+Aa-
    Zalo

    Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

    • DSPL
    ĐS&PL Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm/

    Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát nhân dân.

    Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện KSND Tối cao tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh vấn đề này trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện KSND Tối cao tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vào sáng 25/3.

    Theo ông Lê Minh Trí, trong nhiệm kỳ 2016-2021, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án hình sự đã khởi tố tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đã khởi tố nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm tham nhũng, chức vụ được khởi tố tuy có giảm nhưng lại có nhiều vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước.

    Tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng internet tăng. Tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ án có tính chất, quy mô lớn được phát hiện ngày càng nhiều. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp.

    Trong nhiệm kỳ, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 375.884 vụ án hình sự, tăng 1,2%; kiểm sát việc giải quyết 1.713.874 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, tăng 22,5% và 33.011 vụ án hành chính, tăng 10,1%.

    “Viện KSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

    Đồng thời, ngành kiểm sát cũng tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật và các điều kiện để bảo đảm hoạt động với việc thường xuyên quán triệt, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, coi đây là biện pháp quan trọng để xây dựng ngành kiểm sát có đủ uy tín và có sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành yêu cầu người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chỉ đạo công tác tự kiểm tra và chịu trách nhiệm kết quả báo cáo nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.

    Theo ông Lê Minh Trí, để nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa và phục vụ công tác lưu trữ, tra cứu hồ sơ vụ án, ngành đã triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ; đẩy mạnh phối hợp với tòa án và đã tổ chức gần 26.000 phiên tòa rút kinh nghiệm.

    Thông qua công tác kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án, ngành kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành gần 6.000 kháng nghị phúc thẩm, trong đó, số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 78,9%, tăng 8,5% và vượt 8,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội.

    Đặc biệt, các trường hợp viện kiểm sát quyết định truy tố nhưng tòa án tuyên bị cáo không phạm tội chiếm tỷ lệ rất nhỏ và giảm theo từng năm (năm 2017, giảm 14,3%; năm 2018, giảm 50%; năm 2020, giảm 50% so với năm trước).

    Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ công tác điều tra tội phạm xâm phạm trong hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt thẩm quyền mới được giao.

    Trong nhiệm kỳ, số vụ án được Cơ quan này phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước, trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm; tiến độ, chất lượng điều tra được nâng lên và không để xảy ra oan, sai; tỷ lệ điều tra đạt yêu cầu của Quốc hội.

    Thông qua hoạt động điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, ngành đã ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 60%).

    Các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật. Trong lĩnh vực này, ngành kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt với kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, Viện KSND Tối cao cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục.

    Theo đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị sớm sửa đổi, điều chỉnh bổ sung kịp thời các điều, khoản pháp luật không phù hợp yêu cầu thực tiễn để pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm tính khả thi trong thực thi pháp luật.

    Quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường giám sát chuyên đề việc thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của các cơ quan tư pháp, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

    Link gốc: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chong-oan-sai-chong-bo-lot-toi-pham-la-nhiem-vu-quan-trong-hang-dau/426751.vgp?

    Lê Sơn

    Theo Báo Chính phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-oan-sai-chong-bo-lot-toi-pham-la-nhiem-vu-quan-trong-hang-dau-a360438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan