+Aa-
    Zalo

    Chưa nộp hồ sơ đã có giấy báo trúng tuyển: Nghi án mua bán dữ liệu thí sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ 1/8, các trường ĐH, CĐ mới được nhận hồ sơ xét tuyển ĐH và đến ngày 29/8 có kết quả xét tuyển đợt 1. Nhưng giữa, cuối tháng 7, nhiều TS đã nhận giấy báo trúng tuyển.

    (ĐSPL) - Từ ngày 1/8/2016, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mới được nhận hồ sơ xét tuyển đại học và đến ngày 29/8/2016 có kết quả xét tuyển đợt 1. Thế nhưng, ngay từ giữa và cuối tháng 7/2016, nhiều thí sinh trên các tỉnh, thành đã nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH, CĐ của một số trường (?!).

    Từ vấn đề này, nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại trước tình trạng thông tin, dữ liệu của thí sinh bị lộ ra ngoài gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và hoang mang cho các thí sinh.

    Chưa xét tuyển đã đậu

    Có không ít thí sinh vừa tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 phản ánh đến báo ĐS&PL về tình trạng nhiều trường ĐH, CĐ gửi giấy báo trúng tuyển về nhà cho thí sinh. Tuy nhiên, bản thân thí sinh đó chưa hề đăng ký, hay có mối quan hệ nào với trường. “Tụi em chỉ mới biết điểm, thậm chí đang tìm chọn trường để nộp vào (từ ngày 1/8 - 12/8 nhận hồ sơ), vậy mà nhiều trường không biết lấy thông tin ở đâu lại gửi giấy báo trúng tuyển ĐH về cho chúng em. Thậm chí, vào thời điểm em chuẩn bị thi THPT cũng đã có trường đại học gửi giấy báo trúng tuyển về cho em rồi”, thí sinh M.H. chia sẻ.

    Cũng theo thông tin M.H. chia sẻ, rất nhiều trường ĐH gửi giấy báo cho H. như trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), trường ĐH Đông Á, trường CĐ Lê Quý Đôn,... với các chuyên ngành y, dược, điều dưỡng. Giấy báo gửi ghi ngày 20/7/2016. Tuy nhiên, theo quy định của bộ GD&ĐT, từ ngày 1/8/2016, các trường mới được nhận hồ sơ xét tuyển đại học và đến ngày 29/8/2016 có kết quả xét tuyển đợt 1. Như vậy, giấy báo trúng tuyển đã có trước thời điểm xét tuyển 10 ngày, so với thời gian xét tuyển theo quy định.

    Để thu hút người học, nhiều trường không chỉ gửi giấy báo về mà còn gọi điện thoại đến từng gia đình, phụ huynh, thí sinh để tư vấn trường, nghề. Anh Nguyễn Hải Phong (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Tôi cũng có con tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Sau khi thi về, nó ở nhà chờ kết quả để tham gia xét tuyển tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bản thân con tôi và gia đình đều muốn nó theo ngành sư phạm, nên không đăng ký xét tuyển ở đâu hết. Vậy mà, khoảng từ cuối tháng 7/2016, con tôi nhận được rất nhiều giấy báo trúng tuyển của một số trường ĐH, CĐ. Thậm chí, họ còn gọi điện thoại tư vấn rồi giục nhanh chóng nhập học”.

    Giấy báo nhập học của trường ĐH Nguyễn Tất Thành bị bạn đọc phản ánh.

    Từ những vấn đề mà phụ huynh cũng như thí sinh phản ánh, PV báo ĐS&PL đã tiến hành tìm hiểu và được biết, sở dĩ học sinh không nộp hồ sơ xét tuyển mà vẫn có giấy báo trúng tuyển là bởi xảy ra tình trạng mua bán thông tin dữ liệu của các thí sinh. Theo đó, chị N.N.T. (làm việc tại trung tâm Đào tạo của một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM) tiết lộ: “Tôi làm ở văn phòng đào tạo nên tôi biết, sở dĩ có tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển mà không hề gửi hồ sơ xét tuyển là bởi có một số người chuyên “cò mồi” bán dữ liệu thí sinh cho các trường ĐH, CĐ”.

    “Vào kỳ tuyển sinh, rất nhiều số điện thoại lạ gọi vào đường dây nóng của các trường rồi nói đang nắm giữ thông tin cá nhân của thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM. Nếu trường nào muốn tiếp thị với thí sinh để tuyển sinh thì có thể mua dữ liệu với giá từ 5 đến 8 triệu đồng/tỉnh, thành. Thực tế, tình trạng này xảy ra từ lâu là bởi các trường ĐH, CĐ tư thục rất ít học sinh theo học. Vì thế, các trường này phải quảng cáo, tiếp thị để thu hút học sinh. Đây là thực trạng rất phổ biến ở nhiều trường ĐH, CĐ tư thục và một số trường trung cấp chuyên nghiệp”, chị T. chia sẻ.

    Thí sinh trúng tuyển NV1 đăng ký nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

    Thí sinh nói “không”, nhà trường nói “có”

    Từ số điện thoại chị T. cung cấp, trong vai người muốn mua thông tin dữ liệu của thí sinh, để tuyển sinh, PV báo ĐS&PL đã gọi điện liên hệ với người phụ nữ tên Tâm, là giáo viên một trường THPT tại Quảng Nam. Khi chúng tôi bày tỏ muốn mua dữ liệu thí sinh để tuyển sinh, chị này tiếp thị ngay: “Chị gọi đúng người rồi đó. Hiện, chúng em đang nắm dữ liệu của rất nhiều trường trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam,... Chúng em bán 5 triệu đồng/tỉnh, nếu mua 2 tỉnh thì giá xuống còn 8 triệu đồng. Nếu đồng ý mua sẽ chuyển dữ liệu trước, sau đó chị mới chuyển khoản sau. Chúng em có cộng tác viên từ rất nhiều trường THPT ở nhiều tỉnh, thành nên thông tin hoàn toàn đáng tin cậy, chị cứ yên tâm”.

    PV đã liên hệ với đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành (một trong những trường bị thí sinh phản ánh về việc chưa nộp hồ sơ đã có giấy báo trúng tuyển - PV) về vấn đề mua bán dữ liệu thí sinh để gửi giấy báo trúng tuyển. Theo đó, ông Nguyễn Bá Anh (Phó trưởng phòng Tổng hợp – tuyển sinh, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Đúng là nhà trường có gửi, nhưng chỉ gửi cho những thí sinh đã từng nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường của năm trước đó, tức là từ năm 2015 trở về trước. Còn với trường hợp thí sinh không nộp hồ sơ mà trường vẫn gửi giấy báo trúng tuyển là hoàn toàn không có”.

    “Trước đây, nhà trường tuyển sinh theo việc dựa vào kết quả thi ĐH,CĐ thì năm nay, nhà trường đã gửi công văn lên bộ GD&ĐT để xin quy chế tuyển sinh mới là dựa vào xét tuyển học bạ THPT của thí sinh. Đây là hình thức tuyển sinh riêng của nhà trường, nhằm tạo điều kiện cho nhiều học sinh có thể bước vào cánh cửa đại học. Từ khi được bộ GD&ĐT duyệt công văn xét tuyển đại học bằng học bạ, chúng tôi xem xét lại hồ sơ của những em học sinh từng nộp hồ sơ vào trường mà không đậu. Vì thế, năm nay, chúng tôi mở rộng thông báo nhập học cho những hồ sơ lưu trữ tại trường, đủ điểm học bạ và đủ điều kiện xét tuyển theo đúng phương án đã được bộ GD&ĐT phê duyệt”, ông Bá Anh cho biết thêm.

    Liên hệ với cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, vị này cũng cho biết, các cụm thi không có đầy đủ thông tin cá nhân của thí sinh như số điện thoại, địa chỉ nhà, email, mà chỉ có tên, ngày sinh, số báo danh... Vì thế, vấn đề mua bán dữ liệu chỉ có thể liên quan đến những người trực tiếp nhập dữ liệu của thí sinh hoặc truy cập được vào dữ liệu, trước khi phần mềm của bộ GD&ĐT khóa lại. Thông tin đầy đủ của tất cả các cụm thì chỉ duy nhất cục Khảo thí của bộ GD&ĐT nắm toàn bộ thông tin chứ phía trường đại học không có thông tin thí sinh.

    Xử lý nghiêm trường hợp mua bán dữ liệu thí sinh

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện bộ GD&ĐT tại TP.HCM xác nhận thông tin: “Vừa rồi, bộ GD&ĐT cơ quan đại diện phía Nam có nhận được nhiều phản ánh của thí sinh và phụ huynh về việc một số trường ĐH, CĐ (trong đó có trường ĐH Nguyễn Tất Thành) gửi giấy báo trúng tuyển mà thí sinh chưa nộp hồ sơ xét tuyển. Trước sự việc này, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã gửi công văn lên bộ GD&ĐT phía Nam để giải trình. Theo đó, nhà trường đã cho biết các trường hợp chưa nộp hồ sơ xét tuyển 2016 mà đã có giấy báo trúng tuyển là những trường hợp thí sinh của những năm trước đã gửi hồ sơ (tính từ năm 2015 trở về trước). Mọi trường hợp gửi giấy báo đều đạt theo quy chế tuyển sinh bằng hồ sơ học bạ của bộ GD&ĐT. Còn việc một số trường muốn tăng học sinh tham gia theo học mà gửi giấy báo trúng tuyển khi chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT là hoàn toàn sai trái. Trong trường hợp trường nào tự ý mua bán thông tin dữ liệu của thí sinh rồi gửi giấy báo trúng tuyển về, bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.

    DƯƠNG HẠNH

    [mecloud]HFaQXJacMO[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-nop-ho-so-da-co-giay-bao-trung-tuyen-nghi-an-mua-ban-du-lieu-thi-sinh-a143347.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan