+Aa-
    Zalo

    Chuyện ít biết về dịch bệnh ở Việt Nam xưa: Nghiên cứu, bào chế Vaccine

    • DSPL
    ĐS&PL Lo sợ binh lính sẽ bị nhiễm dịch bệnh ở xứ nhiệt đới, năm 1891, Chính phủ Pháp đã quyết định thành lập một cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine ở Sài Gòn (sau đổi tên thành viện Pasteur Sài Gòn). Tuy nhiên việc vận chuyển vaccine từ Sài Gòn ra Hà Nội mất rất nhiều thời gian vì đi lại khó khăn vì bảo quản...

    Cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vacccine ở Hà Nội

    Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đã mời bác sĩ Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường y. Và trường Y bản xứ hay trường Y Hà Nội (École de Médecine indigène) ra đời nằm trên ấp Thái Hà. Ngoài đào tạo chuyên môn cho người Việt, trường còn có một bệnh viện nhỏ cho sinh viên thực tập, có cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine.

    chuyen it biet ve dich benh o viet nam xua vaccine o viet nam
    Tại sao chính quyền lại cho đặt cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine  ở ấp Thái Hà? (Ảnh minh hoạ)

    Như viện Pasteur Sài Gòn, cơ sở Thái Hà cũng có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine phòng: Tả, thương hàn, bệnh do ký sinh trùng gây ra, đậu mùa, chó dại. Ngoài các bác sĩ người Pháp, trường Y Hà Nội đã mở các lớp đào tạo nhân viên phòng thí nghiệm dịch tễ là người Việt. Khi trường có trụ sở mới ở phố Bobillot (nay là Lê Thánh Tông) thì cơ sở ở Thái Hà trở thành viện Bào chế thuốc tiêm chủng (Institut vaccinogène). Từ đầu thế kỷ 20 cho đến khi Viện Pasteur Hà Nội (nay là viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khánh thành năm 1925, viện Bào chế Thái Hà do bác sĩ Gauducheau làm Giám đốc và nhân viên phần lớn là người Việt.

    Ở đây có phòng thí nghiệm vi trùng và mổ xác súc vật, có xưởng bào chế. Viện đã bào chế thành công vaccine đậu mùa và dại cung cấp cho toàn xứ Đông Dương. Không chỉ có công lập ra Trường Y Hà Nội, bác sĩ Yersin còn nghiên cứu thành công vaccine dịch hạch. Tại sao chính quyền lại cho đặt cơ sở nghiên cứu vi trùng và bào chế vaccine ở ấp Thái Hà? Vì nơi này xa trung tâm thành phố, nếu không may trong quá trình thí nghiệm vi trùng gây bệnh lọt ra ngoài sẽ hạn chế nguy hiểm.

    Sau khi viện Pasteur Hà Nội chuyển về trụ sở mới ở phía đông phố Lò Đúc thì viện Bào chế thuốc tiêm chủng ở Thái Hà đóng cửa. Viện Pasteur Hà Nội với diện tích rộng lớn, trang thiết bị đầy đủ cùng đội ngũ bác sĩ nhân viên có chuyên môn cao đã nghiên cứu thành công nhiều loại vaccine khống chế được nhiều dịch bệnh trên toàn xứ Đông Dương.

    Khi Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, theo Điều 3 của của Hiệp định Genève, tài sản của Chính phủ Pháp nếu Việt Nam muốn sử dụng sẽ phải trả tiền. Trong khi hai Chính phủ chưa thỏa thuận xong nên cơ sở nghiên cứu dịch tễ từ Việt Bắc chuyển về phải đóng tạm ở số 5 phố Quang Trung. Nơi đây trước 1954 là khu nội trú của trường dòng Saint Marie.

    Từ vaccine bại liệt đến vaccine phòng Covid -19

    Từ năm 1957 đến năm 1959, ở miền Bắc, bệnh bại liệt ở trẻ em phát thành dịch, đỉnh cao là năm 1959, tỉ lệ tử vong lên đến 13%. Trước tình trạng báo động đó, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên đã lần đầu tiên phân loại và định lập được vius cúm và virus bại liệt. Hoàng Thủy Nguyên tốt nghiệp bác sĩ năm 1955, ông là con trai của bác sĩ chuyên ngành vi trùng Hoàng Tích Trí, người giữ chức Bộ trưởng bộ Y tế từ năm 1946-1958. Từ những thành công ban đầu, ông đã thành lập phòng thí nghiệm virus và xây dựng nên ngành virus học ở Việt Nam. Ông được Bộ trưởng bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt Sabin ở dạng uống. Vaccine Sabin phòng chống bại liệt do tiến sĩ Albest Sabin (người Mỹ gốc Ba Lan) nghiên cứu thành công vào khoảng những năm 1954-1955.

    chuyen it biet ve dich benh o viet nam xua vaccine o viet nam 1
    Dịch covid-19 đang diễn ra. Dù chậm hơn các quốc gia phát triển nhưng Việt Nam cũng nghiên cứu và bước đầu tiêm thử trên người ra vaccine phòng covid-19 (Ảnh minh hoạ).

    Sau 3 tháng ở Liên Xô trở về, năm 1960, bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên nhanh chóng thành lập một nhóm những nhà khoa học để triển khai sản xuất tại Việt Nam. Lúc đó, đất nước rất khó khăn, nhóm nghiên cứu thiếu thốn cả về trang thiết bị và bác sĩ có chuyên môn. Nhưng vì chống dịch cấp bách nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp riêng cho ông khoản kinh phí là 2.000 bảng Anh một năm để nghiên cứu. Số tiền đó dùng để mua hóa chất, dụng cụ thí nghiệm từ Hồng Kông và một chiếc máy đông khô của Tây Đức. Loại vaccine này được sản xuất trên tế bào thận của loài khỉ Vàng.

    Tuy nhiên, thời điểm đó ở Việt Nam chưa có cơ sở nuôi loài khỉ vì thế nhóm nghiên cứu của Hoàng Thủy Nguyên đã quyết định thành lập ngay khu nuôi khỉ Vàng tại đảo Rều nằm giữa vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh).

    Vượt qua mọi khó khăn, đến năm 1962, phòng thí nghiệm virus của bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên đã sản xuất được 2 triệu liều vaccine Sabin góp phần tích cực ngăn chặn được dịch bại liệt. Sau khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ Pháp, cơ sở ở số 5 Quang Trung chuyển về viện Pasteur Hà Nội. Từ đây nhiều loại vaccine do Viện sáng chế đã ra đời phục vụ cho tiêm chủng toàn miền Bắc và sau năm 1975 cung cấp cho cả nước.

    Dịch Covid19 đang diễn ra. Hiện Việt Nam cũng nghiên cứu và bước đầu tiêm thử trên người ra vaccine phòng Covid-19. Dù vaccine thành công mức nào song đó là chỉ dấu về về năng lực y tế Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.

     

    Nguyễn Ngọc Tiến

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (20)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-dich-benh-o-viet-nam-xua-nghien-cuu-bao-che-vaccine-a500630.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan