+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: "Văn học nghệ thuật phải trở thành vắc-xin đầu tiên để những đứa trẻ lớn lên”

    • DSPL
    ĐS&PL Xuyên suốt những năm tháng miệt mài sáng tác văn thơ, cái tên Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn là chủ đề nóng hổi trên văn đàn, người khen rất nhiều và ý kiến chê bai cũng không ít. Mang trên vai nhiều "gánh nặng" nhưng vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam không cho phép mình thỏa hiệp hay từ bỏ. Ông khẳng định sẽ dám dấn thân và băng qua mọi thách thức.
    chu tich hoi nha van viet nam nguyen quang thieu van hoc nghe thuat phai tro thanh vac xin dau tien de nhung dua tre lon len 01
    Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

    Văn học và những mảng màu sáng – tối

    PV: Trong tác phẩm của mình, ông có nhắc đến thuật ngữ “sự kiện tâm hồn”, ông có thể làm rõ khái niệm này không?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sự kiện tâm hồn là một bản chất của văn chương. Chúng ta chứng kiến rất nhiều sự kiện bên ngoài nhưng khi mang vào trong văn chương, anh phải tạo nên một sự kiện tâm hồn. Mỗi một sự kiện tâm hồn chứa đựng vẻ đẹp, cảm xúc, sự thiêng liêng, những điều tốt lành. Những câu chuyện bà kể buổi tối, những chiếc bánh khoai nóng hổi bà làm bọc trong lá chuối làm ấm bụng tôi trong cả ngày đi học đói khát đều là những sự kiện tâm hồn. Từ một sự kiện đời sống thông thường anh mang vào văn chương và khiến nó trở thành một sự kiện mang ý nghĩa triết học, mỹ học và của những giá trị thiêng liêng khác. Văn chương làm được điều đó. Ai cũng nhìn thấy những sự kiện trong đời sống nhưng những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mới có thể biến hiện thực thông thường đó thành sự kiện tâm hồn. Nếu văn học không biến một sự kiện thông thường, kể cả những sự kiện đau buồn, thành sự kiện bên trong tâm hồn mang tính mỹ học thì văn học đó không có giá trị. Nó chưa trở thành văn học thực sự.

    Chính trong đời tôi có những sự kiện thông thường đến giờ vẫn rung vang mãi. Đám tang của bà nội tôi - một người yêu tôi vô cùng. Hồi tôi 13 tuổi ốm tưởng chết, bà đã cho tôi vào cái thúng lót rơm rồi đội lên đầu đi 10 cây số để đến một thầy lang nhờ bắt mạch chữa bệnh. Đêm đó bố và các chú nghĩ tôi không qua khỏi nên đã đóng cho tôi một cái quan tài. Bà nội mặc váy đi chân đất chạy từ cửa đình ra cánh đồng cầm cái áo cũ của tôi đi vòng quanh đám lửa cánh đồng và gọi: “Ba hồn bảy vía thằng Thiều ở đâu trở về”. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy và sống đến bây giờ. Tôi cho rằng lòng yêu thương bà nội tôi quá lớn, lớn động đến trời đất.

    Bản chất của văn học nhân loại là làm sống lại những gì đã chết và làm mới những gì đã cũ, đã xa vời. Văn học làm cho lương tâm con người mở rộng, anh cảm thấy thổn thức về mọi thứ. Anh yêu cái cây hơn, yêu một con côn trùng có cánh, yêu bầu trời, yêu người bên cạnh, biết chìa tay chia sẻ. Nếu văn học không làm được điều đó thì văn học trở thành phản bội vẻ đẹp nhân tính con người. Văn học mang ý nghĩa xỉa xói, hằn thù, chửi bới, ám chỉ là thứ văn học vứt đi. Và chúng ta không nên gọi đó là văn học.

    chu tich hoi nha van viet nam nguyen quang thieu van hoc nghe thuat phai tro thanh vac xin dau tien de nhung dua tre lon len 012

    PV: Thế còn những trường hợp cần phải lên án?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đấy là việc khác. Anh lên án để ngăn chặn những việc tồi tệ có thể xảy ra. Cách chống lại cái ác tuyệt vời nhất là gieo vào con người sự tử tế. Cách phòng thủ xa nhất, hiệu quả nhất là dùng cái đẹp, lương tâm để cải hóa con người. Một nhà tù, một tòa án, một hình phạt đương nhiên phải có nhưng đó là cách cuối cùng chúng ta phải làm. Văn học nghệ thuật phải trở thành vắc-xin đầu tiên, quan trọng nhất để những đứa trẻ lớn lên.

    Cách đây khoảng 20 năm, trong một lớp trại hè dành cho học sinh, một phụ huynh đặt vấn đề là các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về các cạm bẫy trên cuộc đời để các con tránh. Tôi trả lời là có thể viết được, nhưng nếu chúng tôi viết được 1.000 cái mẫu cạm bẫy, thì đứa bé khi ra đời sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1.001. Và cái 1.001 đó sẽ giết chết đứa bé. Nhưng khi ta gieo vào chúng cái đẹp, lòng yêu thương, sự kính trọng, sự chia sẻ, lòng quả cảm thì chúng sẽ phân biệt được đâu là ác, đâu là thiện và những đứa trẻ sẽ đi qua tất cả các cạm bẫy trong cuộc đời chúng. Đức hạnh không có bản mẫu. Nó ở bên trong chúng ta, đầy mơ hồ nhưng vô cùng quyền lực.

    Cái tốt nhiều hơn cái ác nhiều. Nếu cái ác nhiều hơn thì chúng ta đã bị vùi dập lâu rồi, chúng ta đã biến mất khỏi thế gian bởi cái ác, chúng ta không thể ngồi đây để nói về nó. Chỉ có điều là văn học nói cái xấu nhiều quá. Tại sao bao nhiêu vẻ đẹp không ngợi ca? Không đưa ra để làm xúc động con người? Chúng ta bị cái xấu cuốn đi trong rất nhiều tác phẩm.

    PV: Có phải một phần vì chính các nhà văn vẫn muốn dùng văn để xỉa xói, đấu đá?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đồng ý là nhà văn có thể tranh luận, thậm chí không thỏa hiệp về quan điểm sáng tạo nhưng để tranh giành hay đấu đá những cái ngoài văn chương, ngoài nghệ thuật là một điều xấu hổ. Nhưng tiếc là trong đời sống văn học Việt Nam có điều đó. Tất nhiên, các nước khác cũng có, nhưng tôi không thấy họ nặng nề đến thế. Ở ta, tôi thấy sự đố kị, bóp méo, xỉa xói nhau. Trên mạng xã hội Facebook tôi thấy rất nhiều.

    Tôi đã viết một bài về những gì người ta viết trên Facebook chính là bản tự khai lý lịch tâm hồn họ. Có những người đưa ảnh con cháu, mình cũng có thể hiểu tâm hồn, cuộc sống, quan điểm của họ. Những thứ trên Facebook làm ta buồn hơn nhiều.

    Facebook là thế giới ảo nhưng “vết cắn” thật, chảy máu thật. Có những người lỡ lời một câu nói thì cả một cộng đồng xỉa xói, vùi dập. Như thế thật độc ác và kinh hoàng. Thế giới nhân tính không chấp nhận điều đó. Trong giới văn chương càng phải tránh. Nhà văn thường xuyên viết về lòng vị tha, sự chia sẻ, bao dung nhưng trong đời thực lại không bao dung, không chia sẻ, không vị tha được. Với những nhà văn luôn hằn học, luôn đố kị, luôn ghen tức thì chúng ta không đợi chờ gì ở những tác phẩm của họ. Vì anh ta đã không dám hy sinh một quyền lợi nhỏ nhất.

    Chúng ta đều là con người đầy khiếm khuyết, đầy sai lầm, đầy lỡ làng. Nhưng khi anh mang đến sự chia sẻ hay phân tích kỹ lưỡng thì mọi chuyện sẽ khác.

    Tôi nhớ một chuyện rất hay. Một lần nhà thơ Chế Lan Viên dẫn đoàn nhà văn, nhà thơ trẻ thăm Vịnh Hạ Long. Ông hỏi một nhà thơ: “Cậu thấy hoàng hôn trên biển màu gì?”. Nhà thơ đó trả lời đó là màu ngọc bích. Ông bảo: “Cậu cho tôi vay 10 đồng”, nhà thơ trẻ đó không có. Ông nói: “Cậu không có 10 đồng cho tôi vay mà cậu cho thiên hạ cái màu ngọc bích dễ dãi của cậu”. Ông lại hỏi một nhà thơ khác màu ấy là màu gì, và nhà thơ ấy trả lời đó là màu dầu loang trên biển. Và nhà thơ Chế Lan Viên biết rằng sau này nhà thơ đó sẽ làm được điều gì đó. Đó chính là nhà thơ rất tên tuổi - nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của Thời hoa đỏ. Câu chuyện cho thấy anh Tùng là người chân thành, anh đem đến sự chân thực, không khoe mẽ, không đao to búa lớn. Anh đem đến cái mà anh ấy nhìn thấy, điều mà anh ấy thực sự rung động. Chỉ cái đó mới đem lại những điều tốt đẹp cho người đọc.

    Câu hỏi chị đặt ra làm tôi vừa buồn, vừa xấu hổ. Nhiều nhà văn Việt Nam không chịu tìm hiểu nhau một cách kỹ lưỡng. Họ rất lười đọc của nhau. Tôi có thể nói là một tác phẩm dù viết thế nào, dù che đậy bằng ngôn từ mỹ miều đến thế nào thì nó vẫn chứa đựng sự thật bên trong của tác giả. Khi anh đọc hết một cuốn sách của họ anh sẽ thấy ngôn từ dù có lấp lánh mỹ miều đến đâu cũng không thể giấu giếm nổi sự thật bên trong. Sự thật có một khả năng hiển lộ đặc biệt mà người đọc nào có kinh nghiệm sẽ nhìn ra. Giống như chúng ta giao tiếp với một người chân thực chúng ta biết ngay. Sự giả dối, xảo ngôn, bẻm mép chúng ta cũng có thể phát hiện ngay.

    chu tich hoi nha van viet nam nguyen quang thieu van hoc nghe thuat phai tro thanh vac xin dau tien de nhung dua tre lon len 03

    “Nhiều người kinh hãi thế giới các nhà văn Việt Nam”

    PV: Một năm ở chức Chủ tịch hội Nhà văn, ông đã phải dàn xếp sự vụ gì chưa?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chưa có gì phải dàn xếp. Nhưng có nhiều thách thức. Ví dụ chúng tôi thành lập hội đồng. Đó là những nhà văn nhà thơ uy tín ở các lĩnh vực. Có những người phản ứng: “Tại sao người đó lại ở trong hội đồng? Tại sao lại đưa người đó làm chủ tịch hội đồng?”. Việc bầu ra hội đồng chuyên môn không phải ý kiến của cá nhân chủ tịch mà chủ yếu là ban chấp hành đưa ra, xem xét và thống nhất. Và chuyện đó bị phản ứng. Có người còn kêu rằng: “Thế này thì nền văn học mất đến nơi rồi”. Tôi nghĩ là phải để cho họ hành động, họ làm thì mới chứng minh được.

    Việc chúng tôi cải tổ báo Văn nghệ, có người bảo không được. Nhưng hỏi vì sao không được thay đổi thì họ không trả lời được. Tôi nghĩ vì họ theo thói quen cũ. Trong khi hội viên và xã hội đòi hỏi rất nhiều ở tờ báo, ban chấp hành nhiệm kỳ trước đã quyết tâm nhưng chưa làm được. Chúng tôi làm. Chúng tôi tin vào sự trung thực, sự tiến bộ của mình và chúng tôi tin những người trong hội đồng mà chúng tôi lựa chọn. Vì họ tham gia mà không hề có quyền lợi gì mà chỉ vất vả thêm. Những người làm thật chịu nhiều áp lực và phải luôn cẩn trọng.

    Chọn cuốn sách nào để đưa vào chung khảo để xét giải thưởng, chọn một ai để xét kết nạp hội viên là những việc đã có tai tiếng trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng không bao giờ hết được chuyện đó. Anh phải đủ bản lĩnh để tin rằng mình làm đúng. Vì một tác phẩm đưa 10 người thì không có chuyện cả 10 người đều đồng ý mà họ sẽ chia làm hai phe. Có những tác phẩm rất lớn lao nhưng cũng không tránh khỏi tranh luận.

    Văn chương là sự khác biệt. Nhà văn nào giống nhau thì không cần viết nữa. Chúng ta đã có một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương, một Nguyễn Du. Chúng ta đã có những nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Mỗi một nhà văn mang một giọng nói của thời đại mình, một giọng văn khác biệt đóng góp vào tính đa sắc, đa chiều, đa dạng của nền văn chương. Có những người nói với tôi rằng làm thơ hậu hiện đại là phản bội. Tại sao lại gọi thơ hậu hiện đại là phản bội? May mà nhận định này không lộ ra ngoài, nếu không các nhà thơ nhà văn trên thế giới họ sẽ cười. Nó chỉ là một thể loại, như lục bát, như song thất, như thơ năm chữ, như thơ tự do, thơ văn xuôi. Cái xấu hay không xấu nằm trong tư tưởng và trái tim của nhà văn chứ không nằm trong thể loại. Không ai nói viết tiểu thuyết là vĩ đại còn viết tản văn là vớ vẩn, nhỏ vặt. Không ai nói nhà văn viết voi vĩ đại hơn nhà văn viết về con kiến. Đề tài hay thể loại không có ý nghĩa gì. Nó chỉ là phương tiện mà nhà văn chọn lựa mà thôi.

    Thách thức luôn có nhưng chúng tôi sẽ đi qua thách thức. Chúng tôi làm vì một nền văn chương. Chúng tôi “đẻ” ra giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi. Chúng tôi muốn hằng năm in hàng chục vạn bản sách tốt nhất của các tác giả Việt Nam để mang đến cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chúng tôi muốn có giải thưởng trẻ để nói với những người trẻ rằng chúng tôi tôn trọng các bạn, chúng tôi đợi chờ các bạn và các bạn chính là chủ nhân nền văn học trong tương lai. Làm sao chúng tôi còn sống đến lúc đó? Mà nếu còn sống thì cũng không thể nào làm gì được nữa. Vậy chúng ta phải học ông cha triết lý đầy nhân văn và đạo đức: Con hơn cha là nhà có phúc. Nếu những người sau giỏi hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn thì chúng ta phải thấy rằng mình có phúc. Chứ không phải chúng ta sợ họ đè bẹp chúng ta. Trên thế gian này không có nhà văn nào chiếm chỗ của nhà văn khác. Chỉ trừ khi anh kém, anh bị tàn lụi và khuất lấp trong đời sống này. Còn mỗi nhà văn giỏi đều đóng góp những tinh thần giá trị khác biệt.

    Tôi biết có nhiều thách thức. Và cũng nhiều người kinh hãi thế giới các nhà văn Việt Nam. Dư luận, bạn đọc, nhà báo, thậm chí là những người làm công tác quản lý cũng thấy các ông nhà văn kinh nhất. Nhưng tôi làm điều này để cùng ban chấp hành mở ra những con đường mới, những đời sống mới và những giá trị mới trong văn chương. Nếu chỉ vì chức Chủ tịch thì tôi không làm làm gì. Tôi đã nói với cơ quan quản lý là nếu các đồng chí kỷ luật, không cho tôi làm Chủ tịch nữa thì tôi sẽ mang lễ đến cảm ơn các đồng chí vì tôi thoát khỏi “gánh nặng” này. Nhưng tôi còn làm thì tôi phải dấn thân. Tôi không thỏa hiệp.

    chu tich hoi nha van viet nam nguyen quang thieu van hoc nghe thuat phai tro thanh vac xin dau tien de nhung dua tre lon len 04

    PV: Đã có lần ông hỏi các nhà văn rằng, họ sống vì lý do gì?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi hỏi lâu rồi. Và có nhiều người không trả lời được là họ sống vì lý do gì. Sống phải có lý do. Một người nông dân có lý do trên cánh đồng. Một trí thức, một nhà văn, chính khách phải có lý do của mình. Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 10 chúng tôi đặt slogan là “Vì sao chúng ta viết”. Nếu anh không viết về cái đẹp, không viết để bênh vực những số phận chịu bất công, không viết để lên án những tội ác trong cuộc sống này, không viết để chia sẻ, gắn kết hay khám phá những vẻ đẹp trong đời thường con người thì tốt nhất là đừng viết. Nếu anh viết chỉ để chửi rủa, cười cợt, bôi nhọ, ám chỉ, nguyền rủa những người khác thì đừng bao giờ cầm bút.

    Vì sao chúng ta sống? Đó là một câu hỏi đơn giản. Vì cuộc sống ngắn dài khác nhau. Có những người sống một ngày đã đủ cho một đời. Còn có những người sống một đời không đủ cho một ngày. Có những người cho đến lúc gần chết mới nhìn thấy giá trị đích thực của đời sống. Lúc đó ánh sáng ngập tràn họ và tất cả những năm tháng tội lỗi của họ được xóa đi hết. Câu hỏi vì sao chúng ta sống rất quan trọng, đặc biệt với nhà văn. Vì anh có mục đích sống thì anh có mục đích viết. Một nhà thơ cách đây 10 năm viết được một bài thơ hay, xúc động, có tư tưởng nhưng anh ta muốn viết bài thơ thứ hai hay như thế thì anh ta phải sống bằng lúc đó, suy nghĩ bằng lúc đó, dấn thân bằng lúc đó, cảm xúc bằng lúc đó. Hoặc đơn giản như người phương tây nói: Anh sống được đến đâu thì anh viết được đến đấy.

    PV: Vậy ông sống vì lý do gì?

    - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi sống trước hết để yêu mảnh đất này. Nhiều người rất tuyệt vọng về đời sống. Tôi như cảm thấy con người mỗi ngày như chìm vào bóng tối. Bệnh tật nhiều hơn, tranh giành nhiều hơn nhưng xin thưa trên mảnh đất này cũng chứa đựng biết bao nhiêu vẻ đẹp trong gia đình mình, cơ quan mình, khối phố mình và trên thế gian này. Và tôi sống, mục đích là để đi kiếm và hưởng thụ những vẻ đẹp mà tạo hóa mang lại cho đời sống này, để được sống dâng hiến cho những người thân yêu bên cạnh, để thực hiện những khao khát của mình và để khi chết mình nghĩ rằng mình đã nỗ lực hết sức để mang lại những điều tốt đẹp cho chính mình, cho gia đình mình và cho những ai có thể.

    Hoàng Thanh Xuân

    Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-nguyen-quang-thieu-van-hoc-nghe-thuat-phai-tro-thanh-vac-xin-dau-tien-de-nhung-dua-tre-lon-len-a541673.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi đi cả thế giới để quay về đi lại từ đầu làng đến cuối làng"

    Có cho mình một "kho tác phẩm" đồ sộ, Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn đa tài. Ông "ôm" trong con người hạn hữu khối lượng công việc vô hạn. Ông là nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nhà hội hoạ, xúc tiến văn hoá và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ở đâu có Nguyễn Quang Thiều, ở đó có niềm say mê đến tột cùng. Đời sống và Pháp luật xin giới thiệu một lát cắt nhỏ - nghiệp văn chương, đời người và những chuyến đi... góp phần làm nên cốt cách Nguyễn Quang Thiều.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi đi cả thế giới để quay về đi lại từ đầu làng đến cuối làng"

    Có cho mình một "kho tác phẩm" đồ sộ, Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn đa tài. Ông "ôm" trong con người hạn hữu khối lượng công việc vô hạn. Ông là nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nhà hội hoạ, xúc tiến văn hoá và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ở đâu có Nguyễn Quang Thiều, ở đó có niềm say mê đến tột cùng. Đời sống và Pháp luật xin giới thiệu một lát cắt nhỏ - nghiệp văn chương, đời người và những chuyến đi... góp phần làm nên cốt cách Nguyễn Quang Thiều.