+Aa-
    Zalo

    Chung kết Sao Mai 2015: 3 Giải nhất đều không gọi tên thí sinh nam

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Cả 3 Giải Nhất Sao Mai 2015 thuộc 3 dòng nhạc Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ đều là thí sinh nữ.

    (ĐSPL) - Sau 4 tuần diễn ra, Đêm Chung kết Xếp Hạng giải Sao Mai 2015 đã chính thức diễn ra vào tối qua (15/8). 12 thí sinh chia đều cho 3 dòng nhạc Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ đã có 12 phần trình diễn đơn ca, cùng 6 phần trình diễn song ca, mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc đáng nhớ. 

    Kết quả cuối cùng: 3 Giải Nhất Sao Mai thuộc 3 dòng nhạc Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ đều là 3 thí sinh nữ.


    Dòng nhạc Thính Phòng:

    - Giải nhất: Thí sinh Nguyễn Bảo Yến
    - Giải nhì: Thí sinh Trần Thị Bích Ngọc, Thí sinh Nguyễn Tiến Hưng
    - Giải ba: Thí sinh Lê Thị Dung

    Dòng nhạc Dân Gian:

    - Giải nhất: Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng
    - Giải nhì: Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Duyên
    - Giải ba: Thí sinh Trần Hữu Tuấn, Thí sinh Nguyễn Thị Sông Thao

    Dòng Nhạc Nhẹ:

    - Giải nhất: Thí sinh Hoàng Thị Hồng Ngọc
    - Giải nhì: Thí sinh Hoàng Thị Thuỷ
    - Giải ba: Thí sinh Lê Văn Đạt, Thí sinh Nguyễn Đức Tiến

    Cùng báo Đời sống và Pháp luật xem lại diễn viến đêm chung kết Sao Mai 2015:

    Dòng nhạc Thính Phòng

    Tiết mục đơn ca


    Thí sinh Lê Thị Dung hát ca khúc “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Dù là thí sinh thi đầu tiên, nhưng Lê Thị Dung đã bình tĩnh, bản lĩnh, hát tròn vẹn một ca khúc khó như “Cô gái vót chông”. Dung cũng thể hiện nội lực và làn hơi mạnh mẽ của mình, ở những đoạn dừng trong ca khúc, Dung đều nhận được những tràng vỗ tay lớn cổ vũ của khán giả.


    Cô gái sinh năm 1992, Trần Thị Bích Ngọc thể hiện ca khúc “Khúc hát nàng Solveig”. Trần Thị Bích Ngọc có thể được coi là một trong những thí sinh có phong độ ổn định nhất từ vòng ngoài cho đến giờ. Trong toàn bộ phần trình diễn của mình, phần lên tông của Trần Thị Bích Ngọc được đánh giá cao, tinh tế, mượt mà và chắc chắn.


    Thí sinh Nguyễn Bảo Yến đến từ Nga, trình diễn ca khúc “Chim hoạ mi”. Nhận được nhiều lời khen ngợi chuyên môn từ đêm Chung kết Dòng nhạc Thính Phòng, Nguyễn Bảo Yến tiếp tục phát huy sở trường, với kĩ thuật chắc chắn, và tư duy xử lý âm nhạc bài bản, văn minh của cô trong đêm thi này. Cô cũng hoàn thiện hơn bản thân mình khi hát nồng nàn, cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả, dù “Chim hoạ mi” không phải ca khúc dễ nghe.


    Thí sinh Nguyễn Tiến Hưng thể hiện ca khúc “Chào sông Mã anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao. Tiến Hưng có hơi thở tốt đều đặn, được phân phối hợp lý, cách hát của Hưng hùng tráng, hào sáng, nhưng bên cạnh đó, những đoạn cần tinh tế, Hưng cũng đã hoàn thiện hơn. Yếu điểm của Tiến Hưng ở vòng trước là những đoạn trung, trầm chưa ổn, đã được Hưng thể hiện sự bứt phá trong tuần này.

    Tiết mục song ca


    2 thí sinh Lê Thị Dung và Trần Thị Bích Ngọc thể hiện ca khúc “Ô mê ly” của nhạc sĩ Văn Phụng. Đây là một ca khúc quen thuộc, nhận được sự yêu mến của khán giả. Chính sự tươi mới, hài hoà từ 2 giọng hát đã mang đến những tràng vỗ tay lớn từ phía khán giả. Nếu như Lê Thị Dung cho thấy được khả năng làm chủ tổng thể ca khúc, phần trình diễn, Trần Thị Bích Ngọc lại thể hiện kỹ thuật tinh tế, sự nhạy cảm trong những phần hoà giọng, khiến cho ca khúc trở nên ngọt ngào, da diết.


    2 thí sinh Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Bảo Yến song ca ca khúc thính phòng kinh điển “Time to say goodbye”. Đây là ca khúc được lựa chọn như để “đo ni đóng giày” cho chất giọng hào sảng, lên cao vang, sáng, nhưng vẫn ấm áp của Nguyễn Tiến Hưng. Còn về phần Bảo Yến, cô chứng minh rằng mình có được sự cân bằng đáng quý ở cả ca khúc đơn ca và song ca. Điều đó cho thấy Bảo Yến có sự chuyên nghiệp cũng như tập trung cho cả 2 phần biểu diễn trong đêm thi Chung kết.

    Dòng nhạc Dân Gian

    Tiết mục đơn ca


    Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong khu vực Dân Gian, và cũng là thí sinh đầu tiên “lên đài”. Ưu điểm lớn nhất của Hằng, đó là tuy nhỏ tuổi, nhưng cô lại có một bản lĩnh sân khấu đáng nể. Dù hát 1 ca khúc nhiều trường đoạn khó như “Vọng Quốc” của nhạc sĩ Huỳnh Tú, nhưng Thu Hằng xử lý chắc chắn và phân chia đoạn một cách có tính toán, thể hiện rõ sự được tập luyện cẩn thận, chau chuốt. Tuổi trẻ cũng là ưu điểm của Thu Hằng, khi cô gái 20 tuổi được ví như “hot girl” của dòng nhạc Dân Gian đã thổi một làn gió mới vào ca khúc nói về tình yêu dân tộc, yêu Tổ quốc. Sự kết hợp khéo léo giữa những đoạn đọc trên nền trống và lối hát hào hùng, đầy lửa đã khiến cho một phần trình diễn dài của Thu Hằng hoàn toàn thuyết phục được khán giả theo dõi.


    Thí sinh Nguyễn Thị Sông Thao hát ca khúc “Tình làng quê” của nhạc sĩ An Thuyên. Sông Thao thể hiện giọng hát bài bản, có chất dân gian và lối xử lý dân gian quen thuộc. Việc lựa chọn ca khúc đủ sức nặng như “Tình là quê” và chinh phục nó cho thấy lối xử lý đa dạng, biến hoá của Sông Thao. Cô có lối nhả chữ tự nhiên, phù hợp, cũng như hát say sưa, nhưng dung dị, khiến cho khán giả có thể cảm thận trọn vẹn ca khúc như “Tình làng quê”.


    Thí sinh Trần Hữu Tuấn đến từ Thanh Hoá thể hiện ca khúc “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Đây là ca khúc luôn luôn có mặt trong các cuộc thi có sự xuất hiện của dòng nhạc Dân Gian, và cũng là một trong những ca khúc lấy được tình cảm của khán giả khi những giai điệu đầu tiên vang lên. Trần Hữu Tuấn cũng là ca sĩ có lối hát giản dị, gần gũi, cảm xúc, và dễ được khán giả yêu mến.


    Ca khúc “Tự khúc” của nhạc sĩ Tuấn Phương thể hiện qua chất giọng ngọt ngào và luôn được đánh giá cao về mặt chuyên môn của Nguyễn Thị Hồng Duyên. Cô gái 23 tuổi này cho thấy một đường đi thênh thang, đầy khởi sắc từ thời điểm quyết định thi Sao Mai 2015. Trong kỳ Sao Mai trước, Hồng Duyên đã là một thí sinh triển vọng, nhưng năm 2015 này, giọng hát của cô đạt đến độ chín. Dù các tuần thi có khoảng cách rất ngắn, nhưng Hồng Duyên vẫn luôn cho thấy sự bất ngờ với cách xử lý, hình ảnh của mình trong mỗi lần xuất hiện. Điều đó cho thấy Hồng Duyên đã rất tập trung và chăm chỉ cho phần trình diễn của mình.

    Tiết mục song ca


    2 thí sinh Trần Hữu Tuấn và Nguyễn Thị Thu Hằng song ca ca khúc “Gặp nhau giữa rừng mơ” của nhạc sĩ Bảo Chung. Ca khúc mang màu sắc hoang sơ và lãng mạn của khu vực miền núi phía Bắc. Có thể nói, lối xử lý nhẹ nhàng, giản dị, dễ cảm nhận là sở trường của 2 thí sinh Trần Hữu Tuấn và Nguyễn Thị Thu Hằng. Đặc biệt, Nguyễn Thị Thu Hằng cho thấy sự nổi bật ở những đoạn cao trào với giọng hát sáng ở những nốt cao, và cách đóng nốt tinh tế.


    “Bèo dạt mây trôi” là làn điệu Dân ca đồng bằng Bắc Bộ mà mỗi người Việt Nam đều có thể hát theo một cách dễ dàng. Ngay từ khi những giai điệu của bản nhạc này vang lên, qua giọng hát ngọt ngào của 2 thí sinh Nguyễn Thị Sông Thao và Nguyễn Thị Hồng Duyên, rất nhiều khán giả tại Thanh Hoá xem chương trình tại khán phòng đã lẩm nhẩm hát theo cặp đôi, khiến cho không khí của sân khấu đêm Chung kết xếp hạng Giải Sao Mai 2015 trở nên thoải mái, đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Sông Thao hát tình cảm, ngọt ngào, còn Hồng Duyên vẫn là giọng hát chắc chắn và có lối xử lý tinh tế.

    Dòng Nhạc Nhẹ

    Tiết mục đơn ca


    Ca sĩ Hoàng Thị Thuỷ thể hiện ca khúc “Trả lại cho em” của nhạc sĩ Dương Cầm. Cô muốn gửi gắm chút tâm tình của mình tới cho những đồng bào đang bị lũ lụt. Hoàng Thị Thuỷ vẫn cho thấy nội lực mạnh mẽ và những quãng trầm đẹp của mình. Từ đầu đến cuối phần biểu diễn, Thuỷ phân đoạn và làm màu sắc ca khúc trở nên đa dạng hơn, làm cho 1 ca khúc nhạc Pop không bị lê thê, nhàm chán.


    Thí sinh trở về từ Séc Nguyễn Đức Tiến thể hiện ca khúc “Một mình” của nhạc sĩ Trần Tiến. Ở vòng trước, ca khúc “Về nghe gió kể” của nhạc sĩ Hoàng Anh Minh qua giọng hát Nguyễn Đức Tiến cho thấy anh là ca sĩ có màu giọng rõ ràng, lối hát kể chuyện tự sự điềm đạm, đó là một bản lĩnh hiếm thấy đối với ca sĩ không được đào tạo bài bản tại môi trường thanh nhạc trong nước.


    Cũng trở về từ Séc và gây bất ngờ khi lọt vào đêm Chung kết xếp hạng là thí sinh Lê Văn Đạt. Ở đêm thi quan trọng này, có lẽ Đạt là thí sinh cho thấy sự thoải mái, không bị căng cứng nhất. Anh thể hiện ca khúc “That’s ok” của Hoàng Tôn nhẹ nhàng, và rất chịu khó di chuyển trên sân khấu. Bản thân những bước nhảy trên sân khấu của Lê Văn Đạt đã tạo được sự hấp dẫn đối với khán giả. Giọng hát không được đánh giá cao về mặt chuyên môn, nhưng chắc chắn Lê Văn Đạt là thí sinh phù hợp với thị trường giải trí nhạc nhẹ.


    Thí sinh cuối cùng Hoàng Thị Hồng Ngọc biểu diễn ca khúc “Đã hơn một lần” của tác giả Tăng Nhật Tuệ, Hải Yến. Màu sắc những ca khúc hơi hướng Pop, Rock, hoặc Pop tự sự, sâu lắng, chính là thế mạnh của Hoàng Thị Hồng Ngọc. Về mặt kĩ thuật, bài bản, Hoàng Thị Hồng Ngọc được đánh giá cao, giữ được phong độ ổn định. Trong phần biểu diễn sau cùng này, Hoàng Thị Hồng Ngọc hoàn toàn thuyết phục được cả khán giả lẫn ban giám khảo.

    Tiết mục song ca


    Hoàng Thị Thuỷ và Nguyễn Đức Tiến trình diễn ca khúc “Biển và ánh trăng” của nhạc sĩ Dương Cầm. Điều thành công nhất của cặp đôi, đó là phiên bản “Biển và ánh trăng” của cặp đôi đã thoát ra khỏi những phiên bản chuyên nghiệp trước đó, có màu sắc riêng, và những tràng vỗ tay của khán giả khi ca khúc kết thúc, chính là sự khẳng định rằng, bản song ca này đã có được niềm yêu mến riêng trong lòng khán giả.


    Hoàng Thị Hồng Ngọc và Lê Văn Đạt thể hiện “Chuyện tình” của nhạc sĩ Anh Quân. Sự tươi trẻ, nhiệt huyết của Lê Văn Đạt kết hợp cùng một Hoàng Thị Hồng Ngọc chắc chắn đã tạo nên một bản song ca ngọt ngào. Đây cũng là một bản tình ca đẹp để khép lại 18 ca khúc trong đêm Chung kết xếp hạng Giải Sao Mai 2015.

    Tiểu Quỳnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-ket-sao-mai-2015-3-giai-nhat-deu-khong-goi-ten-thi-sinh-nam-a106480.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.