    Đôi bên cùng đau đớn
    Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, EU có trong tay đòn bẩy kinh tế đáng kể với láng giềng phía đông này. Chỉ tính riêng trong năm 2012, giao dịch song phương trị giá gần 400 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ. Các quốc gia thành viên EU chiếm gần 75\% đầu tư trực tiếp nước ngoài ở  Nga, theo số liệu do Tổng cục Thương mại của Ủy ban Châu Âu công bố.
    Quan hệ kinh tế EU-Nga là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Theo Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat), khoảng 33\% dầu mỏ nhập khẩu của EU đến từ Nga. Và các nước quan trọng nhất trong Liên minh Châu Âu như Đức và Anh sẽ bị tổn thất nặng nề, nếu Nga trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU.
    Nhà phân tích Paul Ivan của Trung tâm Chính sách Châu Âu nhận định: "Các biện pháp trừng phạt sẽ là đau đớn và  chúng cũng sẽ quay lại cắn vào nền kinh tế châu Âu".
    Trái với EU, giao dịch hàng hóa giữa Mỹ và Nga chỉ ở mức  30 tỷ euro (40 tỷ USD) trong năm 2012.
    Không trừng phạt vào thời điểm này
    Ngày 3/3, một nhà báo tự do đã chụp được một tài liệu mật do một quan chức Anh, không tiện nêu tên, đang trên đường đến tham dự một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia tại Phủ Thủ tướng Anh ở Downing Street. Tài liệu này nói rằng nước Anh " vào thời điểm này, nước Anh không nên hỗ trợ các biện pháp trừng phạt thương mại ... hoặc đóng cửa Trung tâm tài chính London đối với các quan chức Nga".
    Theo Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu - đại diện cho lợi ích kinh doanh của Đức trong khu vực, Đức là đối tác thương lại lớn thứ ba của Nga, sau Hà Lan và Trung Quốc, và chiếm 35\% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nga.
    Ông Rainer Lindner, giám đốc điều hành Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu, nói với hãng tin Reuters: "Chúng ta phải lường trước những hậu quả của các biện pháp trả đũa (của Nga) trong các lĩnh vực cung cấp nguyên liệu và cấm công dân Đức/Châu Âu nhập cảnh".
    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo trong một cuộc họp báo hôm 4/3 rằng biện pháp trừng phạt cuối cùng sẽ phản tác dụng đối với EU và Mỹ. Theo hãng tin RIA Novosti, các nhà lập pháp Nga đang cân nhắc việc tịch thu tài sản và tài khoản của các công ty Mỹ và Châu Âu, nếu lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt.
    Quá trình ra quyết định rườm rà, khó đồng thuận
    EU có một quá trình ra quyết định rườm rà so với Mỹ. Tất cả 28 quốc gia thành viên sẽ phải nhất trí về một gói các biện pháp trừng phạt. Với việc mỗi quốc gia có mối quan hệ khác nhau với Nga, thỏa hiệp sẽ là điều không thể nào tránh khỏi.
    Không giống như Mỹ, Liên minh Châu Âu có tới 28 quốc gia thành viên và việc đạt được một thỏa hiệp là điều khá khó khăn. Chính vì vậy mà nhà phân tích Paul Ivan nói: "Trước khủng hoảng (Ukraine), đã có sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU trong cách nhìn nhận quan hệ với Nga. Vì vậy, chúng ta có thể thấy trước rằng Liên minh Châu Âu sẽ đưa ra quyết định chậm hơn so với Mỹ hoặc phải đưa ra biện pháp trừng phạt (Nga) nhẹ nhàng hơn".
    Minh Đức (theo Deutsche Welle
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-au-trung-phat-nga-loi-bat-cap-hai-a24398.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan