+Aa-
    Zalo

    Chi 11 tỷ đồng mua lại văn minh - thanh lịch cho người Hà Nội

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Tại sao trước đây, người Hà Nội làm nên thương hiệu "văn minh, thanh lịch". Dù lúc đó, chẳng có ai bỏ tiền ra xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử, nhưng người Hà Nội vẫn có chuẩn mực riêng?
    (ĐSPL) - Đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì, khoa Quốc tế, trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, liệu với 11 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, việc thực hiện, triển khai đề án có tạo nên chuẩn mực cho người Hà Nội?
    Bộ quy tắc ứng xử áp dụng đối với sáu khách thể gồm khu dân cư, trường học, doanh nghiệp, khu vực cộng đồng, bệnh viện, cơ quan hành chính. Trong đó, đề án cũng phân chia từng quy tắc ứng xử chung cho đến quy tắc dành cho cán bộ quản lý, Đảng viên, công chức, viên chức, người dân. Được biết, các quy tắc ứng xử được nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở tiếp nối được truyền thống văn hóa, phù hợp với đặc thù từng đối tượng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
    Tại hội nghị "Góp ý về tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, các đại biểu đã đánh giá cao những nghiên cứu, đề xuất này, đặc biệt là việc chia sáu nhóm đối tượng là phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện nay.
    Chi 11 tỷ đồng mua lại văn minh - thanh lịch cho người Hà Nội
    Văn hoá người Hà Nội đôi khi chỉ là những hành động đơn giản như thế này.
    Tuy nhiên, một số vấn đề cần phải khắc phục gồm nhiều quy tắc bị trùng lặp; có những quy tắc thuộc phạm vi điều chỉnh của luật pháp hay đặc thù của cơ quan, doanh nghiệp, việc đưa thêm vào quy tắc ứng xử là không cần thiết; một số quy tắc chưa thực sự sát với đời sống...
    TS.Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, văn hóa ứng xử của mỗi người bắt nguồn mục đích, lý tưởng, giá trị sống và đối với môi trường sư phạm thì quy tắc ứng xử đầu tiên phải là sự yêu thương.
    Với một số quy tắc cụ thể được đề án nêu ra về cách ứng xử trong trường học, TS.Nguyễn Văn Hòa cho hay, quy định "ứng xử khéo léo, tế nhị với các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên”, nên thay từ khéo léo bằng thân thiện vì ứng xử khéo léo chẳng qua là "làm hàng" với nhau.
    Cùng chung quan điểm với TS.Nguyễn Văn Hoà, đại biểu Quốc hội Hà Nội, Bùi Thị An cho rằng, bản chất của quy tắc là phải ứng xử có văn hoá, biết tôn trọng và lắng nghe "khéo léo" thì trong phát biểu, tranh luận làm sao có thể khéo léo, điều đó quá hình thức. Đơn giản nhất là ứng xử có văn hoá.
    Theo đại biểu Bùi Thị An, hệ thống quy tắc quy định cụ thể và chi tiết là tốt. Tuy nhiên, vấn đề là phải đi từ gốc chứ không phải hình thức. Đầu tiên phải dạy trẻ em là một người tử tế, từ cái gốc thì mới giải quyết đến chuyện ứng xử. Họ không tử tế thì họ sẽ ứng xử hình thức chủ nghĩa. Bên ngoài thì họ rất ngọt ngào nhưng thực tế lại khác.
    "Theo tôi đưa ra các hệ thống quy tắc ứng xử lúc này đã là muộn nhưng muộn còn hơn không. Bây giờ phải bắt đầu lại từ đầu ở tất cả mọi nơi, mọi lúc mọi chỗ. Muốn thế, tôi nghĩ là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng đầu tiên là ở trong mỗi gia đình người lớn phải gương mẫu trước, trong cơ quan người đứng đầu phải gương mẫu và đến trường học thầy cô phải làm gương cho trẻ em" - bà An nói.
    Chi 11 tỷ đồng mua lại văn minh - thanh lịch cho người Hà Nội
    Những hình ảnh ứng xử thiếu văn hoá như thế này diễn ra hằng ngày.
    Chuyên gia văn hoá PGS.TS Lê Quý Đức thẳng thắn chỉ rõ thực tế hiện nay, ở bất cứ đâu bây giờ người ta cũng thấy ái ngại với nhiều hình ảnh ứng xử thiếu văn hoá như trong nhà trường thì thầy đánh trò, trò đánh thầy. Ra đường thì chỉ cần vô tình chạm nhau cũng dẫn đến xô xát thậm chí là chém nhau. Đến cơ quan công quyền thì người dân ngán cách giao tiếp của cán bộ.
    Tại sao trước đây, người Hà Nội làm nên thương hiệu "văn minh, thanh lịch" từ nếp nhà, việc giỗ chạp, còn các cô gái đều có nét đẹp riêng mà không hề lẫn với vùng miền nào? Lúc đó, chẳng có ai bỏ tiền ra xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhưng người Hà Nội vẫn có chuẩn mực riêng?
    Theo quan điểm của bà Bùi Thị An, về nguyên tắc cần giáo dục lại phẩm cách của con người bắt đầu từ sự ứng xử là một việc cần thiết. Nó cần thiết ở mọi nơi trong gia đình, họ hàng, làng xóm, phố, cơ quan.
    Dù đồng tình với việc cần thiết phải có hệ thống quy tắc ứng xử nhưng bà An cũng băn khoăn liệu hệ thống quy tắc này có thực sự giúp cán bộ công nhân viên chức, thầy giáo, học sinh ứng xử chuẩn mực hơn không và ai sẽ giám sát, xử lý những người vi phạm quy tắc này?
    "Phải có mục tiêu, tiến độ, có đánh giá mà muốn đánh giá hiệu quả thì phải có giám sát theo dõi, chứ nếu buông ra thì thực tế cho thấy rất nhiều phong trào sau một thời gian sôi nổi giờ lại về con số không.
    Kinh nghiệm ở nhiều doanh nghiệp, công ty đa quốc gia họ cũng có những quy tắc ứng xử nhưng kinh phí của họ là 0 đồng! "Luật lệ" chẳng qua là sự ràng buộc, gốc rễ vẫn là giáo dục và trở thành ý thức, thấm vào máu chứ không phải làm kiểu đối phó, nếu không sẽ phí cả sức, cả tiền của người dân", bà An băn khoăn.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-11-ty-dong-mua-lai-van-minh---thanh-lich-cho-nguoi-ha-noi-a28142.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan