+Aa-
    Zalo

    Chuyển chiến lược kinh doanh để bớt phụ thuộc Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đất nước muốn hùng mạnh, không phụ thuộc vào Trung Quốc thì lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân phải được tạo điều kiện nhiều hơn trong hoạt động động đầu tư, sản xuất.

    Đất nước muốn hùng mạnh, không phụ thuộc vào Trung Quốc thì trong bối cảnh hiện nay, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân phải được tạo điều kiện nhiều hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất.

    Nhiều doanh nhân có mặt tại buổi tọa đàm "Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông" do Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân 2030 tổ chức chiều 19/5 tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng đã đến lúc phải thay đổi việc phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, và mong Chính phủ hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh tốt trong thời điểm khó khăn hiện tại.

    Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Hương, tỉnh Bình Dương, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất vải may quần jean cho biết từ lâu ông đã ưu tư trước tình trạng ngành dệt may trong nước nhập khẩu đến 70\% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, 30\% còn lại là chi phí đầu tư máy móc, thuê mặt bằng, trả lương nhân công, nhiên liệu...

    "Nhập siêu 70\% từ Trung Quốc có nghĩa là chúng ta đã thua hiệp 1, là 70\% lợi nhuận đã thuộc về phía Trung Quốc. Sang hiệp 2, chúng ta tiếp tục thua nốc ao ngay trên sân nhà trước những áp lực đang đè trên vai các doanh nghiệp trong nước vì thiếu các sự hỗ trợ về chính sách ưu đãi, vốn vay, lãi suất cao, hạ tầng kém, không phát triển được nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may.

    Ở các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... vốn đầu tư của một xí nghiệp nhỏ và vừa là 10 triệu đô la Mỹ, lãi suất ưu đãi được hưởng từ 0\%-0,8\%/năm, trong khi đó ở Việt Nam vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa đều phải vay với lãi suất cao.

    Nói thật ra nguyên phụ liệu trong ngành dệt may không khó tìm so với các ngành kỹ thuật, công nghệ cao. Tôi được biết khi Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyên cung ứng nguyên phụ liệu trong ngành dệt may", ông Chi nói.

    DN chuyển chiến lược kinh doanh để bớt phụ thuộc Trung Quốc
    Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Hương, tỉnh Bình Dương, phát biểu tại buổi tọa đàm "Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông".

    Hầu hết các doanh nhân tham gia buổi tọa đàm "Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông" đều cho rằng áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều chưa tương xứng, tình trạng hám lợi sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến, phụ thuộc phần lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc.

    Cả bốn vị diễn giả cũng cho rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đất nước muốn hùng mạnh, không phụ thuộc vào Trung Quốc thì trong bối cảnh hiện nay, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân phải được tạo điều kiện nhiều hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất.

    Doanh nhân được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sẽ có động lực để phấn đấu làm ăn, tạo ra nhiều công ăn việc là, củng cố niềm tin vào xã hội, cuộc sống thì đất nước mới hùng mạnh.

    Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần cũng nhắc lại câu chuyện của Mạc Cửu khi đến Hà Tiên (Kiên Giang) để lập trấn, an dân, từng nói rằng: "Bắt tiền đẻ ra tiền, tiền đó làm được những việc tốt hơn nữa. Thứ đến, bắt con người bảo vệ con người, con người có công ăn việc làm đàng hoàng".

    Câu nói trên cũng chính là sự đúc kết lấy dân làm gốc, dựa vào dân thì mới có sức mạnh, để đất nước hùng mạnh và thanh bình, giữ vững chủ quyền trước mọi cuộc xâm lăng thì người dân phải có công ăn việc làm ổn định, người buôn bán kinh doanh phải được tạo môi trường thuận lợi thì đất nước mới giàu nội lực .

    Đề cập trực tiếp đến tình hình biển Đông đang căng thẳng hiện nay, ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty phân phối đồ nội thất D'Furni, đưa ra câu hỏi dành cho bốn vị diễn giả: Những kịch bản nào sẽ xảy ra trong những ngày tới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

    Là một nhà nghiên cứu và giảng dạy sử học, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần cho rằng chủ ý của Trung Quốc hiện nay là dựa theo các sự biến động của tình hình chính trị thế giới diễn ra trong thời gian gần đây để tiến xuống phương Nam nhằm chia rẽ khối ASEAN; trong đó Việt Nam là quốc gia nằm trong tầm ngắm của họ.

    "Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài xé lẻ, đối thoại với từng quốc gia trong khu vực ASEAN để làm suy yếu toàn bộ. Bởi vì mục tiêu của các nước ASEAN đang hướng tới một khối thống nhất vào năm 2015, lúc đó sẽ trở thành thế đối trọng với Trung Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần nói.

    Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thuần phát biểu: Trong lịch sử, Trung Quốc luôn áp dụng chiến sách "Viễn giao, cận công" có nghĩa rằng các nước xa xôi thì tìm cách giao hảo, các nước liền kế thì tìm cách tấn công.

    Trung Quốc luôn tìm cách lấy thắng lợi ở các nước phương Nam để giải quyết các vấn đề phương Bắc. Tuy nhiên trong sử sách đã ghi lại chưa bao giờ họ tấn công nước ta mà giành lấy sự thắng lợi. Quân giặc phương Bắc xâm lấn nước ta càng đông thì càng thảm bại, tấn công ít quân thì thua ít.

    Từ đời nhà Tần đến nay, gần nhất là năm 1979, Trung Quốc không ngừng xua quân sang xâm lấn nước ta mà lần nào cũng thảm bại.

    Sử sách ghi rằng, Trung Quốc có thể tấn công chúng ta bằng cách trực tiếp bằng vũ lực, hoặc kích động các nước lân cận Việt Nam tham gia, thậm  chí là gây mất đoàn kết nội bộ của bộ máy chính quyền nước ta, mua chuộc đồng bào dân tộc thiểu số để quấy rối v.v.

    Nhìn lại lịch sử, Việt Nam là quốc gia được cả thế giới đúc kết trong hai từ "bất khuất" vì không bao giờ nhượng bộ với bất kỳ cuộc xăng lăng nào dù đến từ phương Bắc hoặc phương Tây, các đế quốc hùng mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chien-luoc-kinh-doanh-de-bot-phu-thuoc-trung-quoc-a33568.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan