+Aa-
    Zalo

    Chuyện kỳ lạ về mối tình “I-va-nốp và Na-ta-sa” ở Điện Biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong căn nhà ở làng Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vượng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm, dấu ấn khó quên của ông và người vợ

    (ĐSPL) - Trong căn nhà ở làng Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vượng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm, dấu ấn khó quên của ông và người vợ vừa qua đời, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ…

    “I-va-nốp và Na-ta-sa” ở Điện Biên

    Đều là thanh niên Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vượng và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích đến với nhau khi cả hai cùng về công tác tại Thái Nguyên. Ông ở phòng Y chính, bà ở phòng Thú y thuộc cục Quân y. Trước khi cưới nhau một tháng, ông đã cùng bà đi xem bộ phim Xô Viết “Công phá Béc-lin”. Mối tình của chàng trai và cô gái Nga có tên I-va-nốp và Na-ta-sa trong phim đã làm ông bà xúc động. Tình yêu đang ở độ thắm, I-vanốp và Na-ta-sa đã phải chia xa, tham gia cùng đoàn quân Xô-viết đánh trả phát xít Đức. Một là y tá, một là chiến sĩ bộ binh, cả hai tâm nguyện cùng dành tâm huyết cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng trở về. Ông Vượng, bà Bích đã tìm thấy trong mối tình của mình niềm đồng cảm với tình yêu của đôi bạn trẻ Nga…

    Đất nước có chiến tranh, ông bà xác định bao giờ hòa bình mới làm đám cưới, nhưng lãnh đạo hai cơ quan đều khuyên họ nên làm lễ thành hôn. Thế là ngày 3/3/1953, một hôn lễ đơn giản, thanh bạch thời chiến đã được tổ chức để hai người nên duyên chồng vợ. Nhớ lại buổi tổ chức hôn lễ, ông kể:

    - Ngày ấy, tôi đã phát biểu trong lễ cưới của mình rằng: Tình yêu là ngọn lửa hồng. Chúng tôi sẽ dùng ngọn lửa hồng ấy nâng cao lòng yêu nước, đun sôi chí căm thù…

    Theo tiêu chuẩn, hai người được nghỉ phép 10 ngày, đến ngày thứ 6, ông được triệu tập lên cơ quan, lên đường tập kết ở Bộc Nhiêu để xây dựng đơn vị mới. Mặc dù chỉ được gần người vợ trẻ có 5 ngày, ông vẫn vui vẻ, hăng hái lên đường. Ông bà chia tay và hẹn gặp lại giống như chàng trai I-va-nốp và cô gái Na-ta-sa đã từng có cuộc hẹn ước lịch sử.

    Sau đó, ông cùng đoàn cán bộ hành quân sang nước bạn Trung Quốc học, rồi về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình của Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Khi ông đi vài tuần, bà cũng theo học lớp y tá phục vụ cho nhiệm vụ đánh lớn. Tháng 11/1953, tốt nghiệp lớp đào tạo y tá, bà được điều về đội điều trị 2, thuộc cục Quân y. Đội hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên, chỉ cách trận địa vài trăm mét, cứu chữa thương binh tại hỏa tuyến. Bà thấy mình thật giống cô Na-ta-sa trong bộ phim đã được xem vài tháng trước. Cả hai vợ chồng cùng có mặt ở Điện Biên Phủ, chồng ở đơn vị pháo binh, vợ là y tá (có người gọi vui là chồng pháo, vợ y) nhưng ngày đó vì phải tuyệt đối giữ bí mật nên phải sau ngày chiến thắng hơn hai tháng, họ mới biết. Với bà Bích, ngày ấy, bận rộn với công tác chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân, cũng không có thời gian nghĩ nhiều đến chuyện riêng tư.

    Sau này, bà có tâm sự với chồng về những ngày công tác ở đội trọng thương, rằng, cứ nghĩ chồng mình nếu tham gia chiến dịch thì chuyện thương vong là lẽ thường nên bà đã chăm sóc anh em thương binh giống như đang chăm sóc chồng vậy. Chứng kiến cảnh anh em được đưa về đội, người mất chân tay, người thủng ngực, người chấn thương sọ não nặng, tim bà lại quặn đau; bao nhiêu tình cảm và trách nhiệm, bà dồn hết vào nhiệm vụ chuyên môn.

    Thấy thương binh mệt mỏi, đau đớn, bà cùng các chiến sĩ quân y chăm sóc rất tận tình. Có đồng chí bị thương ở ngực, sau khi gắp đạn ra vẫn bị khó thở, không thể nằm ngủ được, mấy chị em quân y phải ngồi trên sàn nứa cho chiến sĩ ấy ngồi dựa lưng. Với những thương binh không tự di chuyển được, bà và các nhân viên quân y đã phải cắt ống tre để thay bô cho anh em. Coi thương binh là những người ruột thịt của mình, bà không nề hà việc gì… Tổng kết đợt 2 của chiến dịch, bà đã được đội điều trị số 2 và anh em thương binh bầu là chiến sĩ thi đua và ngày 1/5/1954, được Bộ tổng tư lệnh tặng Huân chương Chiến công hạng ba.

    Tháng 7/1954, ông Vượng ở đơn vị, ba lô đã sẵn sàng trên vai chuẩn bị đi công tác thì được tin tổ chức tạo điều kiện cho về gặp vợ đang đi dự đại hội chiến sĩ thi đua của Tổng cục Cung cấp. Sau đại hội, hai người được về thăm nhà. Về quê trong không khí những ngày đầu hòa bình lập lại, niềm vui chung và tình cảm riêng như được nhân lên bội phần...


    Thư ký của “Ông chống tham nhũng”

    Vài năm nay, sức khỏe ông giảm sút. Mắt phải bị mờ từ năm 1996, mắt trái bắt đầu mờ từ năm 2003, đến năm 2007 thì cả hai mắt mờ hẳn. Mọi việc trong sinh hoạt và cuộc sống, đều do đôi bàn tay và tình yêu của cô y tá ngày nào lo toan cả.

    Tháng 3/2009, tại một hội nghị điển hình về công tác phòng, chống tham nhũng, ông được tôn vinh là một trong mười gương mặt tiêu biểu. Ông đã góp phần đòi lại cho Nhà nước gần 3.000m2 đất tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị giao cho tư nhân sử dụng trái phép.

    Khi tôi hỏi chuyện này, ông rưng rưng:

    - Đồng đội tôi, bao người đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chẳng lẽ bây giờ mình may mắn được trở về lại ngồi yên khoanh tay nhìn đất công rơi vào tay những kẻ tham lam?

    Cuộc chiến đấu chống tham nhũng của ông kéo dài suốt 8 năm ròng. Ông bảo, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước hết, phải hiểu biết về luật Khiếu nại và luật Đất đai. Các tài liệu liên quan, bà đã thu thập rồi đọc cho ông nghe. Bà cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần đến khi ông thấm, ông ngấm mới thôi. Thứ nữa là phải có bản lĩnh, kiên trì, quyết liệt.

    Đến giờ, nhìn lại chặng đường đã qua, mới thấy quả là một kỳ tích. 8 năm, với những người còn trẻ, đã là khoảng thời gian đằng đẵng. Với ông, càng là quãng đường dài. Ông nói với tôi:

    - Trong quá trình tôi đấu tranh, không ít lần nhiều kẻ đã đến dụ dỗ, mua chuộc. Dụ dỗ không được, chúng đe dọa tính mạng của tôi và gia đình. Những kẻ tham nhũng trong vụ kiện nhiều lần đã mong tôi “đi” sớm để vụ án rơi vào quên lãng.

    Tinh thần đấu tranh của ông đã đánh thức được tinh thần sống có trách nhiệm với cộng đồng của những người xung quanh. Những ngày đầu, tại chi bộ 9, phường Bưởi chỉ một mình ông dám đứng ra làm đơn tố cáo những kẻ chiếm dụng đất công. Bằng tấm gương dũng cảm và khéo thuyết phục, vận động của ông, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu vực đã ủng hộ và cùng ông chống tiêu cực.

    Kết thúc câu chuyện, ông đưa cặp mắt đã mờ, nhìn về phía bàn thờ người vợ đã gắn bó một đời:

    - Cháu ạ, tôi được tôn vinh, có công của bà nhà tôi một nửa. Những năm mắt kém chẳng nhìn thấy gì, bà vừa chăm sóc sức khỏe cho tôi, vừa làm nhiệm vụ của một thư ký. Bà thường xuyên phải đọc các tài liệu liên quan đến những vấn đề tôi quan tâm; khi tôi cần hoàn thành một văn bản, một lá đơn, thì bà là người chắp ý tưởng của tôi thành con chữ. Việc tôi đấu tranh chống tham nhũng thành công cũng giúp bà ấy yên lòng mà nhắm mắt, xuôi tay.

    *Bài viết đã được đăng tải trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    KỲ LIÊM

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ky-la-ve-moi-tinh-i-va-nop-va-na-ta-sa-o-dien-bien-a179802.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan