+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch nước: “Chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Tôi khẳng định rằng, chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai. Chúng ta vốn bị người ta xâm chiếm chứ ta không đánh ai cả", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

    (ĐSPL) - "Tôi khẳng định rằng, chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai. Chúng ta vốn bị người ta xâm chiếm chứ ta không đánh ai cả. Muốn có hòa bình để xây dựng đất nước nhưng chúng ta không lệ thuộc nước khác, mà phải bình đẳng, độc lập, tự chủ".
    Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn TP.HCM sáng qua (26/6).
    Cuộc tiếp xúc được tổ chức với mục đích để Đoàn đại biểu Quốc hội TP báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 và những hoạt động của đoàn tại kỳ họp, đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các vị ủy viên UBMTTQ VN TP, các tổ chức thành viên của MTTQ VN TP và MTTQ VN các quận - huyện.
    Nóng vấn đề Biển Đông
    Tuy nhiên, vấn đề được cử tri quan tâm nhất vẫn là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển của Việt Nam và biện pháp của chúng ta để bảo vệ chủ quyền biển đảo.Tại buổi làm việc, nhiều cử tri đã đưa ra những ý kiến và câu hỏi rất thẳng thắn xoáy sâu vào vấn đề này.
    Chủ tịch nước: “Chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai”
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các cử tri là nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn TP HCM.
    Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP nêu lên một thực tế là cần đánh giá lại hiện trạng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay: "Trung Quốc có còn là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt nữa không?"
    Hiện nay, Trung Quốc dùng nhiều chiêu bài trên lĩnh vực kinh tế như đưa ra "miếng mồi" 20 tỷ USD ODA và 100 tỷ USD tín dụng đồng thời khẳng định không ràng buộc về chính trị. Ông Lâm cho rằng, cần làm rõ bản chất vấn đề bởi nền kinh tế của nước ta hiện nay chịu sự tác động tương đối lớn từ phía bạn hàng Trung Quốc.
    "Chúng ta phải tìm cách để khắc phục sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tất nhiên thoát ra thì có đau đớn nhưng thà tổn thất, đau đớn một thời gian còn hơn chúng ta bị lệ thuộc mãi", ông Lâm nói thêm.
    Cử tri Huỳnh Tấn Mẫm góp ý, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tạo nên “sự đã rồi” mà chúng ta chỉ dừng lại ở việc phản đối thì sẽ rất khó bảo vệ chủ quyền. Hưởng ứng ý kiến này, cử tri Đặng Văn Khoa cùng những cử tri khác mong muốn được bày tỏ thái độ, chính kiến của người dân phản đối trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc trên biển Đông.
    Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm
    Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Tôi muốn nói điều này để khẳng định rằng VN không lệ thuộc bất cứ ai cả”. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, vì sự phát triển, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Từ đường lối này chúng ta quan hệ hầu khắp các nước trên thế giới.
    “Có thể nói trong lãnh đạo điều hành cũng có thể có những sai sót nhất định nhưng đường lối xuyên suốt là không lệ thuộc ai hết. Nhờ như thế, đất nước mới thay da đổi thịt như ngày hôm nay. Chúng ta chỉ có vấn đề hướng tới tương lai là làm sâu sắc hơn đường lối này”.
    Về những giải pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải giữ gìn. Tất nhiên, phải hết sức kiên trì và hết sức tránh đừng để bị ai khiêu khích”.
    “Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
    Chủ tịch nước kêu gọi, vào lúc này, mỗi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước phải hết sức đoàn kết, thống nhất để tăng cường sức mạnh nội lực nhằm vượt qua được những khó khăn, thách thức; các cơ quan chức năng tuyệt đối không được gây khó đối với việc làm ăn của doanh nghiệp, đời sống của người dân, mà phải hết sức chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để có được sự đồng lòng, nhất trí cao, giữ vững lòng dân, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-nuoc-chung-ta-khong-le-thuoc-bat-cu-ai-a38461.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan