+Aa-
    Zalo

    Chọn sách giáo khoa mới: Không thể gạt bỏ tiếng nói của giáo viên

    • DSPL
    ĐS&PL Những ngày này, các địa phương đang gấp rút triển khai chọn lựa sách giáo khoa (SGK) để kịp tiến độ chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

    Những ngày này, các địa phương đang gấp rút triển khai chọn lựa sách giáo khoa (SGK) để kịp tiến độ chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Bên cạnh một số địa phương còn tồn tại những mâu thuẫn giữa quan điểm của sở GD&ĐT với cơ sở giáo dục, cũng có địa phương thực hiện nghiêm túc, tôn trọng ý kiến từ cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn sách ở mỗi địa phương cần lắng nghe những đánh giá, tôn trọng đề xuất từ các cơ sở giáo dục.

    Học sinh lớp 1 "bắt nhịp" với chương trình mới và SGK mới hiệu quả.

    Cần có tính kế thừa

    Trong chuyến khảo sát kết quả triển khai chương trình mới sau hơn một học kỳ tại Thái Nguyên, phóng viên đã có cơ hội lắng nghe ý kiến từ chính những giáo viên đã và đang giảng dạy lớp 1 với SGK mới. Về tổng thể, các nhà trường có sự lựa chọn về đề xuất SGK một cách đa dạng, đảm bảo các tiêu chí của địa phương. Cả 2 bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đều có tỉ lệ lựa chọn khá cao từ cơ sở.

    Bên cạnh đó, sau “cơn bão dư luận” về “sạn”, SGK Cánh Diều tiếp tục được nhiều giáo viên gửi gắm niềm tin. Trao đổi với ĐS&PL, bà Vũ Hồng Thu - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên) - đánh giá:

    “Năm học 2020-2021, nhà trường lựa chọn 3 bộ sách, gồm Cánh Diều, Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Qua gần một năm học, học sinh tiếp cận với sách mới rất hiệu quả. Bộ sách này có nhiều ưu điểm, nhất là phát huy được năng lực phẩm chất của học sinh, chủ động tiếp thu kiến thức dưới sự hướng dẫn của phụ huynh học sinh.

    Trong năm học, chất lượng của nhà trường ngày một nâng lên, học sinh đọc thông viết thạo, tính toán tốt. Qua đợt thanh tra của sở GD&ĐT, thanh tra liên ngành vừa rồi, kết quả rất khả quan. Trong năm học mới, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng lựa chọn những bộ sách như năm trước. Mặc dù trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều có một số từ ngữ mang tính địa phương hoặc chưa rõ nghĩa, nhưng nhà xuất bản đã có văn bản điều chỉnh, nhà trường đã thực hiện theo và đạt kết quả rất tốt”.

    Bà Đỗ Thị Bích Nguyệt - Hiệu trưởng trường tiểu học Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên) chia sẻ những tác động tích cực từ SGK mới: “Năm học 2020-2021, nhà trường chọn hầu hết SGK thuộc bộ Cánh Diều, chỉ có duy nhất môn Mỹ thuật thuộc bộ khác. Qua một năm giảng dạy, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm “ưu Việt”. Chẳng hạn, qua cuốn sách tiếng Việt, học sinh đã biết cách bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.

    Bản thân tôi cũng đã được trải nghiệm khi bước chân vào các lớp 1, các con ùa ra ôm lấy cô giáo rồi nói: “Con yêu cô!”... Các con tặng cho cô giáo những tờ giấy A4 vẽ hình trái tim, viết những lời yêu thương. Các trò còn nhỏ nên chưa biết trang trí cầu kỳ mà chỉ đơn giản là vẽ những hình trái tim rồi tô màu xanh, màu đỏ... Trước đó, các con rất nhút nhát chứ không được tự tin như vậy”.

     Ý kiến của các Hiệu trưởng trường tiểu học Cải Đan, Mỏ Chè, Chiến Thắng, Chợ Chu, Dương Tự Minh, Yên Ninh, Lam Vỹ, Cao Ngạn... và các trường THCS Cao Ngạn, Dương Tự Minh, Lương Sơn... cũng có nét tương đồng - khi họ có lý do để chọn bộ SGK của 3 nhà xuất bản để giảng dạy.

    Không thể phủ nhận sạch trơn ý kiến của giáo viên

    Thời điểm này, mặc dù chưa có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt bộ sách nào, nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang mong mỏi được tiếp tục dạy những đầu sách đã mang lại hiệu quả tích cực và đặt nền tảng cho học sinh lớp 1 năm học trước.

    Theo bà Nguyễn Thị Quốc Hòa (Trưởng phòng GD&ĐT TP.Thái Nguyên), việc chọn sách cho năm học mới vẫn còn tồn tại những khó khăn: “Bản thân các giáo viên không phải chuyên gia để có thể đánh giá một cách khái quát tất cả các vấn đề, trong khi đó, có quá nhiều đầu sách, giáo viên cần rất nhiều thời gian để đọc kỹ các bộ sách và có cái nhìn tổng quan. Chưa kể, bất cứ sự đổi mới nào cũng gặp khó khăn, đó là “sức cản” của việc cần phải thay đổi, khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh trong nhà trường, kinh tế xã hội của địa phương...”.

    Một số giáo viên cũng băn khoăn trước việc lựa chọn SGK, với thời gian nghiên cứu ngắn mà số lượng đầu sách quá nhiều, khiến giáo viên phải xoay xở không ít vất vả. Điều này theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, sẽ dẫn đến hệ quả, khi giáo viên không có đủ thời gian để đọc và nghiên cứu hết các bộ sách, rất dễ dẫn đến tình trạng như năm học trước, không kịp thời phát hiện lỗi trong SGK.

    Bên cạnh đó, có người e ngại việc lựa chọn sách bị “hình thức quá”, khi có cả phụ huynh trong thành phần tham gia lựa chọn sách, nhiều người đặt câu hỏi, lựa chọn đối tượng phụ huynh như thế nào để có thể đánh giá đúng bộ sách cần cho trẻ? Song, những điều ấy vẫn chưa hẳn là nỗi lo lớn nhất.

    Có những trường có tỉ lệ bầu chọn với một bộ sách rất cao (thậm chí có trường là tuyệt đối), khi đề xuất lên phòng, Sở, nhưng lựa chọn lại thiên về bộ khác. Nếu bộ sách mà Sở đưa ra và UBND tỉnh phê duyệt không cùng một bộ sách với các cơ sở giáo dục, ít nhiều, giáo viên và học sinh cũng đã mất đi bộ sách yêu thích, quen thuộc và đã “đặt nền móng” trước đó.

    Nhiều nhà trường lựa chọn SGK lớp 2 trên cơ sở nền tảng bộ sách lớp 1 đã chọn trong năm trước, để đảm bảo tính kế thừa và tiếp nối, giúp học sinh dễ tiếp cận. Riêng phòng GD&ĐT Thái Nguyên, năm nay các trường đề xuất lựa chọn 3 bộ sách với tỉ lệ tương đương 3/3/3 . Sự lựa chọn không chênh lệch đáng kể giữa các bộ sách và tập sách.

    Ví dụ, đối với bậc THCS: Môn Ngữ văn lớp 6 của NXB đại học Sư phạm (30,56%); của NXBGDVN (36,11% và 33,33%). Môn Toán 6 của NXB đại học Sư phạm (38,89%); NXBGDVN (41,67%). Và chỉ có bộ Chân trời sáng tạo là 19,44%. Môn Lịch sử và Địa lý 6 của NXB đại học Sư phạm (38,89%); NXBGDVN (33,33 % và 27,78 %). Môn Khoa học tự nhiên 6 có tỉ lệ chọn NXB đại học Sư phạm (30,56%); NXBGDVN (33,33% và 36,11). Môn Giáo dục công dân 6 tỉ lệ lựa chọn NXB đại học Sư phạm (36,11%); NXBGDVN (33,33% và 30,56 %)...

    Đó là những con số biết nói. Không thể lấy bộ sách có sự lựa chọn nhiều hơn một chút mà phủ nhận các bộ sách khác khi giáo viên ở các cơ sở đã lựa chọn. Như vậy mới bình đẳng và công bằng. Mỗi bộ sách đều có quyền đồng hành với giáo viên và học sinh, theo sự lựa chọn thấu đáo với lý do chính đáng của họ. Bởi họ, chứ không phải Phòng hay Sở, hay UBND tỉnh... trực tiếp giảng dạy cho học sinh.

    Là giáo viên tham gia trong hội đồng xét tuyển sách năm học tiếp theo, cô giáo Ma Thị Thiết (trường tiểu học Yên Ninh) chia sẻ: “Chúng tôi trực tiếp tham gia bình chọn, lựa chọn một cách chi tiết theo tiêu chí của Sở, chỉ ra những ưu nhược điểm của từng cuốn, bỏ phiếu kín và kết quả là nhất trí vẫn lựa chọn một số môn của bộ Cánh Diều và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ưu điểm nhất của bộ sách là không chỉ giúp học sinh và giáo viên dễ tiếp nhận hơn, mà phụ huynh khi nhận cuốn sách đó cũng không lạ lẫm phương pháp dạy, ở nhà cũng có thể hướng dẫn các con học tập một cách rõ ràng”.

    Bà Mã Thị Hương - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) - cũng tỏ ra rất tâm đắc với bộ sách lớp 1 đã chọn và mong muốn sẽ tiếp tục được gắn bó: “Có thể nói, chúng tôi rất tâm đắc với chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới đang được triển khai với lớp 1, từ giáo viên đến học sinh và phụ huynh. Để chuẩn bị cho năm học tới đối với học sinh lớp 2, dựa trên nền tảng các bộ sách đang thực hiện cho lớp 1, nhà trường cũng tiếp tục lựa chọn các bộ sách cũng đã mang lại hiệu quả, các bộ sách có sự kết nối từ cơ sở nền tảng lớp 1 đến lớp 2”.

    Trước đó, trao đổi với báo chí xoay quanh những lo ngại về nguy cơ bị xáo trộn khi năm trước trường chọn sách này, năm nay tỉnh chọn sách khác, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (bộ GD&ĐT) - cho hay, trong thông tư hướng dẫn của Bộ có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn sách của cấp trường trước đó, đảm bảo SGK được dùng ổn định, không bị xáo trộn.

    Dựa trên tinh thần một chương trình, nhiều bộ SGK, các địa phương hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn, tránh những trường hợp phủ nhận toàn bộ hiệu quả tích cực của một bộ sách nào đó đã mang lại cho các cơ sở giáo dục trong năm học qua.

    Cẩm Mịch

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (62)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chon-sach-giao-khoa-moi-khong-the-gat-bo-tieng-noi-cua-giao-vien-a363469.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan