Chủ tịch Hiệp hội vận tải không bao giờ đi xe khách giường nằm


Thứ 5, 18/09/2014 | 08:59


(ĐSPL) – Cho rằng xe khách giường nằm chẳng khác gì những chiếc “quan tài di động", Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Nguyễn Danh Liên cho hay, ông và gia đình không bao giờ đi xe khách giường nằm.

(ĐSPL) – "Bản thân tôi và gia đình không bao giờ đi xe khách giường nằm vì cảm giác nó rất chênh vênh, đối với chúng tôi, xe khách giường nằm chẳng khác gì “quan tài di động”.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khi nói đến những mặt được và mất của việc kinh doanh xe khách giường nằm.

Tin tức - Chủ tịch Hiệp hội vận tải không bao giờ đi xe khách giường nằm

Ông Bùi Danh Liên đồng tình với ý kiến cấm xe giường nằm hoạt động trên các tuyến đường đèo núi nguy hiểm của Bộ trưởng Thăng.

Sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại Lào Cai ngày 1/9 khi chiếc xe giường nằm của nhà xe Sao Việt lao xuống vực khiến 48 người thương vong, lãnh đạo Bộ GTVT đã đưa ý kiến, cấm xe giường nằm hoạt động trên các cung đường đèo dốc, nhiều đoạn cua nguy hiểm. Ông nghĩ sao về ý kiến này của Bộ trưởng Đinh La Thăng?

Bản thân tôi và các doanh nghiệp trong Hiệp hội đều rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Thăng. Bởi là những người trong nghề, chúng tôi hoàn toàn hiểu được những nguy hiểm và rủi ro có thể xảy ra khi xe khách giường nằm chạy tại các cung đường đèo dốc, núi cao, có nhiều góc cua, điều này lại càng nguy hiểm hơn khi chạy xe vào ban đêm, như trường hợp của chiếc xe khách của nhà xe Sao Việt gặp nạn tại Lào Cai.

Riêng tôi và gia đình cũng không bao giờ đi xe giường nằm, vì khi di chuyển, nhất là trong những khúc cua thì có cảm giác xe rất chênh vênh. Chúng tôi quan niệm, xe khách giường nằm chính là những chiếc “quan tài di động”.

Được biết Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét việc tạm dừng sản xuất xe giường nằm. Vậy nguyên nhân từ đâu mà Hiệp hội lại đưa ra đề xuất đó? Nếu không xảy ra vụ tai nạn ở Lào Cai thì liệu đề xuất này có được đưa ra hay không, thưa ông?

Nếu không có vụ tai nạn ở Lào Cai thì Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ đưa ra đề xuất về hạ tải. Chúng tôi đã nuôi nấng đề xuất này từ năm ngoái nhưng chưa có điều kiện chứng minh nên chưa dám đề xuất. Tôi đã phải đi thực tế rất nhiều, sau đó mới dám đề xuất.

Đi xe khách giường nằm chẳng khác gì đi “quan tài di động”!

Hiện trường vụ xe khách giường nằm rơi xuống vực ở Lào Cai khiến 48 người thương vong.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến chúng tôi đưa ra đề xuất này là do tình trạng hiện nay xe giường nằm phát triển một cách quá ồ ạt, khiến nhiều nhà xe ghế ngồi bị phá sản.

Mỗi chiếc xe ghế ngồi được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xe giường nằm giá hơn 3 tỷ nhưng giá vé lại chỉ cao hơn xe ghế ngồi một chút, lại phù hợp với nhu cầu đi lại của khách vào ban đêm trong quãng đường từ 300km trở lên nên nhiều hành khách chuyển sang giường nằm.

Thế nhưng, bản thân người chủ xe giường nằm cũng bất an về tính an toàn của những chiếc xe này. Trong vòng vài năm trở lại đây, rất nhiều chủ xe báo cáo với Hiệp hội là đi xe giường nằm rất sợ, nhất là khi đi vào đường cua, đường xấu, đèo dốc…, vì độ lắc của xe thường mạnh hơn.

Thậm chí, các doanh nghiệp ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã bán xe giường nằm do Trường Hải sản xuất ra, vì xe này quá cao, cao hơn 15 cm so với tiêu chuẩn của xe Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng xe giường nằm ở Việt Nam đang đi theo xu hướng thị trường hóa, thiết kế thật cao hầm chứa hàng bằng cách nâng các dãy ghế nằm lên trên để qua mặt các cơ quan đăng kiểm. Vì thiết kế xe như vậy nên trọng lực của xe chỉ nằm chênh vênh phía trên nên xe hay bị lật khi cua gấp. Thế nhưng tại sao nhiều người dân vẫn cho rằng xe giường nằm là an toàn và tiện lợi?

Người dân thì họ chỉ biết đi xe thôi, ví dụ như khi đi xa, đi vào ban đêm mà đi xe giường nằm thì họ được nằm ngủ nên cảm thấy không mệt mỏi và thấy nó thuận tiện, tuy nhiên, họ lại không bao giờ lường trước được nếu tai nạn xảy ra thì sẽ nguy hiểm như thế nào. Vì vậy, chúng tôi là cơ quan chức năng nên phải chỉ ra được cái lợi, cái hại của loại hình xe giường nằm cho người dân hiểu rõ.

Tôi nhắc lại rằng, chính tôi, và chính các doanh nghiệp trong Hiệp hội của chúng tôi mà có xe giường nằm thì cũng đều bày tỏ tâm trạng bất an khi đi loại xe này.

Hiện nay, bất cập lớn nhất đối với loại hình kinh doanh xe khách giường nằm là gì, thưa ông?

Bất cập nhất là cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho thiết kế xe giường nằm.

Hiện nay chúng ta có khoảng 6.000 xe giường nằm, trong đó xe sản xuất mới là hơn 2.000 chiếc, còn lại là xe hoán cải, nhập từ nước ngoài về (cả mới và cũ) sau đó cải tạo lại. Xe sản xuất mới có độ bền hơn, an toàn hơn, nhưng chiều cao nó lại cao hơn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các xe hoán cải này lại không được kiểm định kỹ, nên chất lượng của xe khi vận chuyển hành khách rất đáng lo.

Ở nước ta, việc kiểm định được thực hiện bằng mắt, bằng cảm nhận, chứ không có quá trình chạy thử như ở nước ngoài.

Vậy đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với loại xe giường nằm này hay chưa, thưa ông?

Chỉ tính riêng năm 2013 thì đã xảy ra 22 vụ tai nạn xe giường nằm, trong đó có 19 vụ xảy ra khi xe chạy ban đêm, 30\% số vụ tai nạn ấy đều gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, năm 2012 tôi có đề xuất cấm xe khách chạy đêm trên đường đèo dốc, vùng núi, khi Bộ trưởng Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ thì Tổng cục Đường bộ cho rằng, xe chạy đêm tiết kiệm thời gian, cũng phục vụ nhu cầu của khách, nên đề xuất của tôi bị bác bỏ.

Theo ông, đề xuất này của Hiệp hội có làm ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp hay không?

Nếu việc này có tác động xấu đến doanh nghiệp thì nó chỉ tác động xấu đến 1 doanh nghiệp thôi, nhưng mà nó an toàn cho người dân.

Theo tôi nghĩ, thì dù là lợi nhuận 1 tỷ nhưng mà làm 1 người chết thì cũng không được, thế nên, những gì mình lường trước thì lường. Nên tạm ngừng sản xuất xe giường nằm chờ quy chuẩn ban hành.

Đối với vấn đề xe giường nằm, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đưa ra những biện pháp gì để có thể cải thiện tình trạng mất an toàn như hiện nay, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, với xe giường nằm thì khi hoán cải phải tiến hành nghiệm thu sau khi thử tải ở đường đồng bằng, đèo núi bằng phương pháp khoa học. Phải đo đạc độ lắc bằng máy móc thiết bị hiện đại, phải đưa ra thiết kế quy chuẩn quốc gia cho việc sản xuất xe giường nằm.

Bên cạnh đó, cần đình chỉ việc sản xuất xe giường nằm 2 tầng cho đến khi Bộ Quy chuẩn được ban hành.

Nhiều doanh nghiệp vì bất an nên cũng đã kiến nghị giảm lực văng, lực lắc của xe bằng biện pháp bỏ giường nằm dãy giữa của xe, chỉ để lại 2 dãy, dãy dưới 2 giường ghép nhau, để lối giữa đi lại thông thoáng và dễ thoát hiểm.

Và thay vì chỉ có một cửa lên xuống ở đầu xe, thì cần làm thêm một cửa giữa xe để dễ thoát hiểm.

Chúng ta cũng nên ưu tiên cho các doanh nghiệp cải tạo lại thành xe giường nằm một tầng hoặc xe ghế ngồi bằng ghế ngả được chạy trên đường đèo núi, và nên cấm xe giường nằm từng phân khúc sau khi ban hành lộ trình để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-hiep-hoi-van-tai-khong-bao-gio-di-xe-khach-giuong-nam-a51208.html