+Aa-
    Zalo

    Chiêu trò né thuế của đại gia Việt

    • DSPL
    ĐS&PL Chuyển số tài sản "khổng lồ" thông qua công ty riêng là cách mà các đạ gia bắt đầu nghĩ đến để né được thuế.

    Chuyển số tài sản "khổng lồ" thông qua công ty riêng là cách mà các đạ gia bắt đầu nghĩ đến để né được thuế.

    Trường hợp của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG), là một ví dụ. Tuần qua, ông Vũ đã chuyển 24 triệu cổ phiếu HSG thuộc quyền sở hữu của mình cho công ty riêng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tam Hỷ. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư không chỉ vì cương vị của ông Vũ, mà còn vì số tài sản khổng lồ và mục đích chuyển quyền sở hữu.

    Ông Vũ là một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2013. Ông cũng được xem là doanh nhân kiếm được nhiều tiền trên sàn nhờ giá cổ phiếu HSG tăng liên tục. Với giá 57.500 đồng/cổ phiếu ngày 13.3, số cổ phiếu HSG ông Vũ sở hữu trị giá khoảng 2.465 tỉ đồng.

    Chuyện chuyển cổ phiếu sở hữu về công ty riêng cũng đã có một số người thực hiện. Hồi cuối năm 2009, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã chuyển toàn bộ hơn 14 triệu cổ phiếu SSI sang công ty riêng là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Duy Hưng.

    Số cổ phiếu tương tự cũng được vợ chồng Chủ tịch Công ty Kinh Đô đưa về Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên PPK trong năm 2011. Sau đó còn có ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, ông Trần xảo Cơ, Chủ tịch Công ty Hữu Liên Á Châu.

    Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Công ty Luật Phước & Partners (P&P), cho rằng cổ đông là cá nhân chuyển cổ phần sở hữu sang doanh nghiệp do mình làm chủ thì “không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông khác”.

    Chiêu trò né thuế của đại gia Việt
    Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.

    Theo ông, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc chuyển nhượng kiểu này cũng như trách nhiệm phát sinh của bên chuyển, nhận với các cổ đông khác. Hãy trở lại với chuyện của ông Lê Phước Vũ.

    Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, xác nhận Tam Hỷ là một đơn vị mới được thành lập. Việc ông Vũ chuyển sở hữu là để thuận tiện trong việc quản lý tài sản. Theo ông Thanh, Tam Hỷ cũng do ông Vũ đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Giám đốc. Với tỉ lệ sở hữu xấp xỉ 25\%, công ty riêng của ông Vũ sẽ là cổ đông lớn tại Hoa Sen. Ông Vũ đang sở hữu gần 43 triệu cổ phiếu HSG, chiếm khoảng 44,5\% vốn của tập đoàn này và là cổ đông lớn nhất.

    Sự thuận tiện trong quản lý tài sản mà ông Thanh nhắc đến có thể được hiểu theo một số cách khác nhau, nhưng lợi ích dễ thấy nhất là ở vấn đề pháp lý. Quản lý tài sản ở vai trò cá nhân chịu nhiều rủi ro hơn so với tư cách doanh nghiệp.

    Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần chỉ nằm trong phạm vi vốn điều lệ, không ảnh hưởng đến tài sản riêng của chủ doanh nghiệp. Còn đối với cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân thì trách nhiệm pháp lý là vô hạn.

    Tam Hỷ là công ty trách nhiệm hữu hạn. Chuyển tài sản về công ty còn có lợi cho ông Vũ về thuế. Doanh nghiệp được trừ nhiều loại chi phí hơn so với cá nhân. Khi bị lỗ, doanh nghiệp cũng được chuyển khoản lỗ cho 5 năm sau. Cá nhân thua lỗ thì không được chuyển mà phải giải quyết dứt điểm trong năm. Hơn nữa, đối với người có thu nhập cao như ông Vũ, biểu thuế lũy tiến sẽ khiến số tiền thu về hao mòn khá nhiều.

    Thuế lũy tiến hiện nay đối với người có thu nhập từ 52-80 triệu đồng/tháng là 30\% (có trừ thêm một số khoản). Còn trên mức 80 triệu đồng/tháng là 35\% (có trừ thêm một số khoản).

    Với đà làm ăn khấm khá hiện nay của Tập đoàn Hoa Sen, ngoài khoản lương 1,5 tỉ đồng cho năm rồi, các khoản thưởng và cổ tức sẽ mang về cho ông Vũ thu nhập không nhỏ hằng năm. Dù thuế thu nhập doanh nghiệp là 25\% nhưng ông Vũ vẫn có lợi hơn.

    Theo ông Alan Phan, chuyện này là bình thường ở Mỹ. “Việc đó giúp họ bảo vệ tài sản cá nhân tốt hơn”, ông nói. Chuyển sở hữu cũng giúp các ông chủ giàu có tránh bị chú ý. Nhưng có một điều lạ là ông Vũ chỉ chuyển hơn phân nửa số cổ phần sở hữu tại Hoa Sen mà không chuyển hết. Về vấn đề này, ông Alan Phan cho rằng có khả năng phần còn lại đã được cầm cố, thế chấp hay thuộc sở hữu của người khác mà ông Vũ đứng tên thay.

    Chuyện đứng tên giùm ở Việt Nam rất phổ biến và dễ dàng trong khi việc này ở Mỹ lại bị kiểm soát chặt chẽ”, ông nói. Về nguyên tắc, cổ đông sở hữu trên 5\% cổ phần hoặc ngồi trong Hội đồng Quản trị phải công bố thông tin về mọi hoạt động liên quan đến doanh nghiệp đó.

    Bởi vậy, các cổ đông khác của Hoa Sen vẫn sẽ quan sát được những động thái của Công ty Tam Hỷ. Nhưng để thể hiện sự minh bạch, “ông Vũ nên giải thích rõ ràng với cổ đông về mục đích của việc chuyển nhượng này”, ông Louis Nguyễn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management, nhận xét.

    Theo Nhịp cầu Đầu tư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-tro-ne-thue-cua-dai-gia-viet-a25764.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan