+Aa-
    Zalo

    Chùm ảnh: Trường học giữa lòng thủ đô sụt lún, nứt nẻ xuống cấp nghiêm trọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 1.900 thấy trò trường THPT Trương Định (Hoàng Mai - Hà Nội), đang lo ngại mỗi khi đến trường, ngôi trường nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

    Hơn 1.900 thấy trò trường THPT Trương Định (Hoàng Mai - Hà Nội), đang lo ngại mỗi khi đến trường, ngôi trường nay đã xuống cấp nghiêm trọng, những vết nứt lớn, tường vữa bong tróc thành từng mảng.

    Được xây dựng từ những năm 1975-1976, trải qua hơn 40 năm hoạt động, trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đang đứng trước hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng của cơ sở vật chất.

    Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại trường THPT Trương Định, khu vực hành lang nhiều chỗ tường bị rạn nứt, vôi vữa tróc lở, lộ nhiều mảng lớn như những cảnh thường thấy trong các bộ phim kinh dị.

    Hành lang nứt vỡ bong tróc nặng nề.

    Tại tầng 2, nhà B, nhiều khu vực ẩm mốc, rêu mốc bao kín.

    Lan can bị vỡ, nhà trường phải dùng dây thép gai gia cố, đảm bảo an toàn cho giáo viên học sinh trong trường.

    Thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng trường THPT Trương Định cho biết: "Cơ sở vật chất trong trường thực tế đã xuống cấp từ rất nhiều năm, nhưng mấy năm trở lại đây thì xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lớp học tại khu nhà B của trường bị nghiêng, ảnh hưởng hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, trường nằm trong vùng trũng của Thủ đô, vào những đợt mưa lớn, thường xuyên xảy ra ngập úng, nước tràn cả vào trong lớp học, do vậy cơ sở vật chất cũng bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn, gây thêm khó khăn cho công tác dạy và học".

    "Hiện tại, trường có tổng số 43 lớp học với gần 1.900 học sinh, các phòng học cũng không đảm bảo đáp ứng hết cho công tác dạy và học, mỗi lần xảy ra ngập úng, học sinh lại phải di chuyển đến lớp học dự phòng trên các tầng cao", thầy Dương chia sẻ thêm.

    Nền lớp học gạch hoa xen lẫn, xi măng chắp vá cùng vụn phấn.

    Hành lang nối từ nhà hiệu bộ sang khu giảng đường cũng chung tình trạng xuống cấp, có vết rạn nứt lớn nhà trường phải đóng cọc sắt chống đỡ nhằm tránh tình trạng đổ tường.

    Bên cạnh đó, tại những nơi xuống cấp nghiêm trọng, nhà trường cũng đưa ra cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn đối với học sinh và giáo viên.

    Nhiều vết vứt dài trên tường, có những chỗ đút vừa cả bàn tay người lớn.

    Khu vực cầu thang.

    Nhà B trường THPT sụt lún, mắt thường có thể dễ dàng nhận ra đã nghiêng về phía sau.

    Cô Hà Thị Thu Hường, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Trương Định cũng cho biết: "Tôi về giảng dạy tại trường từ năm 2004, thời điểm đó, trường cũng đã xuống cấp, có lần mảng vữa từ trên trần rớt xuống nhưng may mắn là cô trò đều an toàn. Từ đó, nhà trường cũng chủ động để có sự khoanh vùng nguy hiểm, đặt biển cảnh báo để góp phần giữ an toàn cho học sinh và giáo viên. Trường học như ngôi nhà thứ hai của học sinh, hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng như thế này cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều rất lo lắng, chúng tôi chỉ mong có thể sửa sang là đã vui rồi".

    Những "vết thương" lộ rõ trong khuôn viên trường.

    Học sinh trong lớp lo lắng khi những mảng vữa trên đầu có thể rơi xuống bất cứ khi nào.

    Đào Khánh Vy, học sinh lớp 10 trường THPT Trương Định chia sẻ: "Em thấy cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp và có tình trạng lở vôi vữa. Để bảo đảm an toàn, thầy cô cũng cảnh báo học sinh tránh xa khu vực nguy hiểm. Từ khi những khu xuống cấp bị trở thành "cấm địa", chúng em gặp khá nhiều bất tiện khi phải đi vòng để xuống căng tin, mất thêm khá nhiều thời gian".

    Trước tình trạng trường xuống cấp, trong năm 2017, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng đề án báo cáo lên sở GD&ĐT và ban dự án của TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở, ban dự án cũng đã thống nhất kiến trúc và làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai để lên phương án sửa sang, nâng cấp và xây dựng trường. Theo kế hoạch, trường sẽ được nâng cấp và xây dựng từ cuối năm 2019 đến năm 2020, để đảm bảo phục vụ môi trường học đường tốt nhất. Để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, nhà trường cũng đã chủ động một số phương án phòng chống thương tích như đặt biển cảnh báo nguy hiểm, có kế hoạch ngăn ngừa tai nạn thương tích.

    Phạm Tùng - Cẩm Mịch

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chum-anh-truong-hoc-giua-long-thu-do-sut-lun-nut-ne-xuong-cap-nghiem-trong-a275547.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan