+Aa-
    Zalo

    Chiếc thuyền lạ trên bãi biển và cuộc truy lùng ‘người trở về”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Cơ quan Tình báo Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã tung ra miền Bắc hàng trăm tên gián điệp, biệt kích...

    (ĐSPL) – Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, với âm mưu “đánh cộng sản trong lòng Cộng sản”, Cơ quan Tình báo Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã tung ra miền Bắc hàng trăm tin gián điệp, biệt kích.

    Tất cả số này đều bị ta tiêu diệt hoặc bắt sống; không những thế, lực lượng công an Nhân dân (CAND) còn thực hiện thành công chiến thuật “dung người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch”. Chuyên án BK63 là một chiến công tiêu biểu của cuộc đấu tranh bí mật này.

    Huấn luyện biệt kích tại Đà Nẵng dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.

    Chiếc thuyền lạ trên bãi biển

    Trong suốt 10 năm (1961- 1970), lực lượng an ninh đã dùng chính gián điệp mà CIA đánh ra Bắc để câu nhử CIA đưa phương tiện và nhiều toán biệt kích ra Bắc theo ý đồ của ta. Được sự giúp đỡ của Cục Chính trị Tổng cục An ninh, phóng viên Chuyên đề ANTG đã tiếp cận khá đầy đủ hồ sơ chuyên án. Loạt bài tư liệu này sẽ dựng lại phần nào cuộc đấu trí suốt 10 năm của các cán bộ an ninh với trung tâm CIA…

    Một buổi sáng đầu tháng 4/1961, cũng như bao buổi sáng khác, ông Ngột, một ngư dân ở thôn La Khê, xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh) cùng một bạn chài từ trong làng ra bến thuyền để đi biển. Nhưng khi qua đầm Thùa (thôn La Khê), hai người bất ngờ thấy có một chiếc thuyền nan có kiểu dáng rất lạ, không giống như của ngư dân vùng Hồng Quảng đang sử dụng.

    Tò mò, hai người đến xem thì thấy trong thuyền có hai chiếc bơi chèo, một chiếc giỏ đan bằng mây để đựng cá, một cần câu, một ống câu. Thấy những vật này bỏ trong chiếc thuyền vô chủ, ông Ngột đã lấy mang về nhà, còn chiếc thuyền thì mang để ở bến thuyền với ý định sẽ dùng chung. Nhưng sáng hôm sau, khi ra bến thì không thấy chiếc thuyền đâu nữa.

    Chuyện chiếc thuyền lạ lập tức được báo cho Cơ quan Công an. Công an huyện Yên Hưng sau đó cử cán bộ đi xác minh đã tìm thấy chiếc thuyền lạ này ở một xã khác cách xã Tiền An 2km. Người chủ của chiếc thuyền trình bày rằng anh ta mua lại của một gia đình thuyền chài.

    Đúng lúc chuyện chiếc thuyền lạ bỗng nhiên dạt vào bờ còn chưa hết xôn xao thì mấy hôm sau, anh Phạm Văn Hán, ở xã Tiền An lên báo với Công an xã rằng mẹ anh là bà Trới, chiều ngày 9/4 khi lên núi Đầm Thùa lấy củi thì bất ngờ thấy ở gần nhà Phạm Ốc có một người đàn ông lạ ngồi trong bụi rậm, xung quanh có rất nhiều quần áo. Khi thấy bà, người này úp mặt trên đầu gối như che mặt rồi gừ lên một tiếng nghe sởn tóc gáy, tưởng ma, bà vứt cả dao lẫn củi bỏ chạy về nhà.

    Khi Công an huyện cử cán bộ đến gặp bà Trới để hỏi chuyện này thì bà nói rằng không có gì cả, người ngồi trong bụi rậm hôm ấy là Phạm Ốc, hôm đó đi lấy dây rừng về buộc chuồng lợn, thấy bà đi một mình nên định trêu bà thôi. Sau đó Ốc đã đến nhà xin lỗi vì làm bà sợ.

    Tuy nhiên, với các cán bộ an ninh, xâu chuỗi những thông tin lại đã khiến họ đặt một nghi vấn lớn hơn, bởi Phạm Ốc có một người anh ruột là Phạm Chuyên vốn là một phần tử chống đối ở địa phương nhưng hai năm trước đã bỏ trốn đi Nam.

    Theo hồ sơ lưu tại Cơ quan Công an thì Phạm Chuyên sinh năm 1922, thời Pháp thuộc đi lính khố xanh và được đi học về điện đài. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chuyên tham gia Cách mạng và được kết nạp vào Đảng và có một thời gian làm ở Ty Công an Quảng Yên. Tháng 10/1947, Chuyên bị Pháp bắt, sau được tha và làm thư ký hội đồng ở thị xã Hồng Gai. Tháng 5/1948, Chuyên bỏ về quê, sau đó chạy vào căn cứ địa cách mạng ở huyện Hoành Bồ và được kết nạp Đảng lại.

    Cuối năm 1948, Chuyên được phân công phụ trách 3 xã ở huyện Yên Hưng; đầu năm 1949, Chuyên

    được điều về làm ở Ban Thi đua tỉnh; đầu năm 1950 chuyển sang làm ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Yên. Năm 1953, khi được cử đi học trường Đảng, Chuyên bị tố hủ hóa sau đó đã cùng tình nhân bỏ vào vùng địch nên lại bị khai trừ Đảng. Sau hòa bình, dù được bố trí công tác trong một cơ quan, nhưng cuối năm 1957, Chuyên bất mãn, nên bỏ cơ quan về và gọi cả em trai là Phạm Ốc lúc đó đang học y sĩ bỏ học về nhà.

    Về quê, sẵn tư tưởng bất mãn nên Chuyên sáng tác ca dao, hò vè đả kích, khích động quần chúng đấu tranh. Tháng 6/1959, sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Yên Hưng gọi lên xét hỏi về hành động chống đối chính quyền, khi được cho về viết kiểm điểm, Chuyên đã bỏ trốn đi Nam. Thời gian sau đó, có bưu thiếp của Chuyên gửi về báo tin Chuyên làm ăn phát đạt.

    Một loạt câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Phạm Chuyên đã quay về? Người ngồi trong bụi rậm chính là hắn? Việc Phạm Ốc tự nhận là người ở bụi cây dọa bà Trới là một trò đánh lạc hướng điều tra của công an và để dập tắt mọi sự nghi ngờ?

    Một báo cáo khẩn cấp của Công an Hồng Quảng gửi về Bộ Công an. Sau khi nhận được chỉ thị của Bộ, một đội trinh sát tinh nhuệ bí mật triển khai bám sát những thành viên trong gia đình Phạm Ốc và theo dõi những biến động khả nghi ở vùng lân cận.

    Người trở về là ai?

    Đêm 6/6/1961, phát hiện Phạm Đắc, em ruột Phạm Chuyên, xách một túi vải đi về thị xã Quảng Yên với nhiều dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác quyết định bắt Phạm Đắc đưa về Đồn Công an Quảng Yên. Tại đây, khi khám xét chiếc túi đã thu giữ một máy phát tin, một gói cơm nếp và một số thực phẩm. Đấu tranh ngay trong đêm, Đắc khai chiếc máy này là của Phạm Chuyên, chiếc thuyền nan mà người dân xã Tiền An phát hiện thấy ở bờ biển chính là thuyền của Chuyên.

    Kế hoạch vây bắt Phạm Chuyên được vạch ra. Khuya 11/6/1961, đồng chí Nguyễn Minh, Trưởng Ty Công an Hồng Quảng đã chỉ huy tổ trinh sát đặc nhiệm bí mật bắt Phạm Chuyên ngay tại nhà. Khám nhà, công an thu được 19 bộ lốc mã giấu trong cót thóc. Mở rộng diện đấu tranh, ta thu được trọn bộ điện đài vô tuyến điện gồm một máy thu, một máy phát và một máy phát điện quay tay.

    Từng làm công an và lại được CIA đào tạo bài bản nên những ngày đầu bị bắt, Phạm Chuyên kiên quyết không khai và giở nhiều thủ đoạn để đối phó với cán bộ điều tra. Sau khi nhận báo cáo của Công an Hồng Quảng, đồng chí Nguyễn Tài, lúc đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (đồng chí Nguyễn Tài sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, rồi chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan), trực tiếp xuống Hồng Quảng.

    Sau những cuộc trò chuyện với Phạm Chuyên, Cục trưởng Nguyễn Tài nhận ra một điều Phạm Chuyên là kẻ tráo trở nhưng lại rất thương mẹ, thương em, vì vậy cùng với việc thuyết phục Phạm Chuyên, Cục trưởng Nguyễn Tài cũng chỉ đạo phải làm tốt chính sách với gia đình Phạm Chuyên. Vì vậy mà sau vài lần nói chuyện với Cục trưởng Nguyễn Tài, cùng với sự tác động của các cán bộ an ninh, Phạm Chuyên mới khai lại toàn bộ.

    HOÀNG VÂN 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chiec-thuyen-la-tren-bai-bien-va-cuoc-truy-lung-nguoi-tro-ve-a170989.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.