+Aa-
    Zalo

    Chốt chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công

    • DSPL
    ĐS&PL Với việc chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng các tuyến này.

    Với việc chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng các tuyến này.

    Quốc hội thông qua nghị quyết chấp thuận chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công. Ảnh minh họa: News

    Sáng ngày 19/6, Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được thông qua với 443/458 đại biểu tán thành, 12 đại biểu không đồng ý và 3 đại biểu không tham gia biểu quyết.

    Quốc hội đã thông qua nghị quyết, quyết định chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

    Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

    Chính phủ cũng nhận được yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

    Các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14.

    Giải trình ý kiến đại biểu trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi đầu tư dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây vì hai dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đại biểu lo ngại việc chuyển đổi sẽ làm tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành chính sách đầu tư vốn trung hạn.

    Một số ý kiến đề nghị làm rõ, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì 5 dự án thành phần còn lại có phải tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới không?

    Trả lời vấn đề này, UBTVQH cho biết, mặc dù 5 dự án thành phần còn lại đều có từ 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên chưa thể khẳng định việc đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư do còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu.

    Ngoài ra, theo UBTVQH, trong trường hợp có nhà đầu tư trúng thầu, thì sau khi ký kết hợp đồng dự án, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng.

    Sau thời hạn này, trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Việc tham gia đấu thầu của nhà đầu tư và việc quyết định cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn, mức độ rủi ro của từng dự án...

    Do vậy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 52.

    Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để chuyển đổi các dự án trên.

    Theo UBTVQH, nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công: “Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành”.

    Nhấn mạnh dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, UBTVQH cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công.

    Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chot-chuyen-3-du-an-cao-toc-bac---nam-tu-ppp-sang-dau-tu-cong-a327796.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan