+Aa-
    Zalo

    Chính quyền huyện lên tiếng vụ hơn 40 GV hợp đồng huyện do trường trả công

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)-Liên quan đến việc hơn 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở Quỳnh Lưu dù là hợp đồng huyện nhưng lại do trường trả tiền công. Mới đây, UBND huyện đã lên tiếng.

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc hơn 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) dù là hợp đồng huyện nhưng lại do nhà trường trả tiền công. Mới đây, UBND huyện đã lên tiếng về vụ việc này. 

    Theo phản ánh, hơn 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học đã được UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ký hợp đồng số 136/2004/QĐ–UB ngày 9/2/2004 để giảng dạy tại các trường. Kể từ ngày ký hợp đồng đến nay đã hơn 10 năm nhưng số giáo viên trên chỉ được hưởng tiền công từ tháng 2 - 8/2004 từ ngân sách huyện.

    Từ tháng 9/2004 đến nay, UBND huyện Quỳnh Lưu và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu đã giao cho trường trả tiền công dựa trên số tiết giảng dạy trích từ nguồn kinh phí học 2 buổi/ngày. Song, với mức tiền công quá thấp (trung bình 1,5 triệu đồng/tháng) đã không đủ đảm bảo đời sống cũng như đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học nơi đây.


    Đơn và danh sách các giáo viên gửi phán ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

    Điều đáng nói, mặc dù được ký hợp đồng huyện nhưng các giáo viên này lại không được hưởng lương từ ngân sách của huyện. Thay vào đó, các giáo viên tiếng Anh tiểu học phải ký hợp đồng lao động với Hiệu trưởng các trường để giảng dạy, trong khi hợp đồng số 136/2004/QĐ–UB ngày 9/2/2004 vẫn còn giá trị đến thời điểm hiện nay.

    Theo đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân (gọi tắt đề án 2020), số giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở huyện Quỳnh Lưu đã đi học nâng cao trình độ và đạt chứng chỉ B2 theo chuẩn của Bộ GD&ĐT.

    Năm 2013-2014, một số giáo viên đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu ký công lệnh điều động về việc dạy môn tiếng Anh bắt buộc theo chương trình thí điểm nhưng đến nay các giáo viên trên vẫn chưa nhận được tiền công cũng như tiền lương từ ngân sách của huyện.

    Hợp đồng do UBND huyện Quỳnh Lưu ký với các giáo viên tiếng Anh tiểu học từ 2004.

    Sau khi báo Đời sống và Pháp luật phản ánh về sự việc trên, mới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu đã lên tiếng.

    Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu: “Môn tiếng Anh được đưa vào giảng dạy ở các trường tiểu học trên địa bàn từ năm 2004-2005 theo hình thức dạy học môn tự chọn. Vì là môn tự chọn nên các trường tự hợp đồng giáo viên để dạy và tiền công được lấy từ nguồn thu học phí dạy buổi 2 để trả cho giáo viên, huyện chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và trả lương trong 3 tháng hè”.

    Được biết, thực hiện Quyết định 5600/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020, ngành giáo dục huyện Quỳnh Lưu đã triển khai dạy chương trình thí điểm tại 21 trường tiểu học trên tổng số 39 trường tiểu học và phổ thông cơ sở trên địa bàn. Theo quy định, đối với các trường triển khai dạy thí điểm thì yêu cầu phải bố trí biên chế giáo viên hoặc hợp đồng giáo viên từ ngân sách của huyện. Song, thực tế tại huyện Quỳnh Lưu, tính đến hết năm học 2014-2015, huyện Quỳnh Lưu mới chỉ bố trí được 3 biên chế và ký hợp đồng với 11 giáo viên.

    Dù đã đạt chuẩn theo quy định, các giáo viên tiếng Anh tiểu học vẫn "thấp thỏm", lo lắng về công việc của mình.

    Mặt khác, theo thông báo ngày 31/12/2014 của Sở Nội vụ Nghệ An, chỉ tiêu giao cho huyện Quỳnh Lưu năm học 2014-2015 là 17 biên chế giáo viên tiếng Anh tiểu học. Như vậy, so với biên chế tỉnh giao, Quỳnh Lưu vẫn còn thiếu 3 biên chế giáo viên dạy tiếng Anh trong trường tiểu học.

    Chia sẻ về việc này, ông Dũng cho biết thêm: “Do tổng biên chế của ngành giáo dục đang thừa so với chỉ tiêu được giao. Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành Chỉ thị 30/CT-UBND ngày 28/10/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng hợp đồng nên chưa tuyển dụng hoặc hợp đồng thêm giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh trong trường tiểu học hưởng lương từ ngân sách huyện trong năm 2015”.

    “Nếu 44 giáo viên đã được các nhà trường ký hợp đồng, có nhu cầu được tiếp tục hợp đồng, UBND huyện sẽ có công văn cho ý kiến để trường tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên. UBND huyện vẫn tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ đóng BHXH và tiền công 3 tháng hè cho giáo viên như những năm trước”, ông Dũng cho biết thêm.

    Việc các giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học dù đã được huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng từ những năm 2004 nhưng từ đó đến nay lại do hiệu trưởng các trường ký hợp đồng lao động và trả công. Do đó, với việc phụ thuộc vào vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương cũng như đặc thù mỗi trường đã khiến cho đời sống của các giáo viên nơi đây trở nên khó khăn, khốn đốn, đặc biệt là đứng trước nguy cơ mất việc.

    "Năm học 2015-2016, UBND tỉnh và Sở Nội vụ Nghệ An giao cho huyện Quỳnh Lưu 19 biên chế giáo viên bậc tiểu học. Huyện nhà sẽ xem xét tuyển dụng các giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo quy định, trong đó ưu tiên tuyệt đối cho các giáo viên đã hợp đồng giảng dạy tại các trường theo chương trình thí điểm. Hiện, huyện Quỳnh Lưu đã có 3 biên chế và 11 giáo viên ký hợp đồng hưởng lương ngân sách huyện nên sẽ chỉ tuyển thêm được 5 biên chế giáo viên tiếng Anh tiểu học", ông Dũng thông tin.

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]yflLxtuHoE[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-quyen-huyen-len-tieng-vu-hon-40-gv-hop-dong-huyen-do-truong-tra-cong-a118224.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.