+Aa-
    Zalo

    Chữa bệnh từ xa: Còn nhiều việc phải làm

    • DSPL
    ĐS&PL Sự thành lập của Telehealth - điểm cầu tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là một bước phát triển lớn của ngành Y tế Việt Nam.

    Sự thành lập của Telehealth - điểm cầu tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là một bước phát triển lớn của ngành Y tế Việt Nam. Mô hình này mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho các bệnh nhân mà còn cho đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới. Dù vậy, Telehealth vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa tìm được cách tháo gỡ.

    Chữa bệnh từ xa là một bước phát triển lớn của ngành Y tế Việt Nam.

    Ở rất xa cũng được bác sĩ tuyến đầu khám bệnh

    Việc phát triển điểm cầu khám chữa bệnh từ xa giúp các bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ có thể dễ dàng hơn trong quá trình trao đổi, tiếp nhận và chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn với nhau. Quan trọng hơn cả là giúp người dân thuận tiện trong vấn đề di chuyển, tin tưởng hơn vào chuyên môn của các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới.

    Trả lời PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng I, TP.Hồ Chí Minh) - cho biết, việc hình thành các điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là một bước tiến lớn trong việc tập trung trí tuệ và kỹ thuật cao, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Không chỉ thế, Telehealth đi vào hoạt động còn là cuộc “cách mạng niềm tin” đối với các bệnh nhân, làm bệnh nhân tin rằng dù họ ở xa vẫn có thể được khám, chữa bệnh bởi đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến đầu.

    “Tuy nhiên tôi thấy nhiều người vẫn còn lầm tưởng về các điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa sẽ thay thế việc khám chữa bệnh trực tiếp. Việc hội chẩn từ xa chỉ mang tính chất tư vấn, không giống như việc tiếp nhận thăm khám từ các bác sĩ”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Cụ thể, với những bệnh nhân được hội chẩn, các bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp, phương hướng điều trị bệnh cho bệnh nhân. Đồng thời, đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới sẽ là người tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đó để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
    Mặc dù vậy, ở mô hình này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đầu tiên phải kể đến việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin ở tuyến trên và tuyến dưới. Đối với các bệnh viện tuyến trên, đường truyền mạng khá ổn và không gặp vấn đề gì nhưng các bệnh viện tuyến dưới, việc đảm bảo đường truyền tốt để không gặp vấn đề trong trong quá trình hội chẩn các trường hợp bệnh là điều vẫn còn phải nghiên cứu thêm.

    Chặng đường dài

    Theo PGS.TS Trần Minh Điền - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, có 4 mức độ để phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ xa như: Sử dụng video call qua điện thoại trong những trường hợp khẩn cấp cần hội chẩn gấp. Tiếp đến là sử dụng những phần mềm họp trực tuyến như Zoom để kết nối các bệnh viện với nhau ở quy mô lớn hơn.

    Cùng với đó là hình thức đầu tư từ tuyến dưới để các bệnh viện có phần mềm quản lý bệnh nhân, từ đó đẩy những hình ảnh lên các tuyến trên để hội chẩn. Cuối cùng là trang bị cho các bệnh viện tuyến chính những thiết bị hỗ trợ quá trình truyền tải những thông tin về bệnh nhân, tình trạng sức khỏe về các bệnh viện tuyến Trung ương để các bệnh viện tuyến Trung ương có thể ghi nhận, xem xét kỹ tình trạng của người bệnh.

    Vấn đề đặt ra tiếp theo của công tác khám chữa bệnh từ xa là việc bảo hiểm y tế hỗ trợ những khoản phí này cho các bệnh nhân ra sao. Câu hỏi này vẫn chưa thật sự có hướng giải quyết cụ thể dù ngoài bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm tư nhân vẫn có thể hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa.

    Đặc biệt, bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác cùng công ty bảo hiểm Bảo Việt để hỗ trợ thanh toán viện phí cho bệnh nhân với mức giá là 1,6 triệu đồng/người. Tuy nhiên, mô hình khám, chữa bệnh từ xa vẫn còn khá mới trong cộng đồng nên nhiều người bệnh vẫn mang theo tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” và phải đến tận nơi thì mới yên tâm bệnh của mình được chữa.

    Để có thể phát triển phù hợp với mô hình chương trình chuyển đổi số quốc gia còn là cả một chặng đường dài theo từng giai đoạn. Telehealth với những bước tiến của mình được kỳ vọng sẽ mở ra những điểm tối ưu trong quá trình khám, chữa bệnh và trở thành điểm sáng giúp ngành Y Việt Nam phát triển toàn diện hơn.

    Lê Trà

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (39)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-benh-tu-xa-con-nhieu-viec-phai-lam-a341119.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan