Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt: “Hạnh phúc là phải phục vụ những người khác”


Thứ 6, 08/06/2018 | 02:50


“Hạnh phúc là phải phục vụ những người khác” – đó là triết lý sống, triết lý kinh doanh của ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intracom.

“Hạnh phúc là phải phục vụ những người khác” – đó là triết lý sống, triết lý kinh doanh của ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom). Và tư tưởng đó, được ông truyền cảm hứng đến từng nhân viên của mình để xây dựng nên một công ty bất động sản có vị thế, uy tín trên thị trường hiện nay.

Miền Trung khắc nghiệt sản sinh ra con người quái kiệt

Ông Nguyễn Thanh Việt (SN 1963) sinh ra ở một làng quê nghèo của vùng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tuổi thơ ông gói gọn trong hai chữ: “Nghèo” và “Khổ”. Bởi, mảnh đất miền Trung quá khắc nghiệt với gió Lào cháy da bỏng thịt, bão lũ và ngập lụt triền miên.

Nhưng với ông Nguyễn Thanh Việt, nếu thiên nhiên không đánh gục được con người thì chẳng có gì làm ta gục ngã được.

“Người dân Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung phải cảm ơn thiên nhiên. Vì thiên nhiên khắc nghiệt như vậy mà con người sống được, tồn tại được đã tạo nên cốt cách con người. Trong sự bất ổn phải tìm được sự yên ổn, trong khó khăn thì làm cho con người phải cố gắng. Nếu ở chỗ mọi thứ đều đầy đủ thì con người không còn nghị lực chiến đấu nữa” – ông Việt nói.

Mảnh đất miền Trung nghèo với thiên nhiên khắc nghiệt đã sản sinh ra những con người kiên cường, rắn rỏi. Sống trong môi trường càng khắc nghiệt mà con người vượt lên được thì chắc chắn sức sống, bản lĩnh sống cũng rất kiên cường.

Nói về sự khắc nghiệt của miền Trung, ông Việt thường so sánh với đất nước Israel, nơi sa mạc khô cằn chiếm 90% diện tích lãnh thổ. Thế nhưng, Israel đã khiến cả thể giới phải ồ lên thán phục nền nông nghiệp “thần kỳ” của nước này.

Hiện nay, Israel là một nhà xuất khẩu lớn của thế giới về nông sản và đứng hàng đầu về công nghệ trong nông nghiệp. Tính đến năm 2014, nông nghiệp chiếm 2,5% tổng GDP và 3,6% giá trị xuất khẩu, Israel tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm.

Nhìn vào đất nước Israel, ông Việt tự hỏi: “Giữa sa mạc hoa vẫn nở sao quê mình nghèo như thế mình không làm cho hoa nở được?”

Người miền Trung cũng có thiên nhiên khắc nghiệt nhưng so với Israel thì chẳng đáng để kể, vì sao ta không hơn họ?

Đó là điều thôi thúc ông Việt xuyên suốt quá trình học tập và xây dựng sự nghiệp của cuộc đời. Nó như một sự thách thức, một lời nhắc với bản thân ông về ý chí phải vươn lên chiến thắng thiên nhiên và số phận.

Miền Trung khắc nghiệt nhưng luôn sản sinh ra những quái kiệt.

Kẻ ngạo mạn với chất “điên” của người thành công

Tốt nghiệp đại học ra trường, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Việt khi ấy tự đặt ra cho mình những mục tiêu: 3 năm phải làm giám đốc xí nghiệp, 6 năm phải làm giám đốc công ty, 10 năm phải làm tổng giám đốc, 15 năm về làm Bộ trưởng, 20 năm sau làm Phó Thủ tướng hay Thủ tướng Chính phủ (cười)!

Ông nhớ lại, ngày mới ra trường về công tác tại công ty Sông Đà, ông nói thẳng mặt với chỉ huy công trường: “Nếu không giao em làm chỉ huy trưởng em sẽ bỏ việc luôn, chứ em không làm nhân viên”. Cuối cùng chỉ huy phải bố trí công việc.

Ông chia sẻ: “Tôi từng nói với người thân rằng: Nếu cuộc đời tôi giống với người khác tôi sẽ tự kết liễu cuộc sống của mình. Vì muốn thành công mình phải khác người.”

Ai cũng chỉ có một lần để sống, chàng thanh niên khi ấy không muốn bản thân mình giống như bao nhiêu người khác, chỉ là bản nháp của cuộc đời.

Cho đến giờ phút này khi nhìn lại, ông cũng không phủ nhận thời trai trẻ mình ngạo mạn.

Ông bộc bạch: “Ngày mới đi làm anh phải xung đột với người khác để thể hiện chính mình, vì ngày đó anh chưa biết đến đạo Phật, muốn thể hiện cái tôi của mình. Sau này, khi giác ngộ đạo Phật, anh hiểu rằng bản ngã mình quá lớn nên phải thay đổi lại.”

Song với ông, có một quan niệm cho đến giờ vẫn không thay đổi, đó là: “Người thành công thường có chất điên.”

Chàng kỹ sư thủy lợi và bước ngoặt cuộc đời

Tốt nghiệp cấp 3, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Việt cũng như bao bạn bè cùng trang lứa đứng trước sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Sau nhiều lựa chọn, trường Đại học Thủy Lợi là nơi Việt bắt đầu quãng đời sinh viên của mình.

Năm 1985, ông tốt nghiệp đại học, sau đó công tác tại công ty Sông Đà 16 năm, kinh qua các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, đến giám đốc công ty…

Năm 2001, một người bạn thuyết phục ông về Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico).

Năm 2002, ông tách ra thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom). Đến năm 2006, công ty tiến hành cổ phần hóa. Đây là bước ngoặt trong chặng đường phát triển sự nghiệp của ông cũng như công ty.

Người ta nói thương trường là chiến trường, nhưng ông cho rằng: “Thương trường là nơi dành cho những người có suy nghĩ khác biệt. Đừng đi con đường của người khác đi. Hạn chế xung đột, tìm lối đi riêng. Cái người ta coi là đồ bỏ mình hãy nhặt lấy mà làm, cái người ta coi là vàng thì cứ để họ làm.”

Và ông tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Mục tiêu cuối cùng của cuộc đời mình là gì?

“Đó là, hạnh phúc là phải phục vụ những người khác.”

Việc đặt được ra câu hỏi đó còn quý hơn vàng” – ông Việt tâm đắc.

Cơ duyên với đạo Phật

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, gia đình có truyền thống làm cách mạng, ông lại lớn lên trong thời bao cấp, xã hội chủ nghĩa nên giá trị sống, nhân sinh quan đều khác với bây giờ.

Ông nhận xét: “Lúc đó, người ta sống, làm việc chỉ để cống hiến. Nhưng từ năm 1990, cơ chế thị trường làm thay đổi những giá trị sống xưa cũ, quan hệ con người thay đổi.”

Là người nghiên cứu rất nhiều quan niệm Khổng giáo, Đạo giáo, Lão giáo… nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ cơ chế thị trường, những giá trị tưởng chừng như vĩnh hằng đều thay đổi. Ông nghĩ: Vậy có gì không thay đổi?

Giai đoạn những năm 90, ông hay gặp một người bạn là Nhà văn. Anh em hay trao đổi về các vấn đề triết học, tôn giáo văn học… ông được bạn tặng một cuốn cuốn kinh tựa là Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

“Tính tôi ham đọc sách, cứ có cuốn nào là phải đọc bằng hết nhưng khi đọc cuốn Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đọc mà không hiểu gì cả. Mỗi năm lại lôi ra đọc lại, nhưng vẫn không hiểu. Đọc 6 năm liền vẫn không hiểu, mà cái mình không hiểu thì càng muốn đọc. Sau này tôi nghiên cứu được biết, đây là cuốn kinh khó nhất trong Phật giáo” – ông kể.

Sau đó, ông gặp Hòa Thượng Thích Thanh Từ (Thiền phái Trúc lâm Yên Tử), được nghe thầy giảng thì mới giác ngộ được những triết lý, chân lý trong cuốn kinh. Phật dạy con người ta sống với chính bản thân mình. Ông giác ngộ, đây chính là con đường mình sẽ theo tu tập. Từ đó, ông theo đạo Phật.

Ông tự nhận xét rằng, từ khi giác ngộ con người mình thay đổi 180 độ, đạo Phật dạy người ta khi làm việc tốt đừng nhìn thấy mình đang làm việc tốt, đừng nhìn cái mình đang cho người khác phải nhìn thấy cái lớn hơn giá trị bản thân mình thấy được và nhẹ nhàng cho đi bằng cái tâm chính thiện. Đó là con đường để ta hòa quyện tâm mình với tâm Phật.

“Khi ta hiểu được như thế là ta làm kinh doanh nhưng không phải làm kinh doanh mà lại đang làm kinh doanh” – ông nói.

Từ việc bản thân giác ngộ những giáo lý đạo Phật để sống và làm việc hạnh phúc, ông đã thành lập đạo tràng Cửu Hoa Sơn với mong muốn: “Khi có gì hay ho thì việc đầu tiên mình muốn là chia sẻ cho người thân, mà người thân gần nhất là nhân viên. Bởi tôi muốn mọi người hiểu được tinh thần cũng như triết lý của lãnh đạo và công ty từ đó trong mỗi công việc sản phẩm Intracom tạo ra đều gửi tâm vào trong đó. Tâm ở đây là tâm Phật trong bản thân mỗi người và cả tập thể Intracom.”

Gắn tâm vào từng sản phẩm

Ông Việt xây dựng và phát triển kinh doanh gắn liền với Phật giáo. Phật giáo đánh giá cao việc cống hiến cho cộng đồng đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó cũng là mục tiêu mà ông cũng như tập thể Intracom luôn hướng đến.

Ông chia sẻ: Tôi theo Thiền phái. Khi anh rót nước anh phải biết anh đang rót nước, khi uống nước phải biết mình đang uống nước…. tóm lại, khi làm bất cứ việc gì chúng ta phải gửi tâm mình vào trong đó. Thế nên, sản phẩm của Intracom cũng với tinh thần như vậy, tất cả phải gửi tâm vào trong đó, đó là cả tình yêu, niềm tin của Intracom tạo ra sản phẩm, từng ngôi nhà và đưa đến cho khách hàng, cho mọi người.

Intracom không nặng sự thành bại hơn thua, mà coi trọng việc cán bộ công nhân viên của mình có gửi tâm vào công việc hay không?

Anh không gửi tâm mình vào đó thì làm sao sản phẩm tốt được.

Khi anh vui vẻ, gửi cả tâm tình vào công việc sản phẩm thì đang sống với Phật tổ, đang đắc đạo. Mỗi người đều là một vị Phật, bản thân sống với Phật trong tâm của mình là đang ở cõi Phật.

Tôi gửi thông điệp đến cán bộ là làm ở đâu thì tâm ở đó. Sản phẩm của công ty không hướng đến những sản phẩm 5 sao, hạng sang mà tập trung phục vụ số đông người dân Việt Nam, phù hợp với thu nhập người dân với tiêu chí công ty cũng như mong muốn của bản thân là làm sao hướng đến cộng đồng nhiều nhất, phục vụ được nhiều người.

Với tinh thần chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Các công ty lớn, tập đoàn lớn của Đức, Nhật vẫn có khiếm khuyết và liên tục họ sữa chữa thay đổi.

Cùng với tinh thần đó Intracom luôn ý thức việc hoàn thiện sản phẩm, để hạn chế thấp nhất lỗi có thể xảy ra. Nếu có lỗi thì lập tức sửa ngay không chờ đến khách hàng phải yêu cầu.

Chúng tôi không bao giờ từ bỏ khách hàng và tin rằng khách hàng cũng không bao giờ từ bỏ chúng tôi.

Ở Intracom luôn có một tinh thần và là kim chỉ nam cho cán bộ công nhân viên rằng: “Chúng tôi rất hạnh phúc với công việc được phục vụ mọi người và luôn luôn mong các bạn hạnh phúc”.

Đức Thuận

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-intracom-nguyen-thanh-viet-hanh-phuc-la-phai-phuc-vu-nhung-nguoi-khac-a232236.html