+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 tuổi (3)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tưởng cuộc sống sẽ viên mãn với vợ chồng bà Loan, nhưng tai họa lại ập đến khiến chồng bà đột ngột ra đi bỏ lại cho bà ba đứa con thơ.

    (ĐSPL) - Tưởng cuộc sống sẽ viên mãn với vợ chồng bà Loan, nhưng tai họa lại ập đến khiến chồng bà đột ngột ra đi bỏ lại cho bà ba đứa con thơ. Để chống chọi với cuộc sống khó khăn, bà đã phải nỗ lực hết mình mà nhiều khi vẫn cảm thấy bĩ cực hơn nơi chiến trường bom đạn.

    >> Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 tuổi (2)

    >> Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 tuổi (1)

    (bgiay)Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 t

    Bà Loan (ngoài cùng bìa trái) cùng đồng đội tìm được rất nhiều hài cốt liệt sỹ.

    Thân cò quãng vắng

    Sau khi lấy chồng công an, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan có một cuộc sống hạnh phúc. Đất nước thống nhất, bà Loan công tác tại công ty Xây lắp thuộc chi nhánh của sở Nông nghiệp Sài Gòn lúc bấy giờ. Vợ chồng bà Loan sống ấm cúng với ba đứa con kháu khỉnh. Tưởng rằng cuộc sống như thế sẽ viên mãn đến cuối đời, ai ngờ tai họa ập đến khiến bà trở nên vất vả trăm bề. Sau một tai nạn giao thông, chồng bà đã ra đi mãi mãi.

    Sau khi chồng mất, mình bà Loan chật vật với ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 9 tuổi, đứa nhỏ mới lên 4. Tình cảnh éo le khiến bà nhớ đến cha mẹ mình ngày xưa, bà càng thương những đứa con tội nghiệp. Bà cố gắng gượng làm đủ nghề, bữa rau, bữa cháo sống cùng lũ trẻ.

    Tuy ở công ty bà làm Trưởng phòng tổ chức, nhưng bốn mẹ con thường ăn cơm với rau muống luộc vì gia cảnh quá khó khăn. Nhiều người cùng công ty đến nhà của bà Loan thấy mọi người ai cũng đều ốm o gầy mòn, thì bảo: "Nhà cô ăn gì mà không thấy gạo?". Lúc này bà Loan cười xòa chống chế rằng: "Nhà tuềnh toàng nên đem gạo gửi hàng xóm". Thực tế mẹ con bà bữa đói, bữa no, chứ có gạo đâu mà gửi hàng xóm? Tuy vậy, bà không một lời kêu than để mọi người biết về sự khó khăn của mình. Khi ấy, kinh tế khó khăn, công ty hoạt động cầm chừng, sắp giải thể khiến bà Loan càng lo lắng.

    Để có tiền nuôi ba đứa con ăn học, ban ngày bà Loan đi làm công chức, ban đêm xách thùng thuốc lá đi bán dạo kiếm thêm. Bà vất vả ngày đêm lo miếng cơm manh áo và cũng may mắn là mấy đứa nhỏ không bệnh tật gì. Bà đã từng nghĩ nếu không có những đứa con, không có động lực thì bà sẽ gục mất. Thấy hoàn cảnh bà Loan khó khăn, mấy người anh từng quen biết bà trong cuộc chiến lúc bấy giờ đang công tác tại sở Nông nghiệp Sài Gòn mới bàn nhau đưa bà về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm việc. Lúc này bà chỉ nghĩ làm gì cũng được, miễn là có tiền nuôi con ăn học và không đánh mất nhân cách của một người lính kiên trung là được.

    Qua Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, dựa vào kinh nghiệm của mình, bà Loan được bầu làm Phó phòng tổ chức, nhưng bà không nhận. Lúc này bà tự ti, mặc cảm về gia cảnh và số phận hẩm hiu nên chẳng còn tâm trí nào nhận chức vụ quản lý. Ngay cả bạn bè của mình bà cũng cố tránh né vì sợ mọi người thương hại hoàn cảnh của mình và sợ những giọt nước mắt yếu đuối trong bà lại trào ra.

    Kể lại những năm tháng khổ cực của phận nữ góa bụa nuôi con mọn, bà Loan tâm sự: "Làm mọi việc để có tiền nuôi con, tôi chẳng nề hà việc gì kể cả lượm rác, quét dọn cầu tiêu... Những lúc làm công việc ấy tôi thấy mình sao hẩm hiu đến thế, tôi bật khóc mà không dám để thành tiếng... Bạn bè của tôi vào tiếp xúc với giám đốc của công ty mà tôi không dám ra gặp, toàn tìm cớ để trốn vì tôi sợ họ hỏi đến công việc, đến cuộc sống thì tôi chẳng biết phải nói gì rồi lại khóc mất. Nhiều khi bất chợt họ bắt gặp, mình cứ trốn bên này, bên kia thì họ nắm lấy tay rồi bảo: "ủa, sao mày lại trốn", tôi chỉ biết nói: "Dạ không, tại em bận, em không dám..." rồi nước mắt lại trào ra, nghẹn nơi cổ họng".

    Đợt Đảng bộ tổ chức lễ tiến hành phát huy hiệu 30 năm tuổi Đảng năm 1999, bà Loan là người vinh dự được nhận. Lúc này ai trong công ty cũng trầm trồ khen ngợi, lẫn ngạc nhiên không ngờ bà Loan còn ít tuổi mà đã được 30 năm tuổi Đảng. Lúc ấy bà Loan cũng vui mừng khôn xiết. Cuối cùng những đóng góp của bà cho cuộc kháng chiến gian khổ cũng được ghi nhận bằng tấm huy hiệu danh giá. Khi về tới cơ quan, bà không ngờ một vị lãnh đạo công ty gọi bà lên hỏi với giọng thiếu thiện cảm. Vị lãnh đạo này bày biện bằng cấp trên bàn rồi nói với bà Loan: "Tại sao tôi có bao nhiêu bằng mà lại không được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng?". Bà Loan phân trần: "Em đâu có biết, tới năm thì người ta kêu em lên nhận thôi". Cũng chính vì cái lý do lãng xẹt ấy mà bà Loan bị nghỉ việc ở công ty đó.

    (bgiay)Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 t

    Bà Loan thắp hương cho đồng đội sau một lần tìm được hài cốt liệt sỹ.

    Ký ức vọng về

    Sau khi nghỉ hưu năm 2003, bà Loan lao về với cuộc sống buôn bán mưu sinh bình thường. Lúc này các con bà đã lớn, có thể tự lo cho bản thân nên bà bớt đi gánh nặng. Bà và các con sống thầm lặng ở một căn nhà nhỏ tại huyện Hóc Môn. Các con bà Loan dần thành đạt và có thu nhập ổn định. Người con gái đầu của bà lấy chồng cũng ở cạnh nhà để tiện bề lo lắng cho mẹ. Khi cuộc sống đã tạm ổn định, tuổi của bà Loan cũng xế chiều, những hình ảnh về đồng đội, chiến sỹ ngày xưa hy sinh nơi trận địa lại vọng về nhoi nhói trong bà. Đã bao lần bà Loan nghĩ trước sau gì bà cũng phải tìm lại những cứ địa xưa, nơi bà đã từng chôn những đồng đội, bộ đội trong nước mắt để đưa họ về với gia đình.

    Những ý nghĩ tìm hài cốt đồng đội của bà Loan sớm được thực hiện. Trong một lần đi dự đám cưới con của đồng đội năm 2010, bà vô tình bắt gặp một người trong đoàn đi tìm hài cốt. Ngay lập tức bà có nguyện vọng được tham gia và chính thức trở thành thành viên của Ban liên lạc Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam và cựu Thanh niên xung phong TP.HCM. Hai đơn vị này đã tích cực trong công tác đi tìm hài cốt liệt sỹ ở cả những nơi xa xôi của chiến trường xưa và liên tiếp tìm được nhiều hài cốt.

    Trí nhớ và sự thay đổi địa hình, địa chất là một cản trở không nhỏ với bà Loan. Tuy tuổi đã cao, nhưng với tinh thần, nhiệt huyết bà không quản trèo đèo, lội suối cùng đơn vị đi tìm hài cốt. Những chiến trường xưa bà Loan từng tham gia, bà đã cùng đơn vị từng bước tìm đến như: Tây Ninh, Bình Dương, Vũng Tàu... Qua 4 năm miệt mài, bà và đơn vị đã tìm được gần 200 hài cốt của những người đã khuất trong chiến trận. Mỗi khi nhắc về đồng đội, bà òa khóc: "Mình tuy khổ, tuy chật vật nhưng mình còn được sống, được có những bữa cơm, chứ họ thì không thể. Tôi chỉ làm đúng với lương tâm của mình, nhớ và tìm lại hài cốt những người đã khuất chứ không nghĩ đến chuyện được vinh danh. Mà cũng lạ, dù tuổi cao nhưng mỗi lần đi tìm hài cốt, tự nhiên tôi cảm thấy có nguồn năng lượng dồi dào đang chảy trong người, không hề cảm thấy nản".

    Nói về hoạt động của bà Loan, bà Đào Thị Hồng Đào, nguyên Trưởng ban tổ chức giám sát của hội Cựu Thanh niên xung phong TP.HCM cho biết: "Bà Loan là người phụ nữ vất vả, khi chồng mất sớm phải nuôi ba đứa con nhỏ. Năm 2010, tôi gặp bà Loan và hai chị em bàn nhau đi tìm hài cốt liệt sỹ năm xưa. Tính đến năm 2013, đơn vị chúng tôi đã tìm ra được 312 hài cốt liệt sỹ. Gần đây do bệnh tật, tôi xin nghỉ, còn Loan thì vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm trong đoàn".

    Hội viên nòng cốt

    Trao đổi với PV về công tác của bà Loan, ông Nguyễn Tấn Thành, Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết: "Tôi và bà Nguyễn Thị Ngọc Loan cùng công tác bên ban khai hoang của Thành ủy TP.HCM sau giải phóng. Về sau chúng tôi sinh hoạt chung trong chi hội Cựu chiến binh. Hiện tại bà ấy là hội viên hoạt động năng nổ, là lực lượng nòng cốt của đơn vị chúng tôi".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-ly-ky-cua-nu-can-ve-ra-chien-truong-tu-nam-13-tuoi-3-a68350.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan