+Aa-
    Zalo

    Chuẩn bị mâm cúng gia tiên mùng 1 Tết như thế nào để mang lại nhiều may mắn?

    ĐS&PL Theo phong tục, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng gia tiên vào sáng mùng 1 Tết nhằm bày tỏ lòng thành với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm mới bình an, may mắn.

    Theo phong tục của người Việt từ bao đời nay, cứ vào sáng mùng 1 Tết, các gia đình lại chuẩn bị mâm cúng đầy đủ các món để dâng lên tổ tiên. Người ta gọi bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, tức cúng sáng sớm của một ngày đầu năm.

    Vậy mâm cúng gia tiên ngày mùng 1 Tết cần chuẩn bị những gì để vừa đầy đủ, vừa mang đến nhiều may mắn cho gia đình?

    Thông thường, lễ vật dâng cúng thần linh và gia tiên ngày mùng 1 Tết gồm hương, hoa tươi, nước sạch, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, đèn dầu, nến, bánh kẹo và các món mặn thường có trong dịp Tết như bánh chưng (bánh tét), xôi, gà…

    Mâm cơm truyền thống đầu năm mới của người Việt thường có 4 bát và 4 đĩa. Trong đó, 4 bát gồm 1 bát chân giò lợn nấu măng, 1 bát miến, 1 bát mọc nấm, 1 bát bóng thả; 4 đĩa gồm 1 đĩa thịt gà (thịt lợn), 1 đĩa giò (chả), 1 đĩa nem thính (có thể thay bằng đĩa xào) và 1 đĩa dưa muối. Ngoài ra còn có một đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm, tổng cộng là tròn 10 món.

    Mâm cỗ lớn sẽ có 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Ngày nay, việc làm cơm cúng ngày mùng 1 Tết không còn quá cầu kỳ, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các món ăn khác nhau. Bên cạnh đó, tùy từng gia đình, mâm cỗ cúng ngày đầu năm có thể được làm theo cỗ mặn hoặc cỗ chay.

    chuan bi mam cung gia tien mung 1 tet nhu the nao de mang lai nhieu may man
    Mâm cơm truyền thống đầu năm mới của người Việt thường có 4 bát và 4 đĩa, ngoài ra còn có một đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm. Ảnh minh họa

    Khi cúng, chủ nhà cần ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn. Trong lúc khấn, phải nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện...

    Sau đó, tùy theo vị trí lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái. Việc cúng kính tùy thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình.

    Lưu ý, với các bữa còn lại trong 3 ngày Tết, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cúng như sáng ngày mùng 1, hoặc tùy điều kiện gia đình để chuẩn bị. Mâm cúng các ngày này không bắt buộc phải đầy đủ như mùng 1, thường chỉ cần cúng bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo.

    Ngoài ra, trên bàn thờ, ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy.

    Mâm cúng ngày mùng 1 Tết ở miền Bắc

    Mâm cơm đầu năm của người miền Bắc thường được chuẩn bị rất công phu và kỹ càng. Do có quan niệm đầu năm kiêng sát sinh nên đa số mọi người chuẩn bị các món từ ngày hôm trước.

    Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng mùng 1 Tết thường gồm các món: 1 bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt được thái mỏng theo hình hoa), 1 bát miến nấu lòng gà, 1 bát măng khô ninh thịt lợn, đĩa gà luộc, đĩa nem, đĩa giò xào/ giò lụa, đĩa xôi gấc, đĩa nộm, bánh chưng, dưa hành.

    Mâm cúng ngày mùng 1 Tết ở miền Trung

    Ở miền Trung, việc chuẩn bị mâm cơm cúng ngày mùng 1, 2, 3 Tết cũng được các gia đìn chuẩn bị kỹ lưỡng. Mâm cũng thường có các món như nem lụi, bò nướng, gà quay, lợn quay, thịt nạc rim và bánh chứng.

    Ngoài ra, mâm cơm cúng ngày đầu năm không thể thiếu một số món đặc trưng của miền Trung gồm món cuốn, bánh tráng, rau cuốn sống, măng trộn, thịt gà trộn rau răm…

    Mâm cúng ngày mùng 1 Tết ở miền Nam

    Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết ở miền Nam sẽ đơn giản hơn miền Bắc và miền Trung. Hầu như các món ăn nhiều hay ít, đơn giản hay cầu kỳ phụ thuộc vào tài chính của gia đình.

    Thông thường, mâm cỗ cúng mùng 1 Tết của người miền Nam gồm chả giò chiên, lạp xưởng tươi, gà luộc xé phay, kiệu… và một món không thể thiếu là bánh tét.

    Trình tự cúng 3 ngày Tết

    Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.

    Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện.

    Ngày mùng 3 là ngày cuối của Tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa ngày tết đã đầy đủ.

    * Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuan-bi-mam-cung-gia-tien-mung-1-tet-nhu-the-nao-de-mang-lai-nhieu-may-man-a563072.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan