+Aa-
    Zalo

    Chợ “âm phủ” Tha La độc nhất vô nhị mùa nước nổi An Giang

    • DSPL
    ĐS&PL Chợ cá “âm phủ” họp từ 2 giờ sáng đến khoảng 6 giờ sáng hàng ngày thì tan. Sau đó, các tiểu thương lại di chuyển qua chợ khác buôn bán tiếp.

    Chợ cá “âm phủ” họp từ 2 giờ sáng đến khoảng 6 giờ sáng hàng ngày thì tan. Sau đó, các tiểu thương lại di chuyển qua chợ khác buôn bán tiếp.

    Gần 30 năm qua, chợ cá “âm phủ” Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc (An Giang) luôn được nhóm họp từ lúc tờ mờ sáng với đầy đủ đặc sản mùa nước nổi của dân chài đem bán cho các bạn hàng tiểu thương (chuyên thu mua đi bán lại). Người ta gắn chợ này với cái tên “âm phủ” vì nó chỉ nhóm họp trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 giờ sáng, sau đó tự giải tán.

    Chợ "âm phủ" độc nhất vô nhị mùa nước nổi

    Cứ vào mỗi độ đầu tháng 7 âm lịch, khi nước lũ bắt đầu từ đầu nguồn chảy về cũng là lúc chợ “âm phủ” Tha La cũng bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên so với ngày bình thường. Chợ “âm phủ” vốn hình thành từ lâu, do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu, chợ chỉ có vài người bày bán vài bó rau rắp cá, rau muống, bông súng, cá tôm... Dần dà, thấy buôn bán được, tiểu thương phát triển thêm và chợ họp ngày càng đông dần.

    Một tiểu thương đang làm cá cho khách tại chợ “âm phủ”.

    Chợ họp trên một khu đất trống nằm ở đầu tuyến kênh Tha La, khu vực giáp ranh giữa huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc (An Giang). Cạnh chợ có 1, 2 quán cóc và 2, 3 căn nhà nhỏ thấp lè tè. Ngày nào cũng vậy, cứ 2-3 giờ sáng là bạn hàng họp chợ đông đúc, xúm xít với những sản vật đồng quê đặc trưng như: tôm, cua, ốc, rắn, lươn, cá linh, cá lăng, cá khoai, bông súng… do dân “vạn chài” mới bắt về.

    Theo anh Nguyễn Văn Thảo (41 tuổi, ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang), mùa lũ năm nay vợ chồng anh sắm được hơn 30 dàn đú loại "12 cửa ngục" để đặt bắt các loại cá, cua, lươn, rắn trên cánh đồng ngập lũ thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Sở dĩ anh Thảo chọn nơi đây để đánh bắt là vì nằm gần khu chợ “âm phủ”, rất thuận tiện cho việc cân bán các loại sản vật vừa đánh bắt được. 

    Các bạn hàng của anh Thảo từ nơi khác đến thu mua để đem cá, tôm đi các huyện, vùng nông thôn tiêu thụ. "Chỉ riêng trong đêm qua, tôi đổ đú bắt được hơn chục kg cá các loại nhưng nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cua, tép và thu được gần 800.000 đồng cho buổi nhóm họp chợ sáng nay", anh Thảo vui vẻ cho biết

    Mùa "sản vật đồng" cho thu nhập cao

    Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ “âm phủ”, gần 3 giờ sáng ngày 29/9, có rất đông tiểu thương đã có mặt tại chợ, rôm rả mặc cả các loại đặc sản vừa được dân “vạn chài” đánh bắt về. Họ thường mua đi bán lại, có những người vừa mua đã sang ngay cho bạn hàng khác. Ngoài ra  còn có những người dân sinh sống gần chợ đi tập thể dục ghé vào mua hay cả những người đi du lịch ngang qua cũng tò mò vào ủng hộ...

    Anh Phạm Văn Đủ ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên cho biết mỗi ngày anh đều đến khu chợ đặc biệt này để thu mua hơn 100 kg các loại "đặc sản đồng” giao cho các mối quen ở Sư đoàn 330 và đem ra chợ vùng sâu của xã Vĩnh Quới, huyện Tri Tôn cũng như chợ Tịnh Biên bán.

    Bà Trần Thị Thủy đang phân loại cá tại chợ cá “âm phủ” Tha La

    Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại chợ “âm phủ” các loại đặc sản đồng được tiểu thương mua từ dân chài với giá khá rẻ như: cá lóc đồng chính hiệu đủ các kích cỡ giá giao động từ 70 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng/kg; cá lăng 40 ngàn đồng/kg; tép 80 ngàn đồng/kg; lươn dao động từ 120 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg; cá thác lác 80 ngàn đồng/kg; cá khoai 50 ngàn đồng/kg; ếch 50 ngàn đồng/kg; cua đồng 35 ngàn đồng/kg; cá thiểu 25 ngàn đồng/kg; rắn bông súng được bán với giá 100 ngàn đồng/kg...

    Bà Trần Thị Thủy ở xã Vĩnh Tế cho biết trong đêm qua, chồng bà giăng lưới bắt được hơn 15 kg cá lăng. Bà Thủy đem ra chợ “âm phủ”, được hỏi mua với giá 45 ngàn đồng/kg nhưng bà Thủy vẫn chưa chịu bán.

    Còn theo chị Nguyễn Thị Linh, bạn hàng tại chợ gần 10 năm nay cho biết thêm, vào mỗi mùa lũ về chợ cá “âm phủ” rất nhộn nhịp, "đặc sản đồng" lại phong phú và giá cả phải chăng, nên cho thu nhập cao.

    "Mấy năm rồi lũ đầu nguồn không về, nguồn thủy hải sản khang hiếm nên chợ rất thưa, nhưng năm nay lũ về sớm và đem về nguồn hải sản lớn giúp những người buôn bán như chúng tôi có thu nhập khá cao. Mỗi buổi chợ tôi mua đi bán lại ở các kênh quanh xã Vĩnh Tế có thể kiếm trên 500 ngàn đồng", chị Linh chia sẻ.

    Một số hình ảnh phiên chợ cá "âm phủ" Tha La:

    Cá tại chợ "âm phủ" chuẩn bị được giao tới bán ở các chợ trong vùng khi trời sáng. 
    Nhiều người dân tranh thủ giờ tập thể dục ghé chợ "âm phủ" mua tôm, cá.
    Chị Nguyễn Thị Linh chuyên bán tép tươi có tiếng tại chợ "âm phủ".

    Chợ cá "âm phủ" Tha La buôn bán đa dạng các loại "đặc sản đồng" chính hiệu, thu hút nhiều khách hàng.


    Văn Dương
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cho-am-phu-tha-la-doc-nhat-vo-nhi-mua-nuoc-noi-an-giang-a245844.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan