+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời khốn khổ của người phụ nữ 10 năm ôm “án oan” mang tên HIV

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Đi điều trị lao phổi, nhưng bị bệnh viện kết luận nhiễm HIV, từ đó tên bà có trong danh sách người nhiễm HIV tại trạm y tế xã.

    (ĐSPL)- Đi điều trị lao phổi, nhưng bị bệnh viện kết luận nhiễm HIV, từ đó tên bà có trong danh sách người nhiễm HIV tại trạm y tế xã. Tin bà bị bệnh lan truyền ra cộng đồng, người chồng đã ruồng bỏ, bố bà vì buồn phiền mà qua đời, anh em ruột xa lánh, dân làng kỳ thị, khinh bỉ. Chục năm qua, bà sống không bằng chết, nhưng vì đứa con còn quá nhỏ nên gắng gượng...

    Bản kết luận định mệnh

    Đó là câu chuyện về bà Đỗ Thị A (SN 1976) ở xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Chục năm qua, bà bị oan ức mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Đó là chừng ấy năm bà sống trong nỗi nhục nhã, bị người đời khinh rẻ, cơ cực, sống không bằng chết.

    Sau 10 năm bị mang tiếng nhiễm HIV, bà Đỗ Thị An đã tìm được hạnh phúc.

    Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, tuổi 30, bà Đỗ Thị A theo vợ chồng chị gái vào Vũng Tàu làm ăn để cải thiện kinh tế. Công việc quá nặng nhọc và vất vả, bà A bị lao phổi và lao lực nên phải nghỉ việc để điều trị bệnh.

    Cuối năm 2006, bà Atrở về quê và điều trị tại bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Hưng Yên. Sau khi điều trị khỏi bệnh lao phổi, bà nhận kết luận của bệnh viện là nhiễm HIV. Quá sốc trước thông tin này, bà nghĩ rằng, mình không thể nhiễm căn bệnh thế kỷ được. Bà lại vào Vũng Tàu tiếp tục công việc. May mắn, bà được người đàn ông tại đây yêu thương và hai người nên duyên vợ chồng. Sinh cho chồng một bé gái đầu lòng kháu khỉnh, khi con được 3 tháng, bà mới đưa chồng con về quê ngoại ra mắt.

    Khi trở về quê, bà A đã quá sốc trước thông tin cả xã đồn bà bị nhiễm HIV. Bà không ngờ hai năm trước thông tin bà bị nhiễm HIV đã lan truyền về tận làng. Chồng của bà đã quá bất ngờ và không tin sự thật đó nên đã đi dò hỏi dân làng, họ hàng.

    Không tin vào những gì vợ giải thích, ngay lập tức, người chồng bắt vợ con quay trở lại Vũng Tàu. Trong những ngày ở Vũng Tàu, bà bị chồng đánh đập, tra khảo thừa sống thiếu chết và đuổi ra khỏi nhà.

    Bà Bùi Thị A chia sẻ: “Lúc đó, tôi mới sinh cháu được 3 tháng, người vẫn còn rất yếu, nhưng không ngày nào không hứng những trận đòn tra khảo từ chồng. Để minh oan cho mình, tôi đã đi xét nghiệm máu, kết quả âm tính, tôi không bị nhiễm HIV, nhưng chồng không tin và cương quyết đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà”.

    Không còn nơi nào để nương thân, bà ôm đứa con nhỏ trở về quê trước sự khinh rẻ của mọi người. Đi đến đâu bà cũng bị mọi người chỉ trỏ và xa lánh vì sợ lây bệnh. Thậm chí nhiều người còn thể hiện sự khinh bỉ ra mặt, chửi bới thậm tệ khi bà đến gần. “Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của tôi cả về tinh thần và vật chất. Chồng đánh đuổi, không cho mẹ con tôi một đồng nào, chị gái thương tình đã cho tiền vé tàu xe về quê.

    Thời gian này, tôi chỉ có thể bấu víu vào bố mẹ. Nhà năm chị em, hai người đi làm ăn xa, chỉ còn anh trai và em gái ở nhà, nhưng ngay cả người thân cũng xa lánh và ghét bỏ mẹ con tôi. Bố mẹ tôi bị làng xóm chê cười, có người còn khuyên, đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà nếu không sẽ bị lây bệnh. Vì suy nghĩ quá nhiều và không chịu nổi búa rìu dư luận, bố tôi đã lâm bệnh nặng, hơn một năm sau thì qua đời”, bà An ngậm ngùi nhớ lại.

    Nhắc đến người cha vì bà mà suy nhược cơ thể, lo lắng và suy nghĩ quá nhiều đã qua đời khiến bà không cầm được nước mắt. Bà A ngậm ngùi nói: “Chưa báo hiếu được bố mẹ ngày nào, đến cuối đời bố mẹ còn mang tiếng xấu, khổ sở vì tôi. Có lẽ, cả đời này tôi không thể nào quên, vì tôi mà bố qua đời. Ngày bố tôi còn sống, ông có lương hưu nên hai mẹ con tôi cũng bớt khổ. Bố mất, mẹ tôi không có lương, cuộc sống của hai mẹ con vô cùng túng quẫn”.

    Ai phải chịu trách nhiệm?

    Bị mang tiếng nhiễm căn bệnh thế kỷ nên chẳng nơi nào nhận bà A vào làm việc, đi đến đâu người ta nhìn hồ sơ rồi từ chối vì sợ lây bệnh cho người khác. Có người ác miệng còn bảo: “Có làm không công cũng không nhận”. Anh chị em ruột xa lánh, hắt hủi, không ai giúp đỡ một đồng, thậm chí người anh ruột của bà mỗi lần đi uống rượu về còn đánh bà thâm tím mặt mày. Hai mẹ con và người mẹ già nương tựa vào nhau rau cháo qua ngày.

    Bà Đỗ Thị An kể về một thập kỷ sống trong tủi nhục.

    Biết hoàn cảnh của bà A, một cơ sở thu gom nhựa tái chế đã nhận bà vào làm việc nhưng với một điều kiện bà phải làm riêng một góc, không ăn uống sinh hoạt cùng mọi người và tiền công chỉ bằng một nửa bình thường. “Tôi phải làm riêng một góc, trong khi đó mọi người được làm việc cùng nhau, được nhà chủ nấu cơm cho ăn. Còn tôi được trả công 90 nghìn đồng/ngày và phải tự mang cơm đi. Trong khi đó, người khác được 150 nghìn/ngày và được chủ nuôi cơm. Lủi thủi làm việc và ăn một mình cảm giác buồn lắm, nhưng nghĩ đến con gái, tôi thương cháu đến quặn lòng nên phải cố mà sống”, bà A nói trong nước mắt.

    Không chỉ bà A mang tiếng xấu, bị mọi người hắt hủi mà con gái của bà đến tuổi đi học cũng bị bạn học tẩy chay, không bạn nào dám đến gần. Nghĩ đến con gái, những giọt nước mắt của người mẹ khốn khổ lăn dài trên má. Bà nói trong xót xa: “Ở lớp không ai dám đến gần cháu. Lúc đi học và lúc về, cháu chỉ lủi thủi một mình. Nhiều người đã cấm con họ chơi hay nói chuyện với con tôi.

    Cháu còn nhỏ không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi: “Sao không có ai chơi với con hả mẹ”, hay nhiều khi họ hàng, làng xóm có đám cỗ, cháu lại hỏi: “Sao con không được đi ăn cỗ bao giờ”. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm chặt con vào lòng và an ủi con sau này các bạn sẽ chơi với con. Bây giờ cháu đã 7 tuổi và gần như chỉ có tôi và bà ngoại làm bạn”.

    Căn bệnh HIV ở quê bà A được xem là căn bệnh rất kinh khủng, đi đến đâu mọi người cũng xì xào, chỉ trỏ. Mười năm qua, bà Bùi Thị An sống trong nỗi tủi nhục năm này qua năm khác. Câu chuyện của bà đã lan truyền khắp vùng, nhắc đến bà A bị nhiễm HIV, ai cũng biết và bảo nhau tránh xa.

    Nhưng thật may mắn, ở làng bên có ông Phạm Văn Hoạch (56 tuổi) biết hoàn cảnh của bà A đã qua thăm hỏi, dù nhiều người cảnh báo “đến đó chỉ có chết”. Sau nhiều ngày tìm hiểu và trò chuyện với người phụ nữ bất hạnh, ông Hoạch tin bà không bị nhiễm HIV như lời đồn đoán. Hoàn cảnh của ông Hoạch cũng éo le, mất vợ từ lâu, con cái cũng đã trưởng thành và ở riêng. Để chứng minh cho tình cảm của mình và giải nỗi oan ức cho bà A, ông Hoạch đã quyết định cưới bà trước sự phản đối quyết liệt của mọi người. 

    Nhiều người bảo ông điên, không còn ai lấy nữa hay sao mà phải lấy người HIV, ông Hoạch đều bỏ ngoài tai. Mỗi lần đi đâu cùng với vợ, ông Hoạch lại phải chứng kiến vợ bị mọi người nói này nói nọ, xa lánh, ông mới thấm nỗi thống khổ của bà ròng rã nhiều năm qua.

    Bằng trách nhiệm, tình thương, ông Hoạch đã quyết định phải làm rõ việc vợ mình có bị nhiễm HIV hay không. Vợ chồng ông bắt xe ra bệnh viện 19-8 (bộ Công an) để xét nghiệm máu cho bà A.

    Ông Hoạch cho biết: “Dù tốn kém, tôi cũng phải đưa vợ tôi đi xét nghiệm lại, chứ không thể để vợ tôi phải sống oan ức nhiều năm như thế. Con gái đầu và đứa con trong bụng của vợ chồng tôi không thể bị ảnh hưởng vì sự nhầm lẫn đến tắc trách đó được. Kết quả âm tính tức là vợ tôi không bị HIV. Để chắc chắn, vợ tôi tiếp tục đi xét nghiệm tại bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Hưng Yên và tại trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên, tất cả các nơi đều cho kết quả âm tính”.

    Cho đến nay, thông tin ba bản kết quả xét nghiệm đều âm tính đối với bà Đỗ Thị A, nhiều người dân đã hiểu, bắt đầu đến chơi và thăm hỏi. Con gái của bà A đã có các bạn để chơi cùng. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm đó chính là vì sao mà bà A đi chữa bệnh lao phổi lại bị nhiễm HIV. Chính bản xét nghiệm oan nghiệt đó đã đẩy một con người phải sống khốn khổ suốt 10 năm qua. Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước sự việc trên?   

    Bà Đỗ Thị An không bị nhiễm HIV

    Trả lời PV báo ĐS&PL, bác sỹ Phạm Thế Bảo, Phó Giám đốc trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Trường hợp của bà Đỗ Thị An, chúng tôi đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Chúng tôi sẽ đề nghị với sở Y tế đưa bà An ra khỏi danh sách người nhiễm HIV của tỉnh”.

     

    Vũ Phương

     Xem thêm video:

    [mecloud]rSUmDP6hKy [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-khon-kho-cua-nguoi-phu-nu-10-nam-om-an-oan-mang-ten-hiv-a103335.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.