+Aa-
    Zalo

    Chuyện cảm động về những con tàu cứu hộ ngư dân

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trên đại dương, những con tàu cứu hộ được ví như "thần hộ mệnh" của ngư dân. Nhưng gần đây, lực lượng cứu hộ luôn gặp phải sự cản phá của tàu Trung Quốc.

    (ĐSPL) - Vào lúc 10h30 ngày 1/6, khi tàu cứu hộ SAR 412 (thuộc trung tâm Phối hợp tìm kiếm hàng hải khu vực 2 - Danang MRCC) đang trên đường đưa ngư dân Phạm Thanh Ngọc vào đất liền cấp cứu, tàu hải quân Trung Quốc mang số hiệu 841 bất ngờ xuất hiện, nhắm thẳng hướng tàu SAR 412 lao tới với tốc độ đến 20 hải lý/giờ. Liên tục diễn ra gần đây, những hành động cản phá kiểu này  vẫn không ngăn cản được ý chí của những "thần hộ mệnh" giữa biển khơi.

    Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn mô tả lại trên hải đồ hành động đe dọa của tàu hải quân Trung Quốc


    Bất chấp nguy hiểm để cứu ngư dân

    Ai cũng hiểu rằng, ở nơi cách đất liền hàng ngàn cây số, chỉ cần một cơn đau bất thường nếu không cấp cứu, cũng có thể cướp đi mạng sống của ngư dân. Vì thế, lâu nay những con tàu cứu hộ luôn được ví là “thần hộ mệnh” của ngư dân trên biển. Thế nhưng điều đáng quan ngại, là  trong thời gian gần đây lực lượng cứu hộ gặp phải sự cản trở, đe dọa từ tàu hải quân Trung Quốc trong lúc đang cứu người trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

    Cụ thể, lúc 18h ngày 29/5, ngư dân Phạm Thanh Ngọc cùng tàu QNa 90927 đang hành nghề câu mực tại tọa độ 15,05 độ vĩ bắc, 115,12 kinh đông phía Đông Nam Hoàng Sa thì bị choáng, khó thở. Đến 14h20 ngày 31/5, bệnh tình của ông Ngọc diễn biến xấu, nguy hiểm đến tính mạng, nên phát tín hiệu cấp cứu.

    Nhận được tin báo, trung tâm Danang MRCC lập tức điều động tàu SAR 412 do thuyền trưởng Phan Xuân Sơn đưa đội ngũ y, bác sỹ ra biển ứng cứu. Rạng sáng ngày 1/6, tàu SAR 412 tiếp cận được tàu QNa 90927. Các bác sỹ lập tức sơ cứu cho ông Ngọc (lúc này đang khó thở, choáng và rất nguy kịch) thở oxy và chuyển sang tàu SAR 412 để đưa vào bờ cấp cứu.

    Tuy nhiên, trước khi tàu cứu hộ, cứu nạn SAR 412 tiếp cận được tàu của ngư dân Ngọc, thì có một sự cố xảy ra. Theo đó, tàu SAR “chạm mặt” với một tàu Trung Quốc chưa rõ số hiệu. Đặc biệt, chiếc tàu trên còn ngang nhiên phát tín hiệu đe dọa tàu cứu hộ ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

    “Khoảng 0h30 ngày 1/6, tàu SAR 412 đang trên đường đi cứu ngư dân Phạm Thanh Ngọc, khi cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 8 hải lý thì xuất hiện tàu Trung Quốc không rõ số hiệu ở khoảng cách 100m và gọi qua máy thông tin liên lạc, yêu cầu tàu SAR 412 chuyển hướng. Tàu SAR 412 trả lời qua bộ đàm rằng, đây là tàu cứu nạn Việt Nam, kiên quyết không đổi hướng và yêu cầu không được cản trở. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục lặp lại nội dung trên và theo sau tàu SAR 412 khoảng 30 phút”, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho biết.

    Tiếp cận, đưa ngư dân Phạm Thanh Ngọc vào bờ cấp cứu


    Mặc dù gặp trở ngại, cùng sự đe dọa trắng trợn đến từ phía tàu Trung Quốc, nhưng với phương châm “tính mạng ngư dân là trên hết”, anh em thuyền viên tàu SAR412 cùng đội ngũ y, bác sỹ đã hạ quyết tâm cao nhất, cùng nhau đạp sóng tới địa điểm ngư dân đang gặp nạn.  Đồng thời, lãnh đạo trung tâm Danang MRCC, cũng như lãnh đạo tàu SAR luôn quán triệt tinh thần đề phòng, cảnh giác, chủ động ứng phó trước mọi trường hợp. Và điều lực lượng cứu nạn lo lắng rốt cuộc đã trở thành hiện thực.

    Đến 10h30 cùng ngày, khi tàu SAR 412 đang trên đường đưa ngư dân Ngọc vào bờ cấp cứu, thì xuất hiện tàu hải quân Trung Quốc mang số hiệu 841. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho biết: “Chiếc tàu trên xuất hiện từ phía xa, tăng tốc đột ngột từ khoảng 4-5 hải lý/giờ lên 19-20 hải lý/giờ với hướng lao thẳng vào phía hông tàu SAR 412 với ý đe dọa.

    Khi đến khoảng cách 80-100m, tàu hải quân Trung Quốc giảm tốc độ và chuyển hướng chạy song song với tàu SAR 412. Cứ thế, tàu này theo sát chúng tôi khoảng 7-8 hải lý, thỉnh thoảng lại tăng tốc lao về hướng tàu SAR 412, đến khi chúng tôi cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 15 hải lý mới thôi”.

    “Đây là hành động mang tính đe dọa, bất chấp nguyên tắc hàng hải quốc tế. Khi gặp nhau trên biển, các tàu phải trao đổi, qua hệ thống thông tin liên lạc để tránh, chứ không được lao thẳng vào tàu khác như vậy”, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nêu rõ quan điểm. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tàu SAR 412 bị các tàu Trung Quốc đe dọa, cản trở khi cứu ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển. Tháng 2/2015, tại khu vực bãi đá ngầm Chim Én thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu SAR 412 cũng bị các tàu hải quân, hải cảnh, máy bay quân sự Trung Quốc bao vây, đe dọa khi cứu 6 ngư dân Bình Định bị đắm tàu tại đây.

    Xem thêm video: Tàu Trung Quốc cố tình đâm va tàu Việt Nam

    [mecloud]NHmzdLrVJF[/mecloud]

    Quả cảm giữa muôn trùng khơi

    Đến ngày 2/6, ngư dân Ngọc đã tỉnh táo nhưng tiếp tục phải theo dõi. Bác sỹ điều trị cho ngư dân Ngọc cho biết, khi chuyển vào bờ, ông Ngọc bị giãn cơ tim, tức ngực, khó thở, trương phình bụng, phù chân... nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ mất mạng. Nhờ được tàu SAR 412 đưa vào bờ nhanh chóng, kịp thời; bác sỹ trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cấp cứu tại chỗ, nên ông Ngọc bảo toàn được tính mạng.

    Song song với công tác cứu nạn ngư dân Phạm Thanh Ngọc, ngày 2/6, tàu SAR 274, chiếc tàu còn lại của trung tâm Danang MRCC, cũng nhận được lệnh ra biển ứng cứu một bệnh nhân nước ngoài bị bệnh tim cách Đà Nẵng khoảng 200 hải lý. Trước đó, lúc 23h ngày 1/6, tàu Hanjin California (quốc tịch Liberia) đang hành trình từ Trung Quốc đi Singapore, đến tọa độ 16019N - 111001E (cách Đà Nẵng khoảng 160 hải lý), thì thuyền viên tên Chatterjee Tuhindra Nath (58 tuổi, quốc tịch Ấn Độ) lên cơn đau tim.

    Thủy thủ đoàn đã phát tín hiệu cấp cứu về đất liền. Ngay sau khi nhận tín hiệu cấp cứu, trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Danang MRCC điều động tàu SAR 274 rời cảng Đà Nẵng đi cứu nạn ngay trong đêm.

    Chạy hết tốc lực suốt đêm, đến sáng sớm 2/6, tàu SAR đã tiếp cận được với tàu Hanjin California. Đến 11h cùng ngày, tàu SAR 274 đã đưa bệnh nhân Chatterjee Tuhindra Nath về đến cầu cảng Danang MRCC và lập tức được chuyển vào bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là số ít trong những chiến công thầm lặng của lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển.

    Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC cho biết, chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, là chỉ đạo trực tiếp và điều hành các lực lượng thuộc ngành hàng hải tại khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của Vietnam MRCC.

     Không chỉ trực tiếp cứu sống hơn 300 người kể từ năm 2009 đến nay, các tàu của đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tàu thường xuyên hoạt động trên biển hỗ trợ cho gần 1.000 người khác gặp sự cố về tàu thuyền hoặc sức khỏe trên biển. Ngoài việc trợ giúp bà con ngư dân miền Trung, hai tàu SAR 274 và SAR 412 còn ứng cứu hàng chục thuyền viên người nước ngoài, trong đó có cả tàu Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.                        

    Song kiếm hợp bích

    Tàu SAR 274 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa chỉ huy, nếu mở hết tốc lực thì vận tốc đạt 19 hải lý/giờ còn SAR412 (do ông Phan Xuân Sơn làm thuyền trưởng) là 26 hải lý/giờ. Cả hai vị thuyền trường đều có kinh nghiệm đi biển trên 30 năm, trong khi đó anh em thuyền viên phục vụ trên tàu là những “hảo thủ” nhiều năm bám biển. Trong những tình huống mà tính nguy hiểm và phức tạp cao, cần có sự phối hợp giữa cứu nạn, cứu hộ thì bộ đôi “song kiếm hợp bích” sẽ cùng nhau lên đường phối hợp tác chiến.

    NGUYỄN HƯNG


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cam-dong-ve-nhung-con-tau-cuu-ho-ngu-dan-a97368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.