+Aa-
    Zalo

    "Chém gió" là con ông cháu cha, lừa chạy việc chiếm đoạt tiền tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Hiền tự giới thiệu đang công tác tại Hội nông dân, là con gái của một cán bộ đang công tác tại tỉnh Hưng Yên, Hiền đã lừa nhận hồ sơ và tiền của 20 người...

    (ĐSPL)- Hiền tự giới thiệu đang công tác tại Hội nông dân, là con gái của một cán bộ đang công tác tại tỉnh Hưng Yên. Hiền lừa có thể "chạy việc" được và đã nhận hồ sơ và tiền của 20 người.

    Theo tin tức báo Công an nhân dân, đối tượng Lê Thị Thu Hiền hứa hẹn sẽ nộp hồ sơ xin việc tại các cơ quan gồm có Chi cục Quản lý thị trường, Điện lực tỉnh, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa, kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hưng Yên. Quá trình đấu tranh, các cán bộ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên xác định trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến nay, các đơn vị này đều không tiếp nhận hồ sơ xin việc của các bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Hiền đã lừa đảo được hơn 2 tỷ đồng của những người có nhu cầu xin việc (Ảnh minh họa)

    Vụ án mở ra từ đơn trình báo của anh Hoàng Xuân Đoan (trú tại phường Hiến Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) gửi đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hưng Yên. Theo lời kể của anh Đoan thì anh quen Hiền, qua một người bạn đang công tác tại Hội Nông dân huyện Tiên Lữ. Trong buổi gặp gỡ, Hiền giới thiệu rằng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, nơi bố Hiền làm lãnh đạo, đợt này xin tách ra mỗi huyện một đội, đang cần thêm từ 30 đến 60 chỉ tiêu biên chế. Bố Hiền có thể lo giúp cho anh Đoan từ 10-20 chỉ tiêu, ngoài ra còn xin vào một số cơ quan khác trong tỉnh, là chỗ ngoại giao của bố Hiền…

    Anh Đoan sau khi tìm hiểu thông tin, đã tin tưởng đưa cho Hiền hồ sơ và tiền của 16 người có nhu cầu xin việc vào các cơ quan, ban, ngành và chuyển biên chế với tổng số hơn 1,7 tỷ đồng. Các lần nhận tiền, Hiền đều viết giấy biên nhận. Một số lần, đối tượng chuyển tiền qua tài khoản của một ngân hàng… Sau nhiều lần hứa hẹn, Hiền khất lần rồi tránh mặt. 

    Ngoài ra, Hiền còn nhận 80 triệu đồng và hồ sơ để xin cho anh Lê Văn Vĩnh (ở Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên) vào làm lái xe tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên; nhận 320 triệu đồng của chị Vũ Thị Mến (ở Văn Lâm, Hưng Yên) để xin việc cho chị này vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên và chồng của chị Mến là Nguyễn Thanh Hưng, vào làm tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên…

    Tiếp nhận đơn trình báo của người bị hại, các cán bộ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên vào cuộc điều tra thì Hiền vắng mặt khỏi địa phương. Cùng với việc tiến hành trưng cầu giám định các chữ ký trên giấy biên nhận, cán bộ điều tra đã làm việc với các cơ quan nhà nước mà Hiền hứa hẹn nộp hồ sơ xin việc làm… Căn cứ vào các tài liệu thu thập được,  Công an tỉnh Hưng Yên đã có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hiền. 

    Ngoài khả năng ăn nói hoạt bát, thì lợi dụng vị trí công tác. Hiền cũng đã đưa người bị hại vào làm việc tại đơn vị họ có nhu cầu. Trường hợp chị Trần Thị Vân Anh (trú tại tỉnh Hưng Yên) là một điển hình. Đầu năm 2014, mẹ đẻ của Vân Anh gặp Hiền. Khi đó, Hiền giới thiệu đang công tác tại Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên và có bố đẻ là lãnh đạo của một đơn vị của tỉnh Hưng Yên. Bà Nhẫn có con gái là Vân Anh vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp chưa có việc làm nên đặt vấn đề nhờ Hiền, xin cho con vào làm việc tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên. Bà Nhẫn đã nhiều lần đưa, tổng cộng cho Hiền 150 triệu đồng. Đến tháng 4/2014, Hiền cùng chồng đưa Vân Anh đến Đội quản lý thị trường huyện Phù Cừ.

    Trong khoảng thời gian hai tháng đi làm tại Đội Quản lý thị trường huyện Phù Cừ, chị Vân Anh không được giao nhiệm vụ gì và cũng không được hưởng chế độ gì. Đến tháng 10-2014 thì bị nghỉ việc vì không có hợp đồng lao động. Trên thực tế, đây chỉ là cái bẫy do Hiền đặt ra để lấy lòng tin của người bị hại… chứ chị ta không hề có một tác động gì.

    Vụ việc tiếp tục được Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra, làm rõ. Tính đến ngày 17-10, Hiền chỉ thanh toán khắc phục một phần cho những người bị hại đã nộp hồ sơ và tiền để xin việc. Trong những vụ như thế này thì phần thua thiệt luôn thuộc về những người bị hại. Vì thế, trước khi giao tiền và hồ sơ, mỗi người có nhu cầu xin việc cần tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển dụng. 

    Một vụ việc tương tự mới xảy ra ở Ninh Bình, trong đó đối tượng Nguyễn Thị Sen đã lừa có quen nhiều lãnh đạo và có khả năng chạy việc, số tiền Sen lừa được của những người bị hại lên tới hơn 2 tỷ đồng.

    Theo báo Công lý, Ngày 29/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ninh Bình đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1970, trú tại thôn La Mai, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Trước đó, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến tháng 7/2015, Nguyễn Thị Sen đã thông tin gian dối có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều sở, ngành tỉnh Ninh Bình, có khả năng xin việc vào các ngành y tế, giáo dục. Sen đã nhận 10 hồ sơ và tiền của ông Phạm Văn Hồng (trú tại thôn 20, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và 9 người khác với mục đích chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng.

    Theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ninh Bình, do nhu cầu của gia đình, giữa năm 2014, ông Phạm Văn Hồng nhờ Nguyễn Thị Sen xin việc cho con gái. Trong quá trình ông Hồng trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với Sen, Sen có nói với ông Hồng là quen biết nhiều cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt là quen rất nhiều giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tin vào lời Sen, ông Hồng đã gom số tiền 267 triệu đồng đưa cho Sen để xin việc cho con gái.

    Trong thời gian này, ông Hồng đã thông tin đến nhiều người là anh em trong họ hàng, người thân về vụ việc này. Sau đó, có tới 9 gia đình đã thông qua ông Hồng để nhờ Sen xin việc, chuyển công tác cho con em, người thân của mình. Toàn bộ các trường hợp nhờ Sen xin việc đều được Sen chấp nhận và hứa hẹn trong vòng nửa năm sẽ xin được việc cho họ. Thông qua ông Hồng, tổng số tiền Sen nhận từ các gia đình lên tới 2,182 tỷ đồng. Gia đình ít nhất 80 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 315 triệu đồng. Quá trình giao dịch tiền đều có giấy biên nhận do Sen ký tên.

    Tuy nhiên, đến thời hạn theo lời Sen, con em của những người gom tiền nhờ xin việc vẫn chưa có việc làm. Nghi ngờ về khả năng xin việc giúp của Sen, người dân đã thúc giục ông Hồng và Sen thực hiện đúng như cam kết. Sau nhiều lần bị thúc giục, Sen đã đem 6 tờ quyết định tuyển dụng công chức, viên chức do Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình ký tên, đóng dấu đưa cho 6 gia đình tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Tuy nhiên, do thể thức văn bản cũng như mẫu dấu, chữ ký không rõ ràng nên người dân đã nghi ngờ đây đều là những quyết định giả. Sau đó, người dân đã trình báo lên chính quyền địa phương cũng như cơ quan công an về vụ việc.

    NINH LAN (Tổng hợp)

    [mecloud]WDc2Sgpycf[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chem-gio-la-con-ong-chau-cha-lua-chay-viec-chiem-doat-tien-ty-a115461.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.