+Aa-
    Zalo

    Chuyện cảm động về quán cơm 2.000 đồng và tâm sự của những mảnh đời khốn khó

    • DSPL
    ĐS&PL Chỉ với 2.000 để được ăn một bữa cơm khá đầy đủ ngay giữa lòng TP.Vinh. PV ĐS&PL đã có mặt ở đây để ghi nhận thực tế và lắng nghe những lời tâm sự...

    Chỉ với 2.000 để được ăn một bữa cơm khá đầy đủ ngay giữa lòng TP.Vinh. PV ĐS&PL đã có mặt ở đây để ghi nhận thực tế và lắng nghe những lời tâm sự...

    Không gian quán vô cùng sạch sẽ.

    Nơi tiếp sức cho những hoàn cảnh đáng thương

    Buổi trưa đầu mùa đông nên trời vẫn bị mây mù che phủ, từng cơn gió thổi cắt da cắt thịt khiến cho ai cũng ngại bước chân ra khỏi nhà. Thế nhưng, tại quán cơm từ thiện mang tên Yên Vui, số 75 đường Phùng Khắc Khoan, phường Hưng Dũng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn có rất đông người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào ăn.

    Chị Võ Thị Tâm (43 tuổi), trú xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là bệnh nhân đang chữa ung thư tuyến vú tại bệnh viện Ung Bướu Nghệ An. Các đợt điều trị bằng thuốc khiến người chị gầy guộc được che bởi chiếc áo bệnh nhân to phủ kín. Mệt như vậy, nhưng chị vẫn đứng xếp hàng như bao người khác.

    “Quán cơm này mới mở giữa tháng 11/2020 thôi. Từ khi quán cơm được mở tôi thường xuyên đến 3 lần/tuần để ăn, bởi vì giá rất rẻ chỉ 2.000 nhưng cơm và thức ăn rất ngon”, chị cười hiền hậu nói.

    Quán có bán 2 loại cơm gồm: Cơm chay và cơm mặn. Thực đơn cơm rất đa dạng và được thay đổi theo từng bữa ăn. Khi khách đến quán sẽ trả tiền và nhận những tấm thẻ. Trong đó, phân biệt thẻ màu đậm và màu nhạt là giữa cơm chay và cơm mặn để nhà bếp nấu mang ra. Sau đó, khách hàng mang thẻ nhận cơm. Với suất cơm chay, mọi người chỉ phải trả 1.000 đồng/1 suất và 2.000 đồng/1 suất cơm mặn.

    “Khách tới ăn chủ yếu người nghèo, người lao động thu nhập thấp và người bệnh nghèo của các bệnh viện trên địa bàn. Mọi người ở đây dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khổ như nhau, 1.000 hay 2.000 đều vô cùng quý. Đây là lần đầu tiên tôi thấy quán cơm như vậy ở TP.Vinh”, chị Tâm nói.

    Dẫn 2 người con vào ăn cơm, chị Vi Thị Tý, trú huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cúi đầu cảm ơn rồi nhận lấy phần của gia đình, tới ngồi một góc bàn cẩn thận dỗ dành các con ăn hết để không bị lãng phí. Nhà của chị cách đây hơn 200km, nhưng vì căn bệnh di truyền khiến cả 2 người con của chị đều bị tan máu bẩm sinh, phải nhập viện điều trị tại trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An.

    “Tôi thì chăm 2 đứa nhỏ, còn chồng thì đang gắng sức làm thuê nhưng cũng chẳng đủ chi tiêu. Xuống bệnh viện, gặp việc gì cũng cần tiền cả, vì thế bình thường 3 mẹ con chỉ dám ăn 2 suất cơm giá 20.000 đồng/suất. May mà quán cơm này được mở, mẹ con mới dám ăn thêm”, người mẹ khốn khổ nói.

    Rất đông người xếp hàng vào ăn cơm.

    Nếu không có tiền vẫn sẽ mời ăn

    Chị Phạm Thị Thủy, quản lý quán cơm Yên Vui cho biết, tại các tỉnh thành khác đã có nhiều quán cơm từ thiện nhưng ở Nghệ An thì đây là quán đầu tiên. Quán mở cửa một tuần 3 bữa, phục vụ cơm trưa các ngày Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu. Những ngày đầu mở bán, quán chỉ bán 100 suất cơm. Tuy nhiên lượng khách hàng rất đông nên cơm hết rất sớm. Do vẫn có nhiều người đến và có nhu cầu ăn nên quán phục vụ thêm mỳ tôm cho khách hàng. Những bát mỳ tôm được bán với giá 1.000 đồng nên nhiều người vẫn tiếp tục đến để ăn thay cơm.

    “Mức giá 2.000 đồng chỉ mang tính tượng trưng để mọi người không cảm thấy áy náy khi vào ăn. Họ là người bệnh, là lao động thu nhập thấp nhưng vào quán thì họ vẫn là khách hàng. Đưa ra số tiền đấy để họ thấy mình cũng là một khách hàng, cũng bỏ tiền ra mua và đáng được trân trọng. Thế nhưng, nếu ai không có tiền chúng tôi vẫn sẽ mời họ vào ăn bình thường”, chị Thủy nói.

    Chi phí vận hành quán khoảng 50 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên, phần lớn chi phí thực phẩm, nấu nướng, mặt bằng... đều được các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tài trợ. Tất cả tấm lòng thơm thảo bằng tiền hoặc hiện vật gửi tặng quán đều được ghi chép lại cẩn thận.

    Đặc biệt, đa số những người phục vụ ở đây từ đầu bếp, nhân viên bưng bê, hướng dẫn, bán phiếu đều là tình nguyện viên, làm việc không lương. Mỗi người có một nghề riêng nhưng cứ đến hôm quán mở cửa lại sắp xếp đến dọn dẹp, chuẩn bị bát đũa, phục vụ các bệnh nhân. Ai nấy đều muốn đóng góp một chút sức nhỏ của mình để phục vụ những hoàn cảnh khó khăn.

    Chị Phạm Thị Thanh Hoa (35 tuổi), quê xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vốn cũng bán đồ ăn sáng ở địa phương. Cuộc sống của chị khá vất vả khi phải nuôi 4 con thơ. Thế nhưng khi biết quán cơm Yên Vui được mở ra để phục vụ người khốn khó, mỗi buổi sáng bán xong thì chị lại sắp xếp đi hơn 15km vào giúp miễn phí.

    “Vào thời điểm cao điểm, không kể quản lý hay nhân viên, không cần phân công, mỗi người đều đảm trách từ bưng bê, tiếp cơm, canh, rửa khay bát để quay vòng phục vụ được nhiều khách hơn. Thực khách sau khi ăn cơm đều tự động đứng dậy thu dọn khay bát, phụ giúp quán rửa dọn”, chị Thủy nói.

    Đại diện quản lý quán cơm vui mừng cho biết, từ khi quán mở ra đã có nhiều nhà hảo tâm đến ủng hộ tiền và các thực phẩm để giúp quán nấu ăn cho các bệnh nhân nghèo. Do mới mở cùng với một số vấn đề khác nên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Vì vậy, sắp tới, quán sẽ tính toán tăng các suất ăn để đảm bảo không người nào phải đói khi đến.

    Nguyễn Anh Ngọc

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (196)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cam-dong-ve-quan-com-2000-dong-va-tam-su-cua-nhung-manh-doi-khon-kho-a349103.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan