+Aa-
    Zalo

    “Chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ khóc..."

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ khóc trong ngày chia tay. Vậy mà chỉ cần chạm vào mắt nhau thôi là nước mắt cứ thế tuôn ra không thể dừng lại được”.

    “Chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ khóc trong ngày chia tay. Vậy mà chỉ cần chạm vào mắt nhau thôi là nước mắt cứ thế tuôn ra không thể dừng lại được”.

    Có lẽ, quãng thời gian này chính là thời điểm khó khăn nhất đối với những cô cậu học sinh lớp 12 vì vừa phải lo lắng, vùi đầu vào ôn thi đến quên ăn quên ngủ, vừa phải rời xa bạn bè, trường lớp khi mà tình cảm trong lòng đã quá đong đầy.

    Chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được những buổi trưa nắng gắt đạp xe đến nhễ nhại mồ hôi để đến trường, cùng nhau chạy khắp các lớp chỉ để mượn được một đôi giày bata, ngày lễ 8/3 góp nhau từng đồng tiền lẻ để mua hoa tặng các bạn nữ trong lớp hay rủ nhau trốn tiết học ra sân vận động nướng khoai.... Đó chính là những mảnh ghép của một tuổi thanh xuân đầy ngô nghê và trong trẻo. Để sau này nghĩ lại, chúng ta có thể tự hào vì từng có một thời học trò đẹp đến như vậy.

    Hãy cùng đọc những dòng tâm sự của những cô, cậu học trò để cùng nhau nhớ về một thời áo trắng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”: 

    “Cậu là lớp trưởng, học giỏi, xinh xắn, được thầy cô quý mến nhưng lại bị cả lớp cô lập vì đơn giản cậu ghi lại từng lỗi nhỏ nhất của mọi người vào trong sổ và báo cáo lại với thầy cô. Nhưng đến một ngày, tôi bất chợt nghe thấy cậu đứng xin cho một bạn trong lớp để bạn đó được qua môn mà không phải học lại, tôi đã hiểu bạn đang quan tâm đến mọi người như thế nào. Cuối cấp rồi, thả lỏng ra đi nhé. Để chúng ta cùng lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng bên nhau”.

    “Cấp 3 là cả một bầu trời thanh xuân để nhớ. Ở đó chỉ có tình bạn đẹp đẽ và cao cả, không  bon chen, không lừa dối, không phải cố tỏ ra bản thân mình là người mạnh mẽ. Bởi tôi biết, lúc nào cũng có mọi người ở bên tôi”.

    “Nhớ mấy ngày cuối cùng ở trường, thầy cô cho lớp tự quản, ai theo khối thi nào thì lôi sách vở môn đó ra học. Thế nhưng, chỉ được 1-2 tiết đầu nghiêm túc. Còn lại, đứa thì ngồi chơi cờ ca-rô, đứa thì rình rập lúc thầy không để ý chạy ù xuống căng tin mua hướng dương lên làm điểm tâm...Nghĩ lại quãng thời gian đó chỉ ước là nó có thể chậm lại một chút”.

    “Hôm nay lớp mình viết lưu bút. Ban đầu cũng nghĩ ra đủ chuyện để ghi vào sổ, từ việc cúp học, được điểm cao, tỏ tình với crush trong lớp,...coi như sau này có cái để còn khoe với con cháu. Vậy mà đến lúc nhìn cuốn lưu bút trên mặt bàn thì nước mắt cứ thế chảy dài, tay run run, đầu óc trống rỗng”.

    “Nói về thời cấp 3 thì có lẽ mình sẽ nhớ nhất là những buổi học Thể dục và Quốc phòng vì có mỗi cái mũ cối và đôi giày bata nhưng chẳng bao giờ nhớ mang theo. Vậy là cứ mỗi lần chuẩn bị đến tiết học là lại chạy đôn chạy đáo từ tầng 1 lên tầng 5, từ lớp A1 đến A12...để có thể mượn được đôi giày cho không bị ghi vào sổ đầu bài”.

    “Tôi học khối C còn đứa ngồi bên cạnh học khối D. Thế là chúng tôi giúp đỡ nhau trong học tập ghê gớm lắm. Chẳng hạn, nó sẽ cho tôi chép Toán, Tiếng Anh bù lại tôi sẽ bảo nó Sử và Địa trong những giờ kiểm tra. Đoàn kết như ruột thịt là thế, vậy mà thỉnh thoảng lại ngồi cãi nhau về mấy tác phẩm Văn học xem đứa nào phân tích hay hơn, đứa nào hiểu đúng nghĩa hơn. Kể ra bây giờ mà được ngồi cãi nhau tiếp cũng vui phết đấy”.

    “Có trường nào không được phép sử dụng điện thoại mà học sinh vẫn lén dùng như tụi tôi không? Đáng sợ hơn là, cứ vài ba tháng nhà trường lại bất chợt đến kiểm tra. Những hôm ấy giống như bị công an tra khảo vậy, có khi không mang điện thoại trong người mà vẫn thấy hồi hộp, tim rớt ra ngoài. Đặc biệt hơn phải kể đến mấy chiêu giấu điện thoại mới là cao thủ. Vừa nghe thấy tiếng giám thị ở lớp bên là đồng loạt đứa thì giấu ở trên rèm cửa, đứa thì nhét vào ống quần, con gái thì có vài chỗ hiểm không tiện nói...Nhưng khổ nhất là mấy thằng cố dúi cho cố vào chân bàn rồi không thể lấy ra được”.

    “Nghe tin năm nay có câu thí nghiệm trong đề thi các môn tự nhiên mà thấy chột dạ. 3 năm cấp 3 và nhất là lớp 12 lớp tôi đều bị liệt vào danh sách “cấm” của thầy phụ trách cai quản phòng thực hành. Chả lả chúng tôi cũng có nghịch mấy đâu, vào giờ Hóa thì  bỏ natri vào thau nước cho nó nổ chơi nè, rồi lấy H20 đổ vô H2SO4, có lần đốt lưu huỳnh với kali, cacbon cho nó xịt khói mù hết phòng thí nghệm...Qua những lần đó là thầy không nghiêm cấm lớp tôi không được bén bảng vào làm thí nghiệm nữa. Bây giờ biết làm sao để làm bài thi đây”.

    Ảnh: Zing.vn

    “Chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ khóc trong ngày chia tay. Vậy mà chỉ cần chạm vào mắt nhau thôi là nước mắt cứ thế tuôn ra không thể dừng lại được. Hóa ra ngoài tương phùng còn có cả tiếc nuối, chia ly và ngàn điều hối tiếc vì mình đã bỏ lỡ”.

    Nguyễn Phượng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-toi-cu-nghi-rang-se-chang-bao-gio-khoc-a230739.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan