+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể về ngôi làng học sinh phải đi bộ 20 km từ 4 rưỡi sáng để đến trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với gần 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường nhưng tại 4 cụm dân di cư tự do ở Đăk R'Măng (Đăk Nông), hiện chỉ có khoảng 400 trẻ được đến lớp.

    Với gần 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường nhưng tại 4 cụm dân di cư tự do ở Đăk R'Măng (Đăk Nông), hiện chỉ có khoảng 400 trẻ được đến lớp, số còn lại đều thất học mù chữ.

    Rất nhiều trẻ em ở Đăk R'Măng, Đăk Nông thất học, tương lai mờ mịt, không lối thoát. Ảnh: Dân Việt

    Theo báo Dân Việt, hơn 20 năm trước, có hàng chục hộ dân người Mông cốn là dân di cư tự do, ở rải rác trong rừng được chính quyền địa phương đưa vào thôn Đăk Nang, xã Đăk Song, huyện Đăk Nông (thuộc tỉnh Đăk Lăk cũ, nay là tỉnh Đăk Nông) để ổn định cuộc sống. Nhưng ở đất ấy, sinh kế khó khăn, những hộ dân này tiếp tục di cư sang xã Đăk R'Măng, lén lút lấn rừng, trồng tỉa rồi dần hình thành những cụm dân cư. Ban đầu chỉ vài chục hộ, nhưng giờ ở đây đã có đến 260 hộ với gần 1.700 người sinh sống thành 4 cụm dân cư được đánh số: 8, 9, 10 và 12.

    Mùa mưa, đường vào 4 cụm dân cư này chi chít những vũng sình. Nếu là người "ngoại lai", không có sự chuẩn bị trước, hành trình vào đó là một chuyến đi dài đằng đẵng và vô cùng cơ cực. Ngay cả người dân tại đây, muốn ra ngoài, họ phải đi cùng lúc nhiều người để khi gặp những vũng lầy không thể chạy được xe máy, thì cùng nhau khiêng qua.

    Anh Thào Seo Sùng - một công dân đầu tiên có mặt tại đây, hiện đang sống ở cụm dân cư số 8, cho biết, 20 năm qua, thứ đổi thay nhanh nhất ở đây chính là con người. Mùa mưa, người dân nơi đây phải tự cung tự cấp, cái ăn chủ yếu là bánh ngô và mèn mén. Gần như chẳng ai ra ngoài, mà có ra ngoài cũng chẳng có tiền để mua thứ gì. 6 tháng ròng rã với cái đói bủa vây, nhưng không hiểu sao trẻ em vẫn cứ được sinh ra một cách đều đặn. Với gần 1.700 dân nhưng trẻ em trong độ tuổi đến trường lại có đến gần 1.000 em.

    Chị Thào Thị Sơ (ở cụm dân cư số 9) năm nay chưa đến 30 tuổi, nhưng đã có đến 5 đứa con. Sơ nói với chúng tôi: "Chồng bảo phải sinh thêm 2 đứa nữa và nhất định phải có một đứa con trai". Sơ kể thêm, 5 lần vượt cạn, chị chưa hề nhờ đến cán bộ y tế. Chỉ khi nào đau quá mới nhờ đến chị chồng giúp đỡ.

    Chẳng riêng gì Sơ, ở 4 cụm dân cư này, người có 9 - 10 đứa con không hiếm. Nhà nào ít nhất cũng phải có đến 4 đứa con.

    Đi bộ tới trường từ tờ mờ sáng

    Học sinh tại xã Đắk R’măng muốn đến trường phải đi bộ từ tờ mờ sáng.

    Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, Đăk Nông) tập trung học sinh sau hơn hai tháng nghỉ hè. Năm học này, trường có khoảng 300 trẻ sinh sống tại 4 cụm dân cư của xã Đắk R’măng đến học, trong đó có gần 50 em vào lớp 1. Đa phần trong số đó là những đứa trẻ chưa một lần đi học, chưa được phổ cập giáo dục mầm non.

    Trên con đường độc đạo dẫn từ 4 cụm dân cư ra Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính, những tốp học sinh đã dắt díu nhau ra thuê nhà trọ. Ở 4 cụm dân cư này, chỉ có gia đình nào có điều kiện mới có thể cho con ra gần trường trọ học, còn phần lớn vẫn đi về trong ngày, vượt hàng chục cây số để tìm con chữ.

    Tại cụm dân cư số 9 nơi tập trung nhiều hộ gia đình nhất trong các cụm dân cư, vì không có điện nên người dân ở đây ăn tối sớm, rồi đi ngủ khi gà bắt đầu lên chuồng. Nhà nào cũng có một bóng đèn thắp sáng bằng bình ắc quy, thế nhưng họ để dành cho sáng ngày mai, khi những đứa trẻ chuẩn bị đến trường.

    Dưới ánh sáng điện lờ mờ, anh Giàng Seo Sình (trú cụm 9) lọ mọ chuẩn bị sách vở cho cậu con trai Giàng Min Sỹ, năm nay học lớp 2. Năm học trước, Sỹ cùng anh em trong nhà đi bộ đến trường từ 4h30 sáng, đến tận 19h30 tối mới trở về nhà. “Quá giờ mà chưa thấy chúng nó về thì mình mới mang đèn pin đi tìm”, anh Sình chia sẻ với Dân Trí.

    Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long, Đăk Nông cho biết, tại 4 cụm dân cư này có khoảng 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 600 em độ tuổi Mẫu giáo đến THCS chưa đến trường. Ngoài ra còn có khoảng 100 trẻ thất học, mù chữ.

    “Các em chưa có hộ khẩu, đi học xa nhà, lại không được hưởng bất cứ một trợ cấp nào. Đường xa, những gia đình có điều kiện chở con em đi học, còn lại thì phải để ở nhà”, ông Phương cho hay.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-ngoi-lang-hoc-sinh-phai-di-bo-20-km-tu-4-ruoi-sang-de-den-truong-a289777.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan