+Aa-
    Zalo

    Chuyện khóc – cười từ nghề độc: Vào rừng săn trâu… nhà

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trong chuyến công tác mới đây về xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi có dịp được tìm hiều về một nghề có cái tên rất độc: Vào rừng săn trâu… nhà.
    (ĐSPL) - Trong chuyến công tác mới đây về xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi có dịp được tìm hiều về một nghề có cái tên rất độc: Vào rừng săn trâu… nhà. Đằng sau nghề có một không hai này là những câu chuyện thú vị, không kém phần kích thích…vì độ nguy hiểm của nghề này khiến nhiều cao thủ săn bắt động vật hoang dã cũng phải rùng mình.
    Từ một tập tục…
    Có dịp đi qua một số xã ở Hà Tĩnh, người viết không khỏi ngạc nhiên về tập tục chăn nuôi ở vài làng quê nhỏ. Thay vì làm chuồng, lán, khi mua trâu, bò về, họ đưa vào rừng thả, hết tháng này qua tháng khác, thậm chí vài năm người ta mới lùa về chuồng một lần. Chẳng mất đến công sức chăm nuôi, trâu bò sống ngoài tự nhiên phải tự kiếm ăn, tự vượt qua dịch bệnh, sinh đẻ để tồn tại. Nhưng phần lớn, chỉ khi nào muốn bán, chủ con trâu, con bò đó mới vào rừng bắt. Điều đáng nói là khi đó, trâu nhà đã hóa trâu…rừng (còn gọi là trâu Luông – PV).
    Cũng bởi một thời gian dài không tiếp xúc với con người, sống tự nhiên, những con trâu này trở lại với bản năng hoang dã của trâu rừng. Con nào cũng hung dữ, sẵn sàng tấn công khi “đánh hơi” thấy người từ xa.
    Có nhiều hộ ban đầu chỉ thả vào rừng vài con, nhưng mấy năm sau đã thành một đàn, số lượng tăng thêm 2, 3 con nữa. Những chú nghé sinh ra trong môi trường tự nhiên của núi rừng, không được con người thuần thục, dần dà trở thành những chú trâu rừng nhút nhát nhưng không kém phần hung dữ.
    Một chuyên gia về trâu Luông đã cho chúng tôi biết, một khi thả vào rừng, trâu được tự do nên hình thành 3 loại. Loại trâu luông nhưng hiền, lùa, bắt lúc nào cũng được. Loại thứ hai cũng là trâu luông, bắt loại này hơi khó, có khi phải dùng bẫy, gióng bắt cả tháng mới thành. Còn loại thứ ba thả rông nên rất dữ, hầu như không thể bắt được. 
    Vào rừng săn trâu…nhà
    Những chú trâu nhà hóa trâu…rừng.
    Trong quá trình đi sâu tìm hiểu, người viết còn biết thêm một đặc điểm rất thú vị của lối chăn thả này. Dù cả làng, xã đều thả trâu vào rừng, vài năm sau mới bắt về nhưng chưa có trường hợp nào bắt nhầm. Bởi trước khi thả, các hộ đều đã làm những dấu riêng để nhận biết. Trong khi đó, trâu một nhà thường đi chung với nhau, không lạc sang trâu nhà khác.
    Trước đây, khi chưa về khu tái định cư Hương Điền, Hương Quang vốn là một xã nằm sâu trong Vườn quốc gia Vũ Quang, bao bọc xung quanh là diện tích đồi núi rộng lớn. Nhiều gia đình trong xã đã chuyển qua nuôi trâu bò để phát triển kinh tế.
    Ở miền sơn cước này, một vài người đã “đổi đời” nhờ nuôi trâu theo hình thức ấy. Thế nhưng, để lùa được trâu về nhà không phải là chuyện đơn giản. Sống trong môi trường tự nhiên quá lâu, hầu như không tiếp xúc với con người, chỉ cần nghe tiếng động lạ, chúng trốn biệt tăm. Nhiều người đã phải trở về tay không. Nếu không có kinh nghiệm, sự mưu trí và dũng cảm thì không những không bắt được trâu mà còn gây nguy hiểm cho bản thân. Chính sự khó khăn đó đã tạo đất cho nghề săn trâu luông ra đời.
    Diện kiến “nỗi khiếp sợ” của trâu luông
    Nhạy bén với nhu cầu thực tế, một số người có kinh nghiệm, mưu trí, dũng cảm và cả sự cẩn trọng đã chuyển qua nghề săn trâu luông.
    Theo chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi tìm đến tận nhà ông Nguyễn Đình Lục, một thợ săn nổi tiếng trong nghề độc nhất vô nhị này. Ông có thể thu phục những đàn trâu luông hung dữ, mà các cao thủ khác bất lực. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nằm ngay thị trấn Vũ Quang, ông Lục đã tìm lại hồi ức về một thời oanh liệt của mình mang ra kể cho chúng tôi hay.
    Người đàn ông đầu hai thứ tóc, dù đã bước qua nửa đời người và “về hưu” 2, 3 năm nay, nhưng khi được hỏi đến nghề cũ, giọng ông hào hứng hẳn. “Hồi đi bộ đội, tôi đóng quân ở khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian ở đây, tôi học được cách đi bắt trâu rừng về làm thịt của bà con dân bản nên tích lũy cho mình ít nhiều kinh nghiệm. Khi về quê, thấy người dân địa phương săn bắt trâu luông khó khăn, tôi quyết định đứng ra nhận công việc này, lấy tiền công. Từ năm 1992, tôi bắt đầu cái nghiệp săn trâu”, ông Lục kể lại.
    Ông đánh đét một cái vào đùi rồi bảo: “Cái nghề nguy hiểm thì cũng vào độ nhất nhì, nhưng thú vị cũng lắm. Mỗi lần bắt được trâu theo “đơn đặt hàng”, cảm giác của người thợ săn cứ như chinh phục được một đỉnh cao vậy”.
    Theo thống kê, ở Vũ Quang, ngoài ông Lục còn có một số “thợ săn” trâu luông cừ khôi khác, như anh Phước, ông Bá...Tuy nhiên, các ông này không phải đi bắt trâu thuê mà bắt trâu cho chính mình.  
    Vào rừng săn trâu…nhà
    Ông Lục kể lại cho PV nghe những chuyến đi săn của mình
    Tất bật với những công việc mưu sinh khác, anh Phước hiếm hoi có thời gian nghỉ ngơi bên ấm nước như hôm nay. Tiếp khách ghé nhà với khuôn mặt nặng âu lo, anh cho biết năm 2013, vợ chồng có mua 6 con bò với giá 49 triệu. Vì tiếc của, anh chuyên tâm trèo đèo lội suối, đi hết đồi này sang núi nọ, lần theo dấu vết của trâu nhà mình để “săn”. Có khi đi hơn một tháng trời, ấy thế mà đến giờ mới tìm được 3 con. “Tiếc tiền vốn bỏ ra nên tôi cứ cố gắng bằng mọi cách, dù nguy hiểm cũng phải lôi được chúng về, chứ bản lĩnh, gan dạ gì đâu cô chú”, anh Phước tâm sự khi chúng tôi hỏi về nghề. Ông Bá cũng có chia sẻ tương tự. Nhưng chịu nặng nhất có lẽ là trường hợp của gia đình anh Thanh ở xã Sơn Thọ. Cách đây vài năm, vợ chồng anh bàn nhau đầu tư 60 triệu để mua 10 con trâu. Họ sử dụng cách thức thả vào rừng cho kinh tế. Tuy nhiên đến nay, dù rất nỗ lực tìm kiếm và lùa bắt, anh Thanh mới đưa về được 2 con. Để bắt số còn lại, vợ chồng anh phải bỏ ra một khoảng tiền không nhỏ để thuê “thợ săn”.
    “Tiền kiếm được từ nghề săn trâu luông đã giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, vì người làm nghề này phải đối mặt với một mối nguy hiểm khôn lường”, nói đến đó, ông Lục ngồi xuống sắn quần lên chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo lớn ở chân. Ông cho biết, đây là dấu tích nghề để lại, khi trong một lần đi săn, ông bị trâu lao vào húc, phải khâu 23 mũi.
    Ngoài ra, một số người dân còn kể thêm rằng, ở địa phương có ông Vận nhà tại thị trấn Vũ Quang, trong một lần đi săn bị trâu rừng húc vào bụng, chết tại chỗ. Đặc thù chung của trâu luông nhát, vì chúng ít tiếp xúc với con người. Nhưng khi bị bắt, nó chống cự rất quyết liệt. Người đi săn không dũng cảm, mưu trí sẽ dễ bị gặp nguy hiểm.
    Khi kể đến cách thức săn trâu của mình, đôi mắt người đàn ông hơn 50 tuổi ấy bỗng sáng rực lên: “Để tôi kể cô chú nghe, muốn săn được trâu luông phải “bài binh bố trận” phức tạp lắm. Việc đầu tiên khi phát hiện ra trâu là phải tìm cho được một con suối gần đó để làm gióng. Việc này phải làm gấp, vì nếu không thoắt cái đã chẳng thấy trâu đâu. Trung bình mỗi gióng rộng vài chục mét. Sau đó, vài người khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu vào gióng. Bước tiếp theo, người thợ săn sẽ gọi chủ nhà lên nhận trâu. Nếu đúng là trâu của gia đình “đặt hàng”, ông Lục mới tiến hành bắt. Ngoài ra, việc bắt trâu đó còn phải được chính quyền xã và đồn biên phòng đóng tại địa bàn xác nhận.
    Sau khi thủ tục xác nhận trâu xong xuôi, ông đóng cửa gióng lại rồi đặt thòng lọng quàng cổ, trói chân bắt từng con. Trong quá trình săn, gặp một số con trâu hung dữ quá, ông phải thống nhất với gia chủ làm thịt ngay tại chỗ.
    Đến những câu chuyện khóc - cười
    Trên thực tế, cách thức chăn nuôi trâu độc đáo này đã dẫn đến nhiều hệ lụy phiền phức, nguy hiểm và cả những câu chuyện khóc – cười.
    Trái với suy nghĩ của nhiều người, nuôi trâu theo hình thức chăn thả trên không hẳn là tiết kiệm. Khi trâu nhà đã thành trâu rừng, phần lớn họ không thể tự bắt được trâu về, phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để thuê thợ săn bắt hộ. Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân ở đây cho biết: “Trước, mỗi con bắt được, thợ săn chỉ lấy 500.000 đồng, sau đó tăng 2.000.000 đồng/con. Chớp nhoáng cái, đến nay tiền công tương đương 20 triệu đồng hoặc nửa con trâu. Đó là giá công cho cách săn bằng bẫy. Ngoài ra, còn có cách săn bằng súng gây mê. Nhưng một mũi có giá 20 triệu đồng thì thà thả còn hơn. Gặp con nào hung dữ quá, bắn chết xẻ thịt mang về. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng súng khắt khe hơn nên hầu như không ai chọn cách này.
    Theo thông tin từ chính quyền huyện Vũ Quang, có thời kỳ, trâu luông là nỗi khiếp đảm của những người đi rừng, hay các hộ gia đình sống, làm trồng trọt nơi bìa rừng, ven suối.
    Một số người nuôi trâu theo hình thức này cho biết, việc săn trâu không thể ngày một ngày hai mà kiếm được. Có khi cả tháng trời đi bộ xuyên rừng, tìm mờ mắt, kiệt sức mà vẫn không thấy trâu nhà mình đâu. Đi tìm mà thấy là may mắn rồi.
    Rời khỏi vùng đệm Vườn quốc gia Vũ Quang, người viết mang theo những trăn trở. Không biết đến bao giờ người dân địa phương mới nhận ra được những mối nguy hiểm từ lối chăn nuôi thiếu khoa học và đầy rủi ro này để thay đổi?
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-khoc-cuoi-tu-nghe-doc-vao-rung-san-trau-nha-a53949.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bạc như nghề… lái siêu xe thuê

    Bạc như nghề… lái siêu xe thuê

    Chỉ cần có bằng lái xe ô tô và có kinh nghiệm đường trường, cùng với mối quan hệ các tài xế sẽ nhanh chóng được ra nhập “tổ lái” các mẫu xe sang và siêu xe.