Chuyện người mẹ mù lòa chăm con ung thư gan


Chủ nhật, 25/10/2020 | 08:45


Cùng sự kiện

Nén chặt nỗi đau vào sâu thẳm trái tim, suốt 3 năm qua, người mẹ mù lòa ấy vẫn ngày đêm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người con trai tội nghiệp bị ung thư.

Nén chặt nỗi đau vào sâu thẳm trái tim, suốt 3 năm qua, người mẹ mù lòa ấy vẫn ngày đêm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người con trai tội nghiệp bị ung thư.

Chồng bỏ đi khi “mẹ dại, con thơ”

Dưới tiết trời se lạnh của một buổi chiều Thu, PV ĐS&PL có mặt tại thôn Xuân Viên, phường Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh. Không quá khó khăn để hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Dung (SN 1964) bởi người dân nơi đây ai cũng biết và xót xa cho hoàn cảnh của gia đình chị.

Dường như biết có người đến thăm, người phụ nữ ấy nghiêng đôi tai nghe ngóng và đánh tiếng hỏi ai đó. Khi biết là phóng viên, chị Dung nở nụ cười hồn hậu, sờ soạng nắm lấy tay chúng tôi mời vào nhà.

Ngồi xuống bộ bàn ghế đặt ở góc nhà, chị Dung kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cơ cực và chuỗi dài những bất hạnh mà con trai chị đã phải trải qua. Theo chị Dung, ngày xưa, dù cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn có một tổ ấm hạnh phúc và sinh được một người con trai kháu khỉnh tên là Nguyễn Văn Hiền (SN 1996). Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc ấy không kéo dài được bao lâu khi người chồng của chị bỏ đi khi người con trai mới 4 tuổi.

“Năm 1999, chồng tôi bỏ nhà ra đi để lại hai mẹ con. Thời điểm ấy, tôi bị viêm đáy mắt bồ đào nên mù mắt phải, lại vừa sinh con nên không có tiền chữa trị. Bệnh tình chuyển biến nặng hơn, dù các bác sĩ ở bệnh viện mắt Trung ương đã cố gắng giữ lại bên mắt còn lại nhưng không có tiền nên mắt trái tôi cũng dần nhòe đi rồi mù hẳn”, chị Dung chua chát nói.

Kể từ đó, mẹ mù lòa, con thơ dại với bữa cơm, bữa cháo cứ vậy mà nương tựa vào nhau để sống. “Tôi mù lòa nên việc chăm sóc con gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may con trai tôi ngày ấy dù nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn nên tôi cũng được an ủi phần nào”, gương mặt chị rạng rỡ hẳn lên khi nói về người con trai.

Đối với chị, Hiền là “nguồn sống”, là động lực để chị vượt qua nghịch cảnh để hướng về một tương lai tươi đẹp hơn. Vì thế, dù mù lòa nhưng hàng ngày, chị Dung vẫn cố gắng đi mò cua, bắt ốc để tích góp từng đồng để nuôi dạy con.

Nhờ tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cùng sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con hàng xóm, Hiền dần trưởng thành. Theo chị Dung, năm em học lớp 1, cứ mỗi khi đi học về, thay vì nô đùa với các bạn cùng trang lứa, Hiền lại đi mò cua, bắt, bắt ốc rồi cùng mẹ mang ra chợ bán.

Vì hoàn cảnh khó khăn lại thương mẹ vất vả, năm lớp 7, Hiền gác lại việc học, xin đi làm cho một công ty về mái tôn, cửa xếp. Tuy nhiên, số phận lại quá bất công khi dồn mẹ con họ vào bước đường cùng.

Trong khoảng thời gian ấy, đỉnh điểm là năm 2017, Hiền cảm thấy sức khỏe mình đi xuống rõ rệt, mệt mỏi khác thường. Những cơn đau cứ ngày càng tăng. Cực chẳng đã, em cùng mẹ đi khám và thật đau đớn bàng hoàng như sét đánh ngang tai khi tờ kết quả là Hiền bị ung thư gan.

Chị Dung trải lòng với PV ĐS&PL.

Giọt nước mắt mẹ hiền

Khi biết con mình mắc bệnh hiểm nghèo, chị Dung suy sụp hoàn toàn. Nghĩ đến cảnh những năm tháng cuối đời không người nương tựa, không con cái quây quần, biết bao đêm ròng, chị khóc trắng đêm.
“Ngày hay tin con bị ung thư, tôi sốc lắm. Đêm nào tôi cũng khóc nhưng không dám để con biết. Tôi phải tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con”, hướng ánh mắt mờ đục về phía chiếc giường mà Hiền đang ngủ, chị Dung thổn thức.

Cuộc chiến giành giật sự sống của Hiền quá tốn kém, gia đình không còn đồng nào hay vay mượn được ai nữa, chị Dung bán hết đất ruộng để mua một số loại thuốc về cho con uống nhằm kéo dài sự sống. Dù hàng tháng chị được trợ cấp 500 ngàn đồng chế độ người mù nhưng số tiền đó còn chẳng đủ sinh hoạt phí, ăn uống trong nhà, chưa nói đến việc mua thuốc.

Nở nụ cười chua chát, chị Dung cho biết, thời điểm đó, dù Hiền mắc bệnh ung thư nhưng em vẫn cố gắng xin đi làm ở siêu thị để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vậy nhưng, cách đây vài tháng, Hiền không thể đi lại được nữa mà phải nằm liệt giường vì ung thư đã di căn vào xương.

Biết con không thể đi lại được nữa, chị Dung sốc lắm. Dẫu vậy, chị vẫn cố nén chặt nỗi đau vào sâu thẳm trái tim mình để chăm sóc con. Hàng ngày, dẫu có ốm đau hay mệt mỏi, chị vẫn lần mò vào bếp nấu những bữa cơm đạm bạc: “Từ ngày Hiền không thể đi lại, tôi phải cố gắng nấu cơm, giặt giũ và chăm sóc con. Tôi hay bị điện giật lắm bởi đâu có nhìn được gì”, chị Dung cười buồn nói.

Chứng kiến gương mặt rạng rỡ cùng nụ cười luôn nở trên môi của chị, tim chúng tôi lại quặn lên từng hồi. Chúng tôi biết, ẩn sau nụ cười ấy là sự bất lực cùng những giọt nước mắt đã cạn khô của người mẹ khốn khổ. Đang tâm sự với chúng tôi, nghe tiếng Hiền tỉnh giấc, chị Dung vội vàng lên tiếng: “Hiền ơi, con có mỏi không, có đau không? Để mẹ ra bóp chân cho con nhé!”.

Chị dò dẫm từng bước nhỏ về phía giường rồi đặt đôi chân teo tóp của người con trai lên đùi mình mà xoa, bóp. Vừa xoa bóp, chị lại dùng cái khăn ướt đặt gần đó lau mặt cho con. Lúc này, không gian dường như trầm hẳn đi. Chỉ còn những lời hỏi thăm ân cần của chị Hiền với người con trai bé bỏng. Dù chị Dung không còn nhìn được gì nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự hiền từ, yêu thương toát lên từ đôi mặt mờ đục của chị.

Hình ảnh người mẹ mù ân cần đấm bóp cho Hiền còn cậu con trai liên tục động viên mẹ khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

“Tôi sẽ cùng con chiến đấu đến cùng”

Vừa đấm bóp cho cậu con trai, chị cười nói với chúng tôi rằng kể từ khi Hiền bị liệt nửa người, ngày nào chị cũng đấm bóp như vậy nhưng không thấy mệt mỏi: “Ngày cũng như đêm, mỗi khi rảnh việc, tôi luôn đấm bóp cho con. Có những đêm, tôi ngủ gục khi bóp chân cho Hiền nhưng tôi không thấy mệt chút nào. Bởi với tôi, chỉ cần nghe được tiếng con gọi mẹ ơi lấy giúp cái này, cái kia là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi chẳng mong ước gì nhiều. Chỉ mong mình có sức khỏe để chăm sóc con, cùng con chiến đấu đến cùng với căn bệnh này”.

Tỉnh dậy sau giấc ngủ, gương mặt còn đọng lại nét mệt mỏi, đau đớn nhưng Hiền vẫn cố gắng tâm sự: “Thấy mẹ vất vả như vậy mà mình không làm được gì, em buồn và thương mẹ lắm. Em chỉ cầu mong cho mình có thể đi lại được thôi. Như vậy mẹ em sẽ bớt khổ hơn. Em cũng sẽ giúp đỡ được chút gì đó cho mẹ. Nhìn mẹ hàng đêm chăm sóc cho em đến ngủ gục, em bất lực lắm, chỉ biết khóc thầm thôi”.

Uông Linh- Kim Ngân

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (43)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nguoi-me-mu-loa-cham-con-ung-thu-gan-a343662.html